Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Đua nhau trồng tỏi

Đua nhau trồng tỏi
Ngày đăng: 01/12/2015

Dồn sức đầu tư Đến Vạn Hưng bây giờ, khách phương xa không khỏi ngỡ ngàng bởi người người, nhà nhà đua nhau trồng tỏi.

Chính vì vậy mà giá đất tại địa phương này đã tăng vọt trong vòng 5 năm trở lại đây.

Trong vai những người đi mua đất trồng tỏi, chúng tôi được ông Bùi Linh, một người dân từ Ninh Tịnh (Ninh Phước, Ninh Hòa) đến đây mua đất trồng tỏi chỉ cho đám rẫy của gia đình ông Hòa (thôn Xuân Vinh) vừa được san ủi xong và đang rao bán.

Ông Linh bảo: “Ông Hòa có đến 7ha đất đồi nhưng đã bán hết 4ha, còn lại 3ha đã san ủi xong, chỉ cần lót phân, đổ cát là có thể trồng tỏi được.

Giá ổng đưa ra là 400 triệu đồng/ha”.

Nghe chúng tôi hỏi giá này cao hay thấp, ông Linh cho hay giá đất có thể trồng được tỏi ở Vạn Hưng đang tăng cao.

Cách đây 2 năm, em gái ông mua đất đồi của ông Hòa với giá 120 triệu đồng/ha, cộng với công san ủi, cải tạo mặt bằng là khoảng 270 triệu đồng/ha; còn bây giờ đã tăng lên hơn 100 triệu đồng/ha.

Đang kéo luống cho nhân công xuống giống, ông Bùi Ninh, em ông Linh góp chuyện: “Nếu các anh muốn đầu tư lớn thì sang nhà ông Ba Màu (thôn Xuân Tây) cũng ở Ninh Tịnh lên đây mua đất trồng tỏi.

Cạnh nhà ông ấy có một khoảng đất rộng chừng 15ha đang bán, giá khoảng 180 triệu đồng/ha nhưng phải mua toàn bộ”.

Trong câu chuyện với chúng tôi, nhiều người dân Vạn Hưng cho biết, không ai ngờ những khoảng đất đồi trước đây chỉ toàn sỏi, đá không trồng gì được, muốn bán chẳng ai mua giờ lại được giá đến vậy.

Giá đất vườn, đất đồi có thể trồng tỏi hiện đang tăng liên tục, những vị trí đẹp, gần nguồn nước có thể lên đến 300 triệu đồng/ha, cũng đã được bán hết.

Một vùng trồng tỏi rộng lớn ở Vạn Hưng Hỏi chuyện chúng tôi mới biết, gia đình ông Linh thuộc diện phải di dời để nhường đất cho các dự án lớn đang được đầu tư ở khu vực phía nam Khu kinh tế Vân Phong.

7 anh em trong gia đình ông quê ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đến sinh sống ở Ninh Tịnh, mang theo nghề trồng tỏi sẻ.

Nhận được tiền đền bù, giải tỏa, gia đình ông lại tìm đến xã Vạn Hưng để mua mỗi người 1ha đất trồng tỏi.

Rồi ông thuê máy ủi, máy múc cải tạo cả quả đồi thành những ruộng tỏi theo kiểu bậc thang; đào các ao chứa nước, mua đất cát vôi được khai thác từ đảo Mỹ Giang (Ninh Phước) phủ lên để bắt đầu vụ trồng tỏi đầu tiên trên đất đồi Vạn Hưng.

Theo tính toán của ông Linh, đầu tư ban đầu cho mỗi héc-ta đất trồng tỏi khoảng 400 - 600 triệu đồng.

“Ngoài gia đình tôi, hàng trăm hộ dân khác ở Ninh Phước cũng đã tìm đến Vạn Hưng và xã Ninh Sơn (thị xã Ninh Hòa) để mua đất trồng tỏi”, ông Linh cho biết.

Đi khắp các thôn Xuân Đông, Xuân Tây, Xuân Vinh của xã Vạn Hưng, đâu đâu chúng tôi cũng gặp các ruộng tỏi, có nơi đang cải tạo đất, có nơi đang xuống giống, có nơi tỏi đã lên xanh.

Đến thăm gia đình ông Lương Đình Thu (thôn Xuân Tây), ông cho biết: “Tỏi của gia đình tôi mới trồng cách đây 2 tuần, cây đã lên được khoảng 5cm nhưng có dấu hiệu úa ngọn.

Mấy hôm nay tôi lo lắm vì không biết cây bị bệnh gì, đi tập huấn về mới biết do thời gian gần đây mưa nhiều, tỏi bị úng nước, tạm ngưng phát triển khoảng 4 - 5 ngày”.

Theo chia sẻ của ông Thu, ông chưa có kinh nghiệm gì về cây tỏi nhưng thấy một số hộ dân ở Ninh Tịnh trồng tỏi có hiệu quả, thu nhập cao nên ông quyết định chuyển đổi 0,7ha đất trồng lúa, ớt quanh nhà sang trồng tỏi.

Ngoài gia đình ông Thu, 50/60 hộ dân ở xóm Bắc thôn Xuân Tây cũng đều trồng tỏi.

Thời điểm này đang vào giai đoạn xuống giống Bên ly trà mời khách, ông Trần Thanh Tòng - Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Hưng cho biết, cách đây 5 năm, một số người dân từ đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) vào Vạn Hưng mua đất để trồng tỏi.

Phong trào trồng tỏi ở Vạn Hưng rộ lên chừng 2 năm nay khi hàng trăm hộ dân địa phương chuyển đất lúa, đất hoa màu sang trồng tỏi sẻ.

Diện tích trồng tỏi ở địa phương đã nhảy vọt từ 5ha vào năm 2010 lên 107ha như hiện nay.

“Theo dự báo của chúng tôi, diện tích trồng tỏi ở địa phương sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới, có thể đạt đến con số 250ha”, ông Tòng nói.

Theo lãnh đạo Phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh, vài năm trở lại đây, diện tích trồng tỏi phát triển không chỉ ở Vạn Hưng mà còn ở Vạn Thạnh và một số địa phương khác.

Đến thời điểm này đã có khoảng 200ha.

Với đà phát triển “nóng” như hiện nay, diện tích tỏi tại Vạn Ninh có thể sẽ đạt đến 350ha trong những năm tới.

Vấn đề cần quan tâm Thực tế, cây tỏi ở Vạn Ninh cho hiệu quả cao hơn so với các loại cây trồng khác.

Theo đánh giá của UBND xã Vạn Hưng, tỏi sẻ được người dân sản xuất vào vụ đông xuân, năng suất bình quân khoảng 7,6 tấn tỏi khô/ha, với giá bán khoảng 35.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí đầu tư, có thể thu lãi đến 150 triệu đồng/ha, gấp khoảng 10 lần so với trồng lúa.

Tuy nhiên, việc diện tích trồng tỏi phát triển quá nhanh đang đặt ra những vấn đề cần giải quyết.

Ông Nguyễn Đình Cẩm - Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật Vạn Ninh nhận định: “Qua khảo sát, chúng tôi thấy người trồng tỏi đang lạm dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, 2 - 3 ngày phun 1 lần nên có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường”.

Ngoài ra, do nhiều hộ tiến hành san ủi đất đồi để trồng tỏi nên dễ dẫn đến đất bị rửa trôi, xói mòn, mất cân bằng sinh thái; ngoài ra nguy cơ sạt lở đất cũng rất lớn.

Cây tỏi tuy cần ít nước hơn so với cây lúa và một số loại hoa màu khác nhưng vẫn cần có nước thường xuyên; trong khi đó người dân lại chưa thể chủ động được nguồn nước tưới, nguồn nước cấp từ hồ Đá Bàn về Vạn Hưng phục vụ trồng tỏi chưa chắc chắn được đảm bảo.

Qua những câu chuyện với người trồng tỏi ở Vạn Hưng, chúng tôi nhận thấy nhiều người hoàn toàn chưa có kinh nghiệm về loại cây trồng này.

Ông Nguyễn Đức Toàn (thôn Đông) cho biết, đây là năm đầu tiên gia đình ông trồng tỏi, kinh nghiệm, kiến thức về loại cây trồng này chưa có.

Nhưng thấy những hộ xung quanh trồng tỏi có thu nhập khá cao nên gia đình ông cũng trồng theo.

“Ruộng tỏi của gia đình tôi mới trồng cách đây 20 ngày, cứ mỗi lần nhận thấy dấu hiệu bất thường, tôi phải tìm những người có kinh nghiệm trồng tỏi ở Ninh Tịnh để nhờ họ chỉ dẫn cách chăm sóc.

Mới đây, Trạm Bảo vệ thực vật huyện có phổ biến kiến thức trồng tỏi, chúng tôi rất mừng vì có thêm kiến thức để canh tác loại cây này”, ông Toàn bày tỏ.

Một trong những vấn đề đặt ra là nếu muốn phát triển cây tỏi ở Vạn Ninh thì cần có đầu ra cho sản phẩm.

Ông Nguyễn Ngọc Ý - Trưởng phòng Kinh tế Vạn Ninh trăn trở: “Hiện nay, tỏi ở Vạn Ninh sau khi thu hoạch được thương lái ở Quảng Ngãi vào thu mua.

Do chưa có thương hiệu nên vào chính vụ giá thấp, thương lái được dịp ép giá nông dân, nhất là giai đoạn sau khi phát triển quá “nóng”.

Đây cũng là thực trạng chung trong tiêu thụ nông sản, thủy sản tại địa phương.

Chúng tôi đã kiến nghị UBND huyện đề xuất Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng đề án thương hiệu tỏi sẻ Vạn Hưng”.

Trong khi đó, người trồng tỏi ở Vạn Ninh vẫn chưa định hình được đầu ra cho sản phẩm.

Khi được hỏi về vấn đề này, ông Thu cho biết: “Bây giờ chúng tôi quan tâm nhiều nhất là kỹ thuật trồng, chăm sóc cây tỏi còn đầu ra thì đến khi thu hoạch tính tiếp”.

