Trang chủ / Tin tức / Tin nông nghiệp

Cựu chiến binh nuôi thỏ thoát nghèo

Cựu chiến binh nuôi thỏ thoát nghèo
Tác giả: Hồng Thắm
Ngày đăng: 11/04/2017

Cần cù, chịu khó, dám mạnh dạn thay đổi là những gì mà người dân ở xóm Bến Tre (xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) nói về quyết tâm vượt khó làm giàu của cựu chiến binh Lê Văn Cững (SN 1955).

Vợ chồng ông Cững bắt đầu cuộc mưu sinh bằng sự cần cù, chịu khó của người lính Bộ đội Cụ Hồ. Cũng như mọi người, ban đầu ông chủ yếu dựa vào cây cà phê. Tuy nhiên, sức khỏe của ông không thể chiến thắng địa hình đồi núi của vùng đất cao nguyên. Tình cờ một lần xem chương trình truyền hình về nuôi thỏ, ông liền đặc biệt quan tâm tới mô hình này. Mất một thời gian khá dài để nghiên cứu sách, báo, người cựu chiến binh quyết định đi Đà Lạt và tìm đến một số trang trại nuôi thỏ để thực tế tìm hiểu. Cuối năm 2010, ông quyết định thử nghiệm với 2 cặp thỏ giống đầu tiên.

Bắt đầu với 2 cặp thỏ giống trị giá 600.000 đồng, đến nay, trang trại thỏ của ông đã lên đến 700 con. Từ một cựu chiến binh mất sức khỏe, ông đã trở thành một lão nông nuôi thỏ lành nghề. Hiện nay, đàn thỏ của ông có 100 con thỏ mẹ, mỗi con đẻ từ 8 - 10 con/tháng. Trang trại của ông mỗi tháng cung cấp ra thị trường hàng trăm kg thỏ thịt, cùng với thỏ mẹ và thỏ giống. Với giá ổn định như hiện tại, hàng năm, gia đình ông thu lãi hàng trăm triệu đồng.

Ông cho biết: “Nuôi thỏ thì không khó, nhưng phải kiên trì vì thỏ cũng rất dễ mắc bệnh khi thời tiết thay đổi vì thế cần nắm bắt được chính xác những biểu hiện các bệnh như sổ mũi, cảm, tiêu chảy... Rồi sau đó chú ý vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, vừa khử được mùi hôi vừa giúp thỏ tăng sức đề kháng, ít bệnh. Ngay từ đầu mình ít vốn, nuôi ít nên chủ yếu lấy công sức gia đình bỏ ra làm lời. Thức ăn cho thỏ ngoài tự nhiên lại dễ kiếm, 2 vợ chồng tận dụng thời gian rảnh để đi cắt cỏ, lá cây”.

Ông đang dần chuyển đổi hơn 130 m2 diện tích nhà nuôi từ tre, gỗ sang lồng sắt để tạo môi trường thoải mái hơn cho đàn thỏ. Ngoài Lâm Hà và Đà Lạt, ông Cững cũng đang mở rộng thị trường tiêu thụ ra các tỉnh phía bắc. Dường như vẫn chưa hài lòng với kết quả hiện tại, ông Cững cho biết, còn đang dự định mở thêm trang trại nuôi dê, gà. Ông đang trong giai đoạn nghiên cứu kỹ thuật vì theo ông nuôi dê cần những kỹ thuật phức tạp và chế độ theo dõi nghiêm ngặt hơn để tránh bệnh dịch cũng như ảnh hưởng tới môi trường xung quanh.

Noi gương cha, con trai ông cũng đầu tư cùng cha mở trang trại nuôi gần 1.000 con. Không chỉ trong gia đình mà ông còn giúp những người hàng xóm đồng hương cải thiện đời sống, đồng thời kiêm luôn kỹ thuật viên hướng dẫn tận tình, thuốc men mỗi khi thỏ bệnh. Ông bảo, chỉ cần họ là những người chịu khó, cần cù thì ông sẵn sàng giúp mà không ngại ngần.

Hỏi về ông, người dân xóm Bến Tre ai cũng khâm phục ý chí vươn lên của cựu chiến binh Lê Văn Cững. Hơn 10 năm làm trưởng xóm và gần như là người chứng kiến toàn bộ quá trình vươn lên làm giàu của ông Cững, ông Văn Khế chia sẻ: “Từ hai bàn tay trắng, phát huy phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ nên ông Cững luôn cố gắng để vượt khó làm giàu. Người dân ở xóm Bến Tre trước nay vẫn chủ yếu trồng cà phê, ông Cững là gia đình đi tiên phong trong việc thoát nghèo bằng hướng đi mới. Đây là mô hình điển hình dám mạnh dạn đổi mới ở trong xóm. Hiện nay cũng đã có một vài gia đình học tập và đã bước đầu cho thu nhập ổn định”.


Có thể bạn quan tâm

Thế nào được gọi là sản xuất nông nghiệp sạch? Thế nào được gọi là sản xuất nông nghiệp sạch?

Sản xuất nông nghiệp sạch cần phải đảm bảo an toàn thực phẩm, áp dụng các quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cấp quốc gia hoặc quốc tế...

10/04/2017
Những công nghệ trong sản xuất giống Những công nghệ trong sản xuất giống

Đây là một số công nghệ đã được ứng dụng thành công trong việc sản xuất giống tại nước ta trong năm qua, giúp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm

11/04/2017
Lãi lớn nhờ nuôi thỏ Lãi lớn nhờ nuôi thỏ

Mô hình nuôi thỏ hiệu quả của anh Trần Quý Hòa ở thôn Chi Nhị, xã Song Giang, huyện Gia Bình được nhiều người biết đến, mỗi tháng anh thu lãi 30 triệu đồng

11/04/2017