Ðệm Lót Sinh Học Tạo Đột Phá Mới Trong Chăn Nuôi
Việc ứng dụng hệ vi sinh vật để làm đệm lót sinh học (chế phẩm Balasa N01) trong chăn nuôi mang tính đột phá, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn 15% so với chăn nuôi thông thường. Tuy nhiên, việc ứng dụng đệm lót sinh học vẫn cần những cải tiến mới và sự tham gia tích cực của doanh nghiệp để mô hình này có thể nhân rộng trong cả nước.
Từ ý tưởng làm sạch môi trường
Theo tính toán của các chuyên gia, hằng năm tổng đàn gia súc, gia cầm của nước ta thải vào môi trường từ 80 đến 85 triệu tấn chất thải rắn. Chưa kể lượng chất thải từ sinh hoạt, các làng nghề đã và đang gia tăng, gây nguy cơ ô nhiễm môi trường ở nông thôn và các thành phố lớn, trong đó có Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Lo ngại chất thải rắn trong chăn nuôi gây ảnh hưởng đến môi trường sống không phải là không có cơ sở. Thực tế, phương thức chăn nuôi của nước ta chủ yếu nhỏ lẻ, lại nằm xen kẽ trong khu dân cư, thiếu sự đầu tư đồng bộ trong xử lý chất thải, dẫn đến tình trạng xả thải tự do ra môi trường sống chung quanh thông qua hệ thống ao hồ, kênh mương, gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước mặt và nguồn nước ngầm.
Chưa kể tình trạng vứt xác vật nuôi bừa bãi khi dịch bệnh bùng phát. Ðây là những thách thức lớn mà ngành chăn nuôi phải đối mặt trong bảo vệ môi trường, đồng thời cũng là sức ép đối với nền chăn nuôi sạch khi Việt Nam hội nhập với thế giới.
Ðể giảm thiểu ô nhiễm từ chất thải trong chăn nuôi, thực hiện thành công tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới (NTM), Hà Nội và nhiều địa phương khác đã thực hiện quy hoạch lại chăn nuôi, kiên quyết cấm và phạt tiền người dân nếu vi phạm.
Tuy nhiên, những biện pháp được cho là mạnh này vẫn chưa đem lại hiệu quả. Hiện tượng các trang trại, gia trại chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường vẫn liên tục tái diễn.
Chúng tôi đến xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục (Hà Nam), địa phương phát triển chăn nuôi có tiếng của miền bắc, gặp anh Lê Huy Giới, được anh cho biết, trước đây những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ như gia đình anh đều xả thải trực tiếp ra ao hồ, kênh mương. Biết là gây ô nhiễm môi trường nhưng "lực bất tòng tâm", vì không phải gia đình nào cũng có tiền xây bể bi-ô-ga.
Ông Ngô Văn Thêm, một hộ chăn nuôi khác ở cùng xã cho biết, từ nhiều năm nay gia đình ông đã có ý thức thu gom chất thải đem ủ thành phân hữu cơ bón cho đồng ruộng, nhưng với nước thải thì không có cách nào xử lý. Không chỉ hình thức chăn nuôi gia trại gây ô nhiễm môi trường, mà tình trạng các chủ trang trại vì lợi nhuận mà bất chấp những cam kết trong bảo đảm vệ sinh môi trường đang xảy ra ngày một nhiều hơn.
Theo các chuyên gia môi trường thì trong hoạt động chăn nuôi, chất thải rắn từ chăn nuôi lợn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hơn các loại chăn nuôi khác và cần được xử lý dứt điểm. Chính vì vậy, yêu cầu tìm ra một "phương thuốc hữu hiệu" trị tận gốc nạn ô nhiễm trong chăn nuôi càng trở nên bức thiết hơn bao giờ hết.
Ý tưởng làm sạch môi trường trong chăn nuôi hay đúng hơn là ứng dụng các chế phẩm sinh học đã xuất hiện tại Việt Nam từ những năm 1990, song việc ứng dụng hệ vi sinh vật để làm đệm lót sinh học thì mới chỉ bắt đầu gần đây do nhóm nghiên cứu thuộc Viện Nông nghiệp I triển khai và ứng dụng.