Trước thực trạng cây tỏi đang phát triển “nóng” ở Vạn Ninh, mới đây, UBND huyện đã tổ chức họp đánh giá hiệu quả và đề ra giải pháp phát triển bền vững loại cây trồng này.

Theo ông Võ Lục Phẩm - Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Kinh tế huyện và các địa phương rà soát, đánh giá, xây dựng phương án sản xuất tỏi trên địa bàn, trong đó chú trọng việc quy hoạch vùng sản xuất, kỹ thuật chăm sóc, phương án cấp nước...; đăng ký xây dựng thương hiệu “Tỏi sẻ Vạn Ninh” để tạo đầu ra ổn định cho người dân.

Đối với Trạm Bảo vệ thực vật huyện, tăng cường hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng loại, đúng liều lượng để bảo vệ môi trường và sản xuất bền vững.

Địa phương đã làm việc với Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Khánh Hòa để tiếp tục phương án cấp nước cho nông dân Vạn Hưng trồng tỏi...

Trước mắt, tùy theo từng vùng sản xuất, quy mô sản xuất sẽ hướng dẫn người dân sản xuất tập trung, theo quy hoạch và đúng kỹ thuật.

Đi qua các ruộng tỏi, nghĩ đến quyết tâm gắn bó với cây tỏi của người dân địa phương, chúng tôi thầm mong năm nay thời tiết thuận lợi, đầu ra của cây tỏi ổn định và những giải pháp mà huyện đưa ra sẽ được triển khai hiệu quả để nông dân được hưởng niềm vui sau vụ tỏi chưa nhiều kinh nghiệm này.


Có thể bạn quan tâm

Cuối Vụ, Vẫn Đánh Bắt Được Cá Bông Lau Cuối Vụ, Vẫn Đánh Bắt Được Cá Bông Lau

Một số ngư dân trên sông Vàm Nao vui mừng vì vừa đánh bắt được cá bông lau loại lớn, bình quân mỗi con cân nặng từ 8 - 9kg, bán 320.000 đồng/kg, thu được từ 2,5 – 2,8 triệu đồng/con. Theo ngư dân Trần Văn Chiến (xã Mỹ Hội Đông, Chợ Mới - An Giang), đây là cá nền (cá còn sót lại sau mùa vụ đánh bắt kéo dài trên 4 tháng) nên đa phần cá rất lớn.

05/07/2014
Làm Giàu Từnuôi Gà Siêu Trứng Ở Làm Giàu Từnuôi Gà Siêu Trứng Ở

Trong khi rất nhiều hộ thất bại trong chăn nuôi thì vợ chồng chị Nguyễn Thị Dung và anh Trần Minh Long ở thôn ức Vinh, xã Đức Mạnh, huyện Đắk Mil không chỉ đứng vững mà còn vươn lên làm giàu nhờ nuôi gà siêu trứng.

05/07/2014
Hội Thảo Mô Hình Trình Diễn Nuôi Tôm Thẻ Chân Trắng Theo Hướng Sinh Học Hội Thảo Mô Hình Trình Diễn Nuôi Tôm Thẻ Chân Trắng Theo Hướng Sinh Học

Nhằm đánh giá mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng. Vừa qua, Trung tâm Thủy sản (TTTS) Long An đã phối hợp với phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Cần Đước và Uỷ ban nhân dân xã Tân Chánh, Tân Ân tổ chức hội thảo tổng kết mô hình trình diễn “Nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng sinh học” tại nhà ông Huỳnh Bảo Quốc, xã Tân Ân, huyện Cần Đước.

13/06/2014
Dịch Bệnh Trên Lúa Hè Thu Đang Diễn Biến Phức Tạp Dịch Bệnh Trên Lúa Hè Thu Đang Diễn Biến Phức Tạp

Đến nay, các huyện vùng Đồng Tháp Mười trong tỉnh Long An đã gieo sạ trên 177.300ha lúa Hè Thu. Hiện nay, dịch bệnh trên lúa đang diễn biến phức tạp, nhất là bệnh rầy nâu, đạo ôn, sâu cuốn lá nhỏ, bọ trĩ,... tập trung chủ yếu ở giai đoạn đẻ nhánh.

05/07/2014
Phát Triển Kinh Tế Nông Nghiệp Ở Chư Jút Liên Kết “4 Nhà” Vẫn Còn Nhiều Bất Cập Phát Triển Kinh Tế Nông Nghiệp Ở Chư Jút Liên Kết “4 Nhà” Vẫn Còn Nhiều Bất Cập

Giá bán sản phẩm không ổn định, việc tiếp cận về khoa học kỹ thuật, rồi nguồn vốn từ các ngân hàng còn hạn chế… là những vướng mắc mà nông dân Chư Jút vẫn gặp phải. Một trong những nguyên nhân là sự liên kết chặt chẽ giữa “4 nhà” gồm Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông là rất cần thiết, nhưng trên thực tế vấn đề này vẫn còn nhiều bất cập.

13/06/2014