Dùng phân bón hữu cơ, nông dân tiết kiệm 15% chi phí
Áp dụng phân bón hữu cơ vào sản xuất khoai tây, nông dân Lâm Đồng tiết kiệm 10-15% chi phí so với phân vô cơ, đồng thời tăng năng suất.
Mô hình khoai tây ap dụng phân hữu cơ cho năng suất cao hơn thường lệ. Ảnh: Minh Hậu.
Ngày 18/3, tại tỉnh Lâm Đồng, Công ty Cổ phần Phân bón Sài Gòn Me Kong – Mekofer (gọi tắt Công ty Mekofer) phối hợp với Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN-PTNT) tổ chức hội thảo chuyên đề về vai trò của phân bón hữu cơ đối với canh tác nông nghiệp tại vùng đất đỏ Lâm Đồng.
Tại hội thảo, Tiến sĩ Trần Văn Thịnh, Bộ môn Khoa học đất - Phân bón, Khoa Nông học, Đại học Nông lâm TP.HCM cho biết, những năm qua, đất đai sản xuất vùng Lâm Đồng nói riêng, Tây Nguyên nói chung đã và đang chịu những tác động từ biến đổi khí hậu. Đất đai bị xói mòn trên diện rộng, nhiều quả đồi có rừng và không có rừng cũng bị sạt lở, đất có chỗ khô hạn, có nơi đá ong hóa hoặc kết vón, hệ số pH thấp.
Theo Tiến sĩ Trần Văn Thịnh, để khắc phục tình trạng này, nông dân cần sử dụng phân bón hữu cơ và axit humic để cải thiện độ phì cho đất, cung cấp nguồn dinh dưỡng carbon cho vi sinh vật, cung cấp dinh dưỡng tự nhiên giúp cây phát triển tốt, tăng năng suất và chất lượng nông sản.
Tại cuộc hội thảo, các đại biểu và đại diện cơ quan chức năng, người dân đều cho rằng việc áp dụng phân bón hữu cơ là rất cần thiết trong việc cải tạo đất và tăng năng suất cây trồng. Ông Phạm Văn Trị, Chủ nhiệm Hợp tác xã Phi Vàng (xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương, Lâm Đồng) cho hay, gia đình ông áp dụng phân bón hữu cơ cho 1.000m2 khoai tây.
Sau 60 ngày, cây trên vườn phát triển vượt trội, thân cứng cáp, lá xanh mướt. Điều đặc biệt đất tơi xốp, hệ vi sinh được cải thiện. Ông thổ lộ: "Đến nay, khoai tây có sự phát triển đồng đều, lượng củ nhiều hơn so với mô hình khoai tây bón phân vô cơ. Việc áp dụng phân hữu cơ giúp gia đình tôi giảm được 10-15% chi phí so với phân vô cơ. Năng suất dự kiến đạt 35 tấn/ha".
Ông Vũ Thắng, Phó Trưởng phòng Quản lý phân bón Cục Bảo vệ Thực vật, Bộ NN-PTNT cũng nêu nhận định, phân bón hữu cơ có vai trò quan trọng trong việc cải thiện độ phì nhiêu của đất, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản phẩm.
Ở nước ta, người dân ở nhiều vùng trồng đã sử dụng phân bón vô cơ hoặc sử dụng chưa cân đối giữa phân bón hữu cơ và vô cơ đã dẫn đến tình trạng thoái hóa. Về phía Cục Bảo vệ thực vật, để góp phần cải thiện môi trường, thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp bền vững, thời gian qua Cục đã và đang triển khai các giải pháp tăng cường sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ.
Cục đã phối hợp cùng các doanh nghiệp sản xuất phân bón thúc đẩy nghiên cứu, sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ. Trong đó Công ty Mekofer là một trong các doanh nghiệp đã ký kết hợp tác cùng Cục BVTV về việc nhằm triển khai các mô hình trình diễn bón phân cân đối trên một số cây ăn trái, cây rau. Đồng thời phối hợp tập huấn, hướng dẫn cho nông dân các quy trình sử dụng phân bón hữu cơ tiết kiệm, hiệu quả.
Đánh giá kết quả mô hình nông dân trình diễn phân bón của Mekofer trên trồng trọt cây khoai tây tại huyện Đơn Dương (Lâm Đồng), ông Vũ Thắng, Phó Trưởng phòng Quản lý Phân bón, Cục Bảo vệ Thực vật chia sẻ: “Đây là mô hình minh chứng về hiệu quả bón cân đối giữa phân bón hữu cơ và vô cơ và hy vọng trong thời gian tới mô hình bón phân cân đối này sẽ được tiếp tục nhân rộng trên diện tích trồng khoai tây tại Lâm Đồng cũng như trên các cây trồng khác”.
Có thể bạn quan tâm
Kể từ 2022, lần đầu tiên nông dân ở Anh sẽ được trả từ 20-58 bảng mỗi hec-ta cho các biện pháp cơ bản để bảo vệ và nuôi dưỡng đất của họ.
Một dự án do Viện Công nghệ Roslin (Scotland) phát triển dựa trên công nghệ chỉnh sửa gen đã tạo ra được một giống gà có thể đẻ trứng chứa thuốc chữa bệnh.
Sữa không có nguồn gốc động vật có thể có một số lợi ích về môi trường và an ninh lương thực, nhưng lại tác động tới ngành chăn nuôi bò sữa thông thường.