Ðề tài nghiên cứu khoa học Balasa N01 chính là sử dụng hệ vi sinh vật để phân hủy phân gia súc, gia cầm trong chăn nuôi đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là tiến bộ kỹ thuật mới năm 2013.
Ðến hiệu quả kinh tế cao
Theo khảo sát của Cục Chăn nuôi, tính đến thời điểm hiện tại, cả nước đã có 40/63 tỉnh, thành phố ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi. Trong đó, có 752 trang trại và 61.449 hộ gia đình sử dụng 5,47 triệu m2 đệm lót sinh học.
Ði đầu trong các tỉnh có tỷ lệ ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi là tỉnh Hà Nam. Tại đây, chỉ tính từ năm 2010 đến nay đã có 1.120 mô hình chăn nuôi với tổng diện tích sử dụng đệm lót sinh học lên tới 17.750 m2.
Nhận thức được những ưu điểm mà đệm lót sinh học mang lại cùng sự hỗ trợ kịp thời kinh phí từ ngân sách tỉnh cho nên người dân đã chủ động tiếp cận và ứng dụng công nghệ mới này trong chăn nuôi hộ gia đình. Chủ tịch UBND xã Ngọc Lũ Hồ Xuân Hùng cho chúng tôi biết: 1.600 hộ chăn nuôi trong xã đã và đang sử dụng đệm lót sinh học.
Ðơn cử gia đình anh Lê Huy Giới, đội 11 xã Ngọc Lũ đã đầu tư ứng dụng công nghệ đệm lót sinh học nuôi 400 con lợn trong hai vụ với số vốn 500 triệu đồng, so sánh với cách nuôi trước đây đã cho lãi hơn 300 trăm triệu đồng/năm. Gia đình ông Ngô Văn Thêm cũng đầu tư đệm lót sinh học để nuôi 70 con lợn, trừ các khoản chi phí, ông thu lãi 35 triệu đồng/vụ/năm.
Ông Thêm khoe với chúng tôi: Sử dụng đệm lót sinh học không chỉ tạo ra môi trường chăn nuôi tốt giúp vật nuôi khỏe mạnh mà vấn đề chất thải cũng được xử lý triệt để, cho nên người dân rất tin tưởng áp dụng công nghệ chăn nuôi không mùi này.
Theo ông Mai Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam, hiện tỉnh đang hỗ trợ 100% chi phí cho các hộ chăn nuôi lợn (từ 5 đến 10 con) áp dụng công nghệ đệm lót sinh học với số tiền 165 nghìn đồng/m2, đồng thời tổ chức các lớp tập huấn, cử cán bộ xuống hướng dẫn người dân cách sử dụng hiệu quả. Bên cạnh đó là chỉ đạo các ngân hàng chính sách cho vay ưu đãi đối với hộ gia đình ứng dụng quy trình này.
Tại tỉnh Bắc Giang, Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Bắc Giang đã chuyển giao thành công công nghệ ứng dụng chế phẩm Balasa N01 cho người dân. Tính đến nay, Bắc Giang đã có chín huyện, thị xã ứng dụng chế phẩm sinh học với tổng diện tích lên đến 3.500 m2. Tại tỉnh Hậu Giang, dự án 1.000 hộ chăn nuôi sử dụng đệm lót sinh học cũng đã được lập trình UBND tỉnh phê duyệt.
Từ thực tế chăn nuôi cho thấy, đệm lót sinh học đã thật sự đem lại lợi ích thiết thực cho người chăn nuôi như: giúp gia súc tăng trọng nhanh hơn so với cách nuôi thông thường, giảm thiểu một số dịch bệnh, và quan trọng hơn là có thể tiết kiệm được 10% lượng thức ăn chăn nuôi, giảm tới 60% chi phí nhân công vệ sinh, thuốc thú y, vắc-xin, điện nước.
Nhờ đó, chi phí chung cho chăn nuôi đã giảm khoảng 100 nghìn đồng/con lợn thịt, 2.000 đến 3.000 đồng/con gia cầm, thu nhập người chăn nuôi được tăng lên đáng kể.
