Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Đức Phổ (Quảng Ngãi) Bất An Với Nạn Phá Lồng Bè Nuôi Cá

Đức Phổ (Quảng Ngãi) Bất An Với Nạn Phá Lồng Bè Nuôi Cá
Ngày đăng: 20/03/2014

Thời gian gần đây, nhiều hộ dân nuôi cá lồng bè trên đầm nước mặn Sa Huỳnh lo lắng vì kẻ gian cắt lồng bè nuôi cá của một số hộ nuôi gây thiệt hại hàng chục triệu đồng.

Sau Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, ông Nguyễn Cường rải thức ăn thì không thấy cá tranh ăn như thường ngày. Ông kiểm tra và phát hiện 2 chiếc lồng nuôi 220 con cá mú và 130 con cá hồng sắp đến ngày xuất bán bị cắt đứt lưới. Cá theo chỗ thủng thoát hết ra ngoài gây thiệt hại hơn 78 triệu đồng.

Hơn 1 năm trước, chiếc tàu cá QNg – 94058TS với công suất 125CV của ông Cường bị chìm trên vùng biển Sa Huỳnh. Ông bán luôn phần vốn trên chiếc tàu còn lại mua tre và lưới đóng 5 chiếc lồng bè với diện tích gần 30m2 trên đầm thả nuôi khoảng 1.100 cá hồng, mú, dìa, dò. Sau Tết, ông xuất bán 50 con cá hồng và cá mú lứa đầu tiên với trọng lượng 1 – 1,2kg/con được 12 triệu đồng.

Còn lại khoảng 350 con chưa kịp xuất bán thì bị cắt lưới, cá thoát ra đầm nước mênh mông. “Mỗi ngày tôi mất khoảng 150.000 đồng tiền mua thức ăn cho cá. Sau gần cả năm chăm sóc, sắp đến ngày xuất bán giờ lại bị như thế. Vợ chồng tôi lo sợ vì còn khoảng 700 con trong 3 lồng kế bên, tiếp tục bị kẻ gian cắt lưới”, ông Cường than thở.

Trước đó, đêm mùng 6 Tết, kẻ gian đã kéo lưới bắt sạch gần 100 con cá hồng nặng khoảng 0,7kg/con của ông Nguyễn Tiến. Sau đó, lồng bè kế tiếp của ông cũng đã bị cắt lưới làm cho hơn 50 con cá hồng, cá mú nặng khoảng 0,5kg/con thoát ra ngoài đầm. Ước tính thiệt hại hơn 20 triệu đồng. “Thấy nhiều người nuôi cá thu nhập mỗi năm gần 100 triệu đồng nên vợ chồng tôi dành dụm và vay mượn 40 triệu đồng đóng 4 lồng bè với diện tích 36m2 để nuôi cá.

Thế nhưng, họ cứ lén mở lồng câu trộm. Và giờ thì họ kéo lưới bắt sạch, lại cắt lưới cho cá thoát ra đầm. Cứ đến đêm là vợ chồng tôi lại gồng mình chịu rét lạnh mang chăn màn ra ngủ tại lều để trông cá, kẻo kẻ gian lại phá tiếp. Ráng trông coi đến ngày xuất bán 150 con ở 2 lồng còn lại là vợ chồng tôi chuyển sang nuôi hàu chứ không dám nuôi cá nữa” – bà Nguyễn Thị Nga, vợ ông Tiến, cho biết.

Ông Phạm Văn Hai – Trưởng Ban công an xã Phổ Thạnh cho biết: Trên đầm nước mặn Sa Huỳnh có hơn 20 hộ dân đầu tư đóng lồng bè nuôi thủy sản. Nhiều hộ có thu nhập khá cao. Tuy nhiên, thời gian gần đây xảy ra tình trạng kẻ gian bắt trộm cá, cắt lưới làm cho cá thoát ra đầm khiến nhiều hộ nuôi lo lắng. Công an xã đã báo Công an huyện và đang tiến hành điều tra, truy tìm thủ phạm.

Ông Nguyễn Thành Lưu – Phó Trạm Khuyến nông huyện Đức Phổ cho biết: Trạm đã phối hợp với Trung tâm khuyến nông– khuyến ngư Quảng Ngãi tổ chức trình diễn mô hình nuôi hàu, cá hồng, cá bớp trên đầm. Nhờ môi trường nước phù hợp và chăm sóc đúng kỹ thuật nên thủy sản phát triển khá tốt. Mỗi hộ nuôi có thu nhập trên dưới 70 triệu đồng sau 8 tháng thả nuôi.

Tuy nhiên, Trạm cũng đã khuyến cáo người dân không nên thả nuôi ồ ạt sẽ gây ô nhiễm môi trường nước, làm chết thủy sản. Do một số hộ nuôi có khoảng thu nhập cao, nên nhiều hộ dân tự phát đóng lồng bè thả nuôi hải sản. Tình trạng này dẫn đến nảy sinh mâu thuẫn, nghi kỵ lẫn nhau giữa một số hộ nuôi.

Đề nghị các cấp, ngành chức năng sớm có quy hoạch khu vực thả nuôi và phương pháp xử lý môi trường, ngăn chặn tình trạng cắt phá lồng bè để người dân yên tâm phát triển nghề nuôi cá lồng bè, đem lại hiệu quả kinh tế cho gia đình.


Có thể bạn quan tâm

Thành Công Từ Thành Công Từ "Tiền Mua Kinh Nghiệm"

Tuy chỉ mới hình thành, nhưng Hợp tác xã (HTX) Nuôi trồng và Kinh doanh nấm Bình Thạnh (Bình Sơn, Quảng Ngãi) đã thí nghiệm thành công công nghệ bột sinh khối và đông trùng hạ thảo. Đây là hai công nghệ mới mà từ trước đến nay rất ít người làm được. Thành công này có từ “tiền mua kinh nghiệm” của Chủ nhiệm HTX Nguyễn Duy Hưng.

25/02/2015
Bình Phước Lạnh Kéo Dài Và Sương Mù Ảnh Hưởng Điều Ra Bông, Đậu Trái Bình Phước Lạnh Kéo Dài Và Sương Mù Ảnh Hưởng Điều Ra Bông, Đậu Trái

Anh Nguyễn Văn Hải ở ấp Thạnh Biên, xã Lộc Thạnh (Lộc Ninh, Bình Phước) than thở: Mùa mưa năm nay kết thúc muộn và mưa dầm kéo dài nhiều ngày, khi dứt mưa chuyển qua mùa khô không xảy ra hiện tượng mưa trái mùa như những năm khác nên nông dân khấp khởi mừng là sẽ được mùa điều.

25/02/2015
Nông Dân Thạnh Phú Thêm Phấn Khởi Đón Tết Vì Trúng Vụ Lúa Mùa Nông Dân Thạnh Phú Thêm Phấn Khởi Đón Tết Vì Trúng Vụ Lúa Mùa

Các diện tích đất này thuộc tiểu vùng 2, 3 của huyện Thạnh Phú - Bến Tre (gồm các xã từ Mỹ An đến Thạnh Hải) là vùng ngập mặn, từ lâu bà con chỉ chủ yếu nuôi trồng thủy sản. Vài năm gần đây, bà con tranh thủ trữ nước ngọt trong vuông tôm để trồng vụ lúa mùa. Và trong những ngày cuối năm này, họ tất bật thu hoạch về nhà chuẩn bị đón Tết. Vụ lúa này được công nhận là trúng mùa, trúng giá.

25/02/2015
Người Trồng Cà Phê Bất Ngờ Nhận “Lộc Trời” Ngày Đầu Năm Người Trồng Cà Phê Bất Ngờ Nhận “Lộc Trời” Ngày Đầu Năm

Chiều ngày 19/2, tức chiều ngày mồng 1 Tết, tại tỉnh Kon Tum bất ngờ có mưa lớn trái mùa. Trận mưa đã tưới mát cho cây trồng, đặc biệt giúp hàng nghìn hộ trồng cà phê tại địa phương bớt được một đợt tưới. Nhận lộc trời ngày đầu năm, nông dân Kon Tum hy vọng một năm mới mưa thuận, gió hòa.

25/02/2015
Nghệ An Khắc Phục Những Trở Ngại Khi Cấy Lúa Bằng Máy Nghệ An Khắc Phục Những Trở Ngại Khi Cấy Lúa Bằng Máy

Dồn điền, đổi thửa và đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng là những bước để tích tụ ruộng đất nhằm sản xuất hàng hóa. cấy vụ xuân năm nay, nhiều địa phương như Nam Đàn, Hưng Nguyên, Yên Thành, Diễn Châu (Nghệ An)… đã tiến hành trình diễn và ứng dụng máy cấy 4 hàng, 6 hàng. Đây là một bước tiến trong giải phóng sức lao động cho nông dân. Tuy nhiên, khâu làm mạ cho máy cấy là một công đoạn đang gặp những khó khăn nhất định.

25/02/2015