FrieslandCampina Trao Tặng 60 Con Bò Cho Dự Án Ngân Hàng Bò

Đây là năm thứ 3, FrieslandCampina Việt Nam tham gia chương trình này với mong muốn tiếp sức và trợ giúp cho các hộ nông dân nghèo
Tiếp tục với phương châm tạo lập giá trị chung cho cộng đồng mà FrieslandCampina Việt Nam đã thực hiện trong suốt 18 năm qua, công ty đã trao tặng 60 con bò giống (trị giá 600 triệu đồng) cho dự án “Ngân hàng Bò” – Dự án giúp người dân thoát nghèo do Trung Ương Hội Chữ Thập Đỏ Việt Nam sáng lập.
Đây là năm thứ 3, FrieslandCampina Việt Nam tham gia chương trình này với mong muốn tiếp sức và trợ giúp cho các hộ nông dân nghèo tại những xã, huyện trên cả nước, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của các thành phần kinh tế địa phương, góp phần tích cực xây dựng nông thôn mới. Chương trình trao bò năm nay diễn ra tại 2 tỉnh Sơn La và Thanh Hóa vào ngày 15 và 16/8.
Với phương châm “Trao cần câu, thay vì cho con cá”, FrieslandCampina Việt Nam trao tặng mỗi hộ gia đình nghèo tham gia dự án “Ngân hàng Bò” 1 con bò sinh sản trị giá 10 triệu đồng. Trong trường hợp bò giống đẻ lứa đầu là bê cái, hộ gia đình sẽ tiếp tục nuôi từ 6 đến 12 tháng tuổi, sau đó, bàn giao lại cho Hội Chữ Thập Đỏ để chuyển giao bê cái này cho hộ nghèo khác.
Sau khi hoàn thành quá trình này, hộ gia đình nghèo đầu tiên sẽ được sở hữu hoàn toàn bò giống để tiếp tục phát triển mô hình chăn nuôi hộ gia đình.
Cùng với quá trình này, dự án cũng cung cấp kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi đạt hiệu quả cao; giúp các hộ gia đình nghèo phát triển kinh tế, từng bước vươn lên thoát nghèo và thúc đẩy tinh thần tương trợ lẫn nhau trong cộng đồng.
Điểm thành công của dự án mang tính phát triển bền vững này trong giai đoạn vừa qua đã góp phần cải thiện cuộc sống của hơn 7.000 hộ gia đình nghèo trên cả nước. Đồng thời, dự án cũng trực tiếp hỗ trợ thêm gần 1.000 hộ nghèo khác thông qua việc chuyển giao tiếp gần 1.000 con bê sinh sản.
Theo chia sẻ của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh trong chương trình Tổng kết kết quả Dự án 2013 thì: “Ngân hàng bò là một ngân hàng rất đặc biệt hỗ trợ cộng đồng, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống bền vững – ngân hàng của lòng nhân ái, thấm đẫm các giá trị nhân đạo và có tính nhân văn sâu sắc.”
Dự án “Ngân hàng bò” với chỉ tiêu mỗi năm vận động ít nhất 50 đến 100 con bò sinh sản tặng các hộ gia đình nghèo ở địa phương, đăng ký ủng hộ bò cho đồng bào nghèo thuộc các huyện nghèo, xã biên giới, hải đảo; đối với các tỉnh có huyện nghèo thuộc Chương trình 30a của Chính phủ và các xã biên giới.
Sau gần 4 năm triển khai, Chương trình “Ngân hàng bò” - Chung sức cùng đồng bào các huyện nghèo, xã biên giới xây dựng nông thôn mới đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của Văn phòng TW, các bộ, ban ngành, đoàn thể TW, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp và nhiều tập thể, cá nhân trong và ngoài nước, sự tham gia và đối ứng của các tỉnh thành trong cả nước.
Có thể bạn quan tâm

Trong 2 ngày (21và 22-8), Trung tâm Giống thủy sản Gia Lai phối hợp với Phòng Kinh tế thành phố Pleiku tổ chức thả trên 116 ngàn con cá giống ra hồ B công trình thủy lợi Biển Hồ, thuộc Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Gia Lai.

Vào đầu tháng 7 (âm lịch) hằng năm, nhiều nông dân lâu nay quen sản xuất 2 lúa kết hợp 1 vụ cá hoặc những nơi vùng đất trũng không thể sạ lúa vụ 3 (Thu đông) lại bắt đầu thả nuôi cá trên ruộng lúa, nhằm kiếm thêm nguồn thu nhập trong những tháng mùa nước nổi.

Người chăn nuôi gia cầm đang phải chịu nhiều rủi ro vì giá thức ăn, dịch bệnh, đầu ra cho sản phẩm… Để tránh những rủi ro này, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu ngày càng nhiều hộ gia đình chuyển hướng sang chăn nuôi gia công cho DN trong và ngoài nước. Đây đang là mô hình chăn nuôi ít rủi ro do được bao tiêu sản phẩm.

Từ kết quả này, trong thời gian tới, Trung tâm Giống và kỹ thuật thủy sản Phú Yên tiếp tục thả nuôi nhiều đối tượng thủy sản nhuyễn thể 2 mảnh vỏ tại đầm Ô Loan nhằm góp phần cải thiện môi trường sinh thái và ổn định sinh kế cho người dân 5 xã sống quanh đầm.

Ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi là phương pháp sử dụng chế phẩm sinh học Balasa N01 làm đệm lót chuồng nuôi. Theo các hộ chăn nuôi, mô hình trên không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn giúp xử lý triệt để chất thải chăn nuôi, bảo vệ môi trường.