Tuy nhiên, sử dụng đệm lót sinh học vẫn có những hạn chế như: nguyên liệu sử dụng làm bằng mùn cưa, phôi bào không phải lúc nào cũng dồi dào, trong quá trình sử dụng phải thường xuyên bổ sung, dẫn đến giá thành cao. Bên cạnh đó, mức tăng nhiệt của đệm lót sinh học luôn từ 300C đến 40 độ C (để vi sinh vật lên men phân giải chất thải) dẫn đến bất lợi cho chăn nuôi vào mùa hè.
Thêm một điểm hạn chế nữa khiến cho đệm lót sinh học chưa thể áp dụng cho chăn nuôi công nghiệp, quy mô lớn chính là chỉ cho phép sử dụng đệm lót sinh học với mật độ chăn nuôi từ 1,5 đến 2 m2/1 con lợn 60 kg.
Tạo "cú huých" trong chăn nuôi
Ðể khuyến khích việc nhân rộng ứng dụng công nghệ mới, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trong Hội nghị tổng kết ba năm ứng dụng công nghệ sinh học trong chăn nuôi vừa qua đã đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp nhóm nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện quy trình ứng dụng chế phẩm sinh học, tìm nguồn nguyên liệu thay thế, gia tăng độ bền và thích hợp với nhiều loại vật nuôi.
Ðây được xem là những bước đi cần thiết để ngành chăn nuôi Việt Nam nhanh chóng ứng dụng được quy trình chăn nuôi sạch phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Ðồng thời, đáp ứng yêu cầu về chỉ tiêu môi trường trong xây dựng NTM đang được triển khai sâu rộng trên cả nước.
Tuy nhiên ngoài những công trình nghiên cứu khoa học, những chính sách ưu đãi về vốn, những lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật, người chăn nuôi vẫn cần sự vào cuộc của các doanh nghiệp. Tiến sĩ Nguyễn Khắc Tuấn, chủ nhiệm đề tài Balasa N01 cho rằng, ông đang mở rộng hướng nghiên cứu để hạ thấp giá thành đầu tư, tìm nguồn nguyên liệu thay thế và tăng độ bền của thảm sinh học.
Với Tiến sĩ Tuấn và nhóm nghiên cứu thì lợi ích của người nông dân, vấn đề cải thiện môi trường mới là mục đích mà công trình hướng tới. Mục tiêu của ông cũng như ngành chăn nuôi hướng đến là 100% mô hình chăn nuôi được áp dụng và thực hiện đúng các quy trình kỹ thuật, quản lý theo hướng VietGAP, tăng thu nhập lên 10% đến 20%, thậm chí cao hơn so với chăn nuôi truyền thống.
Quyết tâm này hẳn sẽ còn không xa nếu Nhà nước, nhà khoa học, người dân và doanh nghiệp cùng chung một mục tiêu. Mối liên kết "bốn nhà" bền chặt chắc chắn sẽ thúc đẩy chăn nuôi phát triển một cách bền vững.
Có thể bạn quan tâm
Trước nhu cầu tiêu thụ thịt dê mạnh, nhiều nông dân ở An Giang đang phát triển mô hình nuôi dê nhốt chuồng hoặc thả lan, đem lại thu nhập cao.
Bệnh khô vằn, bệnh đốm nâu, bệnh đốm lá… tiếp tục hại ngô. Sâu xanh, sâu khoang, bọ nhảy, bệnh sương mai, bệnh thối nhũn… hại nhẹ các loại rau màu.
Mô hình nuôi heo trên đệm lót sinh học của ông Mol cũng như 47 hộ chăn nuôi khác ở xã Tân Tuyến đều cho thấy, heo nuôi khỏe mạnh và tăng trưởng nhanh.
Quá trình nuôi tôm theo VietGAP, công tác quản lý con giống, kiểm soát dịch bệnh và quản lý các chế phẩm sinh học phải được gắn liền với nhau.
Nông dân Danh Văn Dưỡng ở thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn là cha đẻ của 3 bộ giống lúa mới, có tính chống chịu tốt, cứng cây, kháng sâu rầy và cho năng suất cao.