Đừng làm theo kiểu ăn xổi, ở thì!
Giá thương lái thu mua lúa giống Jasmine 85 chỉ cao hơn giống lúa IR 50404 từ 200 - 300 đồng/kg. Nghịch lý này khiến nông dân sản xuất lúa Jasmine 85 rất nản lòng vì trồng giống lúa thơm tốn nhiều công chăm sóc, chi phí vật tư nông nghiệp, sản lượng cũng không cao bằng gieo sạ các giống lúa thường.
Thời gian qua, giá lúa tươi IR 50404 tại TP Cần Thơ phổ biến ở mức 4.350 - 4.450 đồng/kg. Riêng những nông dân có lúa IR 50404 thu hoạch sớm vào đầu vụ bán được giá hơn 4.600 đồng/kg. Trong khi đó, giá lúa Jasmine 85 chỉ phổ biến từ 4.600 - 4.800 đồng/kg; rất ít nông dân bán được giá từ 5.000 đồng/kg trở lên dù có một số đơn vị, doanh nghiệp đã hứa bao tiêu lúa tươi cho nông dân với giá 5.000 - 5.300 đồng/kg.
Bà Phan Thị Thắm, ngụ ấp Thới Hữu, xã Đông Hiệp, huyện Cờ Đỏ, bức xúc: "Nhiều nông dân sạ giống Jasmine 85 tham gia cánh đồng lớn, nhưng doanh nghiệp thu mua lúa với giá chỉ 4.750 - 4.800 đồng/kg, tuy cao hơn giá thu mua trên thị trường từ 150 - 200 đồng/kg, nhưng tính ra lại thấp hơn ít nhất từ 50 - 200 đồng/kg so với vụ đông xuân năm trước. Trong khi đó, năm nay chi phí sản xuất lúa tăng và năng suất lúa không bằng mọi năm do nước lũ về ít và thời tiết, sâu bệnh có những diễn biến phức tạp".
Theo ông Dương Văn Bé Hai ở xã Trung An, huyện Cờ Đỏ, gia đình ông hiện có 32 công ruộng tại 2 xã Trung An và xã Đông Thắng. Vụ này, các diện tích lúa tham gia cánh đồng lớn còn bán được lúa tươi Jasmine 85 với giá 4.700 - 4.800 đồng/kg, còn những diện tích lúa bên ngoài, thương lái mua lúa với giá 4.600 - 4.650 đồng/kg. Mức giá này không chênh lệch mấy so với giá lúa IR 50404, khiến nông dân trồng lúa thơm và lúa chất lượng cao rất lo cho các vụ lúa sau. "Giá lúa thơm quá rẻ nên tôi đã quyết định sau thu hoạch sẽ phơi sấy một phần diện tích lúa để trữ lại chờ giá"- ông Dương Văn Bé Hai nói.
Theo phản ảnh của nhiều nông dân, gần đây các loại lúa thơm có giá bán không nhỉnh hơn lúa thường, thương lái cũng hạn chế thu mua hoặc hạ giá thu mua xuống vì cho rằng lúa thơm chưa có nhiều thị trường tiêu thụ. Trong khi đó, đầu ra các loại lúa gạo thông thường đang rất tốt vì từ cuối năm 2015 và đầu năm 2016 nước ta đã liên tiếp trúng thầu các hợp đồng xuất khẩu gạo thông thường sang nhiều quốc gia. Nhiều doanh nghiệp và tiểu thương đã và đang tập trung thu mua các loại lúa gạo thông thường rồi bán ngay để kiếm lời. Điều này vô hình trung đã làm người sản xuất lúa thơm gặp khó và dễ nản chí đầu tư vụ sau.
Từ thực tế trên đã cho thấy, sản xuất kinh doanh lúa gạo hiện tại vẫn còn làm theo kiểu "ăn xổi ở thì", thiếu các giải pháp phát triển sản xuất, kinh doanh bền vững lâu dài. Nông dân trồng lúa thơm, lúa chất lượng cao rất cần Trung ương và địa phương kịp thời có các định hướng và giải pháp tốt cho việc phát triển sản xuất lúa gắn với tiêu thụ, nhất là sản xuất lúa chất lượng cao gắn với thực hiện tốt khâu bao tiêu, bảo quản, chế biến sau thu hoạch… nhằm giúp cả nông dân và doanh nghiệp bán lúa gạo được giá cao. Có như vậy, sản xuất lúa gạo theo hướng chất lượng cao mới phát triển bền vững.
Có thể bạn quan tâm
Niên vụ hành tây, khoai tây năm nay có giá bán tại vườn khá cao so với cùng kỳ năm 2015, trung bình mỗi sào nhà vườn thu lãi từ 11 - 15 triệu đồng.
Hàng trăm hộ dân xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu từ mô hình trồng nấm.
Mô hình trồng rau an toàn trong nhà lưới giá rẻ của thạc sĩ Lưu Minh Tuấn, cán bộ kỹ thuật Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đã mở ra hướng đi mới cho nông dân.