Gà Nội Có Cơ Hội Lên Ngôi
Không chịu sức ép từ gà thải loại nhập lậu, trong khi khu cầu thực dịp tết tăng mạnh nên gà chăn nuôi trong nước được giá. Người tiêu cũng tin tưởng hơn vì gà chất lượng bảo đảm dịp Tết còn người chăn nuôi phấn khởi vì có thêm thu nhập.
TS. Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), chỉ tính riêng thị trường Hà Nội, lượng gà nhập lậu đã giảm đến 90% sau hơn 1 tháng triển khai Đề án phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển và kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tại các siêu thị, các chợ lớn trên địa bàn Hà Nội, hầu như đã vắng bóng gà thải loại nhập lậu giá rẻ chất lượng kém.
Vừa được giá
Tại các chợ bán lẻ trên địa bàn Hà Nội như: Thành Công, Bưởi, Nghĩa Tân, Phùng Khoang… giá thịt gà đã tăng cao so với tháng trước. Chị Hoa, tiểu thương bán thịt gà tại chợ Nghĩa Tân cho biết, khoảng một tuần nay, giá thịt gà tăng mạnh, gần gấp đôi so với thời gian trước. Năm ngoái, cùng thời điểm này, giá gà chỉ tăng khoảng 10 - 15 %.
Chị Lan, tiểu thương bán thịt gà tại chợ Phùng Khoang (Thanh Xuân) cho biết, không chỉ có riêng giá thịt gà công nghiệp mới tăng dịp này mà giá thịt gà ta còn tăng mạnh hơn. Trước gà ta nguyên lông nhập vào có giá trên 85.000 đồng/kg nhưng giờ ít nhất cũng phải 110.000 đồng/kg. Theo đó, giá bán tại chợ được đẩy lên từ 130.000 – 160.000 đồng/kg cho phù hợp với giá gà nhập vào.
Tại các siêu thị như Hapro, Coopmart, Fivimart,... giá gà ta nguyên con là 130.000 đồng/kg, gà đồi Yên Thế là 150.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Đắc Sinh, Giám đốc Công ty TNHH PT Thành Đồng II, có trụ sở tại Hà Nội cho biết, công ty ông thu mua gà ở các hộ nông dân tại Yên Thế (Bắc Giang) với giá 85.000 - 87.000 đồng/kg gà lông, tăng hơn 30.000 đồng/kg so với trước đây một tháng. Sau khi giết mổ, ông giao cho BigC với giá 120.700 đồng/kg.
Vừa hút khách
Chị Lan, nội trợ (Phùng Khoang, Hà Nội) bày tỏ, khi giết mổ sẵn thì khó phân biệt gà nội và gà thải loại tuy nhiên "ham rẻ mà nguy hiểm đến tính mạng thì không đáng, tôi tìm mua rất kĩ để tránh không bị mua phải những loại gà thải loại".
Theo chị Ngọc, nhân viên văn phòng (Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội), từ một tháng nay khi nghe mọi người khen về chất lượng gà đồi Yên Thế, dù giá cả có cao hơn các loại gà khác nhưng chị vẫn thường vào siêu thị tìm mua.
Theo Ông Nguyễn Tiến Dũng - Giám đốc Saigon Co.op mart Thanh Xuân, bước đầu gà Yên Thế tiêu thụ tại siêu thị rất tốt, trung bình mỗi ngày siêu thị có thể bán được gần 100 con, vào những ngày cao điểm, cuối tuần, lượng tiêu thụ thường cao hơn, dự kiến cận Tết số lượng sẽ tăng từ 3 - 4 lần.
Theo TS. Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), các công ty tổ chức đám cưới, nhà hàng trên địa bàn Hà Nội cũng thực hiện cam kết không sử dụng gà thải loại nhập lậu.
Người chăn nuôi phấn khởi
Với người chăn nuôi, giá tăng, gà xuất chuồng hút khách là tín hiệu vui, giúp người chăn nuôi lấy lại niềm tin, vớt vát lại ít nhiều sau cả một năm chăn nuôi thua lỗ, bán gà dưới giá thành.
Anh Nguyễn Văn Tuấn, chủ trại gà ở Thường Tín (Hà Nội) cũng chia sẻ, từ khi có chính sách mạnh mẽ ngăn chặn gà lậu thì gà nội có cơ hội nhiều hơn, không bị ép giá, người chăn nuôi phấn khởi.
Ngoài ra, anh Tuấn còn cho biết, nếu giá gà cứ giữ được như mức hiện tại thì chỉ trong vòng 6 tháng người chăn nuôi có thể lấy lại được toàn bộ số vốn đã thua lỗ khi phải bán gà dưới giá thành trong suốt cả một năm qua.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết nhờ có đề án ngăn chặn gà nhập lậu cộng với sự vào cuộc quyết liệt của các bộ ban ngành nên gà thải loại nhập lậu về nước giảm. Giá gà lông xuất chuồng gần đây tăng lên. Người tiêu dùng cũng nên chia sẻ với người chăn nuôi đã bị thua lỗ một năm vừa qua. Giá cả phải hài hòa sao cho người tiêu dùng chấp nhận được và người chăn nuôi có lãi. Qua đó, người tiêu dùng không bị thiệt và người chăn nuôi mới có động lực để sản xuất.
Để cung ứng đủ nhu cầu cho thành phố, Sở Công Thương Hà Nội và Sở Công Thương Bắc Giang đã ký biên bản thỏa thuận về việc tạo lập thị trường tiêu thụ sản phẩm mang thương hiệu “Gà đồi Yên Thế”. Nhờ đó, một số thương nhân kinh doanh gà đã chủ động tìm kiếm nguồn hàng, hợp đồng với những hộ chăn nuôi gà Bắc Giang để tiêu thụ.
Có thể bạn quan tâm
Trong số 12 nước tham gia Hiệp định TPP, hầu hết đều là những nước phát triển, đòi hỏi chất lượng an toàn thực phẩm cao, trong khi đó vấn đề này, ở nước ta vẫn chưa được cải thiện. Đây chính là điều khiến nhiều chuyên gia tỏ ra lo ngại.
Dự án phục hồi rừng ngập mặn ở xã Tam Giang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, được triển khai hơn năm nay, không chỉ có tác dụng giữ rừng mà còn giúp người dân phát triển kinh tế và chống lại gió bão một cách hiệu quả…
Kể từ ngày 20.10.2015, khoai tây Trung Quốc không được đưa vào chợ đầu mối nông sản Đà Lạt (Lâm Đồng). Đây là chỉ đạo của UBND TP. Đà Lạt nhằm đưa chợ này hoạt động đúng mục đích bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và nông dân trồng khoai tây...
TS Đặng Kim Sơn – nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho rằng, nông dân toàn cầu là phải trẻ, khoẻ, có kiến thức…
Khảo sát tại nhiều chợ lẻ, xe đẩy trên địa bàn TP.HCM cho thấy ngày càng xuất hiện rất nhiều nông sản Trung Quốc (TQ) như nho, quýt, cam, táo, khoai tây… gắn mác “made in Viet Nam”.