Được Mùa Lúa Vụ Mùa

Dù thời tiết không thuận lợi, nhưng bà con nông dân huyện Thuận Nam vẫn có một vụ lúa mùa bội thu, năng suất cao nhất từ trước đến nay.
Vụ mùa năm nay, huyện Thuận Nam sản xuất 867 ha lúa, tăng 500 ha so với vụ cùng kỳ. Thời điểm hiện nay bà con đã thu hoạch được khoảng 500 ha. Tuy chưa tổng kết vụ, nhưng theo cơ quan chuyên môn, lúa vụ mùa năm nay ở Thuận Nam năng suất bình quân ước đạt 6 tấn/ha, cao hơn cùng kỳ năm trước 2 tấn/ha.
Được lúa vụ mùa, nông dân ở địa phương phấn khởi. Phước Nam là địa bàn trọng điểm lúa của huyện, những ngày này trên cánh đồng lúa vàng thường xuyên có 3 máy gặt hoạt động hết công suất. Anh Kiều Văn Thà, cán bộ Nông nghiệp xã Phước Nam, cho biết: Vụ này bà con xuống 302 ha. Do các cánh đồng ở địa phương nằm trong vùng trũng, nên lúa vụ mùa mọi năm thường bị ngập úng. Tuy nhiên, năm nay lúa tốt, bà con đã thu hoạch được 96 ha, năng suất bình quân đạt 6,5 tấn/ha.
Chị Châu Thị Thuê, ở thôn Văn Lâm 3, chỉ ruộng lúa chuẩn bị thu hoạch, bộc bạch: Vụ mùa năm ngoái lúa nhà tôi bị ngập úng, sâu, rầy nên năng suất chỉ đạt 3 tạ/sào, không có lãi. Vụ này tưởng thất thu, vậy mà trúng lớn. Nhà tôi làm 2 sào, đầu tư thấp hơn các vụ trước, nhưng năng suất cao, đạt gần 7 tạ/sào. Với giá lúa 5.300 đồng/kg như hiện nay, sau khi trừ chi phí lãi 3,5 triệu đồng/sào.
Những hộ sản xuất nhiều như anh Bá Trung Huy ở thôn Văn Lâm 4, vụ này thu về số tiền khá lớn. Theo anh Huy, vụ mùa năm trước lúa bị ngã, nhiều nơi máy không vào được tốn nhiều công gặt. Năm nay, ruộng khô ráo, máy gặt vào tận nơi giảm được chi phí thu hoạch. Nhà tôi làm 1 ha, lãi chắc trong tay trên 30 triệu đồng. Năng suất lúa ở các xã Phước Ninh, Phước Hà… tuy có thấp hơn, nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi các hộ trồng lúa đều có lãi khá.
Đồng chí Lưu Ngọc Lễ, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thuận Nam, cho biết: Giống và thủy lợi là hai yếu tố quyết định năng suất lúa vụ mùa đạt cao. Ngay từ đầu vụ, huyện đã chỉ đạo các xã hướng dẫn bà con sử dụng các giống lúa chủ lực, kháng bệnh tốt, thân cứng chịu được ngập úng, như: TL 15, TL 202…. Tổ chức triển khai gieo sạ đúng lịch thời vụ nên tránh được sâu bệnh. Đặc biệt, ngành chức năng chú trọng gia cố kênh mương, điều tiết nước tưới hợp lý cho cây lúa phát triển.
Trúng lúa vụ mùa tạo đà cho nông dân tự tin bước vào sản xuất vụ đông - xuân 2012-2013. Theo kế hoạch, vụ lúa đông - xuân địa phương xuống giống 1.200 ha. Nếu tình hình thời tiết không thuận lợi, nhiều khả năng sẽ thiếu nước trong vụ đông - xuân. Để đảm bảo sản xuất có hiệu quả, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đang chỉ đạo bà con thu hoạch lúa vụ mùa đến đâu, tận dụng nước còn lại ở chân ruộng tổ chức gieo sạ vụ đông – xuân đến đó.
Có thể bạn quan tâm

Mô hình nuôi sò huyết luân canh trong vuông tôm được ông Lâm Văn Liêm, ấp Công Điền, xã Tân Trung, huyện Đầm Dơi (Cà Mau) áp dụng thành công. Từ mô hình này, nhiều hộ dân tham quan học hỏi và áp dụng.

Nuôi ong lấy mật không phải là nghề mới ở Bắc Ninh. Trong nhiều năm qua, nghề này chưa có bước phát triển đáng kể bởi những người nuôi ong trong tỉnh chủ yếu vẫn nuôi với hình thức nhỏ lẻ, sản phẩm để phục vụ nhu cầu gia đình là chính. Vài năm gần đây, diện tích vườn đồi, rừng và trang trại trồng trọt của tỉnh đã tăng lên đáng kể, cây cối phát triển xanh tươi, trong đó có nhiều loại cây là nguồn mật cho ong... Một số hộ nông dân tại các địa phương như Phật Tích, Việt Đoàn (Tiên Du), Nam Sơn (T.P Bắc Ninh) và Tân Lãng (Lương Tài)... đã biết tận dụng cơ hội phát triển nghề nuôi ong và đem lại nguồn thu nhập cao, trong khi chi phí đầu tư không lớn.

Nhiều năm đứng trên đất lúa ở huyện Tháp Mười, Cao Lãnh (Đồng Tháp)... cây sen đã khẳng định được hiệu quả kinh tế, góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn.

Từ đầu tháng 4 đến nay, giá tôm nguyên liệu ở tỉnh Cà Mau tăng mạnh. Tôm loại 1 cỡ 20 con/kg tăng từ 230.000 đồng/kg lên 250.000 đồng/kg. Tôm nguyên liệu loại 25 – 30 con/kg giá từ 180.000 đồng lên 220.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Trọng Tùng, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên cho biết, mô hình cánh đồng mía mẫu áp dụng cơ giới hóa được triển khai trong niên vụ mía 2013-2014 trên 40ha tại các xã Ea Ly (Sông Hinh) 10ha, Ea Chà Rang (Sơn Hòa) 10ha và Xuân Quang 1 (Đồng Xuân) 20ha.