Đưa lâm nghiệp thành ngành kinh tế - kỹ thuật đặc thù
Đưa lâm nghiệp trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật đặc thù gắn liền với sản xuất hàng hóa và dịch vụ, thúc đẩy khai thác giá trị dịch vụ môi trường rừng, làm rõ các hình thức sở hữu rừng… là những nội dung nổi bật trong Dự thảo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi). Ngày 16.12, dự thảo này đã được đưa ra góp ý tại hội thảo quốc gia tổ chức ở Hà Nội.
Trong ảnh: Luật sửa đổi hứa hẹn sẽ đem lại nhiều lợi ích hơn cho người tham gia trồng và bảo vệ rừng. Ảnh: T.L
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng 2004 sẽ được sửa đổi các nội dung về quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, kinh doanh, chế biến và thị trường lâm sản.
Lý giải về các đề xuất sửa đổi này, PGS -TS Nguyễn Bá Ngãi - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam cho biết: “Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004 chỉ điều chỉnh các hoạt động quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và một phần của hoạt động sử dụng rừng, chưa coi lâm nghiệp là một ngành kinh tế - kỹ thuật đặc thù gắn liền với sản xuất hàng hóa và dịch vụ, trong khi chế biến lâm sản đóng góp kim ngạch xuất khẩu hàng năm từ 6 -7 tỷ USD, riêng năm 2015 đạt 7,1 tỷ USD.
TS Nguyễn Văn Lạng - Chủ tịch Hội Thông tin Khoa học và Công nghệ Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ góp ý: “Công nghệ rất quan trọng, phải áp dụng công nghệ tiên tiến nhất để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nếu không có công nghệ thì chúng ta sẽ không quản lý rừng được. Bên cạnh đó còn có công nghệ chế biến, công nghệ làm giống... Công nghệ chế biến sẽ nâng cao giá trị sản phẩm từ rừng, nếu không có công nghệ chúng ta sẽ mãi xuất thô”.
Một trong những điểm quan trọng mà luật sửa đổi hướng đến, đó là chú trọng đến giá trị dịch vụ môi trường rừng. Trước đó, luật năm 2004 chỉ chú trọng vào việc quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng gỗ. Nguyên Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Huy Ngọ cho rằng: “Những giá trị dịch vụ này có thể cao hơn nhiều so với giá trị mà gỗ mang lại, như thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, hàng năm đã thu được khoảng 1.200 tỷ đồng, tương đương 22% tổng đầu tư xã hội vào ngành lâm nghiệp và nguồn thu này đã được đầu tư trực tiếp vào rừng. Đầu tư phát triển mới là cơ sở để bảo vệ được rừng. Khi người dân vào rừng thấy có lợi, doanh nghiệp vào rừng thấy có lãi thì họ mới gắn bó với rừng”.
Các vấn đề chủ sở hữu rừng, đầu tư bảo vệ phát triển rừng, hỗ trợ tín dụng để trồng rừng, bảo hiểm cho việc trồng rừng cũng được các đại biểu bàn luận góp ý sôi nổi. Ông Trương Minh Hoàng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng: “Đây là những vấn đề rất đáng quan tâm, Ban soạn thảo sẽ tiếp thu những ý kiến trên. Theo lộ trình đến tháng 1.2017, dự thảo luật này sẽ được trình Chính phủ, đến tháng 6.2017 sẽ trình ra Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu”.
Có thể bạn quan tâm
Với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 50 triệu USD, trang trại chăn nuôi Hùng Nhơn, Công ty TNHH De Heus Việt Nam và một số đối tác ngành chăn nuôi
Quỳnh Lưu là huyện có diện tích sản xuất rau màu với các vùng chuyên canh lớn nhất tỉnh Nghệ An. Xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP
Mô hình sản xuất thâm canh tổng hợp mía phục vụ chế biến đường công nghiệp, hàng chục hộ nông dân ở huyện Yên Sơn đã nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo