Trang chủ / Tin tức / Tin nông nghiệp

Gà Móng Tiên Phong

Gà Móng Tiên Phong
Tác giả: Bích Hòa
Ngày đăng: 11/04/2017

Gà Móng hay gà chân voi là giống gà nội địa của Việt Nam hiện nay còn được nuôi duy nhất ở xã Tiên Phong (Duy Tiên, Hà Nam). Đây là giống gà quý, thuần chủng, có sức đề kháng tốt, đã trở thành giống gà thương hiệu của người dân làng Móng.

Trong ảnh: Gà Móng, vật nuôi đặc sản địa phương - Ảnh: News.zing

Giống gà quý

Gà Móng là giống gà cố thuần chủng, xuất hiện từ rất lâu đời ở làng Móng thuộc xã Tiên Phong. Gà có chân to, thân hình nhiều nét giống với gà Hồ (Bắc Ninh). Gà Móng bản địa có thân hình to lớn, nuôi 7 tháng, gà trống đạt 3,5 - 4 kg/con, gà mái đạt 2,5 - 3 kg/con. Gà trống gáy trầm, lông màu đỏ tía, chân to nên còn gọi gà “chân voi”. Vảy thẳng không xù xì như gà Đông Tảo. Gà mái có bộ lông trắng nhạt, sau 7 - 8 tháng nuôi bắt đầu đẻ trứng, đạt 200 - 300 trứng/năm. Gà con khi nở màu lông trắng, chân vàng, vảy thẳng, kẽ chân có viền đỏ không lẫn vào đâu được. Đặc điểm nổi bật nhất của gà Móng là thịt đậm, dai, thơm ngon, có khả năng chịu được sự thay đổi của thời tiết rất tốt cũng như sức đề kháng cao với bệnh tật. Gà có khả năng thích nghi tốt với điều kiện nuôi khắc nghiệt và thích hợp với nuôi thả tự do.

Năm 2003, trong một lần khảo sát thực trạng nuôi gà ở Tiên Phong của Sở NN&PTNT Hà Nam, gà Móng đã được đưa lên Viện Chăn nuôi để xét nghiệm với kết quả là gen của giống gà này thuộc loại gen quý hiếm. Cùng năm đó, gà Móng được ghi vào sách Đỏ Việt Nam. Mặc dù được xác định là giống gà có nguồn gen quý hiếm và được ghi vào sách Đỏ bảo tồn. Nhưng loài gà này vẫn được người dân xã Tiên Phong nuôi phổ biến và là loài vật duy nhất không bị cấm nuôi, buôn bán, vận chuyển theo quy định về bảo tồn. Gà được nhân giống từ làng Móng và được nuôi phổ biến trên toàn xã. Điều đặc biệt, Viện Chăn nuôi đã giám định là chỉ có xã Tiên Phong là nơi lưu giữ nguồn gen tốt nhất. Bởi nhiều người nuôi ở nơi khác cũng đã tiến hành mua gà giống về nuôi thử nhưng không thành công và không đạt hiệu quả.

Nhằm bảo tồn nguồn gen quý của gà Móng, địa phương cũng đã thành lập Hiệp hội Chăn nuôi và Kinh doanh gà Móng Tiên Phong. Đây là nơi để các hộ chăn nuôi chia sẻ kinh nghiệm nuôi và bảo tồn giống gà quý hiếm này. Hiện, Hiệp hội có hầu hết hộ chăn nuôi tham gia, tất cả các hộ chăn nuôi đều bảo đảm yếu tố khoa học kỹ thuật để bảo tồn và phát triển giống gà Móng. Được biết, xã Tiên Phong cũng đã thành lập Hội Chăn nuôi gà Móng và lò ấp nở gà Móng nhằm bảo tồn và duy trì nguồn gen gà quý hiếm này. Các thành viên trong Hội phải bảo đảm vệ sinh chuồng trại và chăn nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật. Phải tự có kế hoạch tiêm phòng định kỳ phòng, chống dịch bệnh. Quan trọng hơn, tất cả các thành viên phải cam kết không đem loại gà khác về nhà cho lai phối giống và các loại gà có nguy cơ dịch bệnh về làng. Đến tháng 4/2016, nhãn hiệu gà Móng Tiên Phong cũng đã được Cục Sở hữu Trí tuệ thuộc Bộ Khoa học & Công nghệ cấp. Đến nay, làng Móng được xem là làng “độc nhất nuôi gà sách Đỏ” trên cả nước. Tính đến năm 2013, xã Tiên Phong có hơn 95% số hộ nuôi gà Móng với khoảng 18.000 con gà mái đẻ.

Hiệu quả kinh tế

Người dân xã Tiên Phong cho biết, gà Móng được nuôi thả tự nhiên, thức ăn chủ yếu là nông sản, bèo, tảo vì vậy thịt chắc, đậm, dẻo, thơm ngọt, da giòn và không có mỡ dưới da nên không thể lẫn với bất cứ loại gà nào. Nhưng quan trọng hơn cả, đây là giống gà có sức đề kháng cực tốt. Là giống gà khỏe, chịu bệnh tốt, nhất là khả năng đề kháng với dịch cúm H5N1.

Gà Móng, vật nuôi đặc sản

Nhiều người dân cho biết, gà Móng có sức đề kháng tốt với dịch H5N1 bởi: Vị trí địa lý được bao bọc bởi con sông Châu Giang, cách ly với xã khác. Hơn nữa, xã chỉ nuôi duy nhất gà Móng với sức khỏe tốt. Cùng với đó, gà Móng được người dân chăm sóc, phòng bệnh rất cẩn trọng. Hơn nữa, từ khi được đưa vào sách Đỏ, những hộ chăn nuôi của xã cũng được hỗ trợ nhiều chương trình phòng chống dịch bệnh. Trước đây, khi gà Móng chưa nổi tiếng, các hộ dân làng Móng chủ yếu nuôi gà phục vụ nhu cầu gia đình, dư giả thì mới đem bán. Đến nay, khi gà Móng đã có thương hiệu và được người tiêu dùng ưa chuộng, phong trào nuôi gà Móng được nuôi rộ lên ở toàn xã. Gà được nhân nuôi trên khắp xã, cả xã có hơn 700 hộ dân, thì gần 700 hộ nuôi giống gà này. Những hộ nuôi nhiều lên tới hàng nghìn con. Mỗi năm, gà đóng góp hơn 30% tổng thu nhập của toàn xã.

Theo ông Nguyễn Văn Thắm, một hộ nuôi hơn 1.000 gà Móng đẻ và hàng trăm con gà trống cho biết, trung bình mỗi lứa gà Móng phải nuôi 7 tháng trở lên. Mỗi năm gà mái đẻ 5 - 7 lứa (10 - 15 trứng/lứa). Tỷ lệ ấp nở thành công 80%. Mỗi gà mái có thể cho thu nhập hơn 1 triệu đồng/năm. Riêng với gà thịt, ngày thường giá dao động 120.000 - 150.000 đồng/kg. Vào dịp gần Tết giá gà lên tới 180.000 - 250.000 đồng/kg. Vậy nên, so với gà thông thường, thu nhập từ nuôi gà Móng cao hơn cả chục lần.

Là giống gà quý và nức tiếng khắp cả nước nên hoạt động về con giống cũng trở nên đắt khách. Ngày thường, cũng có nhiều người lặn lội từ các tỉnh tìm về đây mua gà về buôn bán. Hơn nữa, nhờ dự án “Khai thác và phát triển nguồn gen giống gà Móng” từ năm 2013 - 2015 của Chi cục Chăn nuôi - Thủy sản Hà Nam phối hợp với Viện Chăn nuôi nên chất lượng con giống thuẩn chủng cũng được nâng cao và được nhân giống ra diện rộng cho các hộ dân. Do đó, nguồn gà Móng giống của xã sản xuất đến đâu, bán chạy đến đấy. Nhờ đó mà nhiều gia đình ở Tiên Phong có thu nhập đến vài trăm triệu đồng mỗi năm, thoát nghèo và vươn lên làm giàu một cách hiệu quả.


Có thể bạn quan tâm

Những công nghệ trong sản xuất giống Những công nghệ trong sản xuất giống

Đây là một số công nghệ đã được ứng dụng thành công trong việc sản xuất giống tại nước ta trong năm qua, giúp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm

11/04/2017
Lãi lớn nhờ nuôi thỏ Lãi lớn nhờ nuôi thỏ

Mô hình nuôi thỏ hiệu quả của anh Trần Quý Hòa ở thôn Chi Nhị, xã Song Giang, huyện Gia Bình được nhiều người biết đến, mỗi tháng anh thu lãi 30 triệu đồng

11/04/2017
Cựu chiến binh nuôi thỏ thoát nghèo Cựu chiến binh nuôi thỏ thoát nghèo

Cần cù, chịu khó, dám mạnh dạn thay đổi là những gì mà người dân ở xóm Bến Tre nói về quyết tâm vượt khó làm giàu của cựu chiến binh Lê Văn Cững

11/04/2017