Rau sạch ở Quỳnh Lưu tìm kiếm thương hiệu
Quỳnh Lưu là huyện có diện tích sản xuất rau màu với các vùng chuyên canh lớn nhất tỉnh Nghệ An. Những năm gần đây, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm và từng bước khẳng định thương hiệu, huyện đã chỉ đạo các địa phương có diện tích trồng rau màu xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP. Tuy nhiên, để xây dựng vùng rau sạch đối với người dân vẫn còn nhiều băn khoăn.
Trong ảnh: Nhiều diện tích rau xanh ở Quỳnh Lưu được đầu tư hệ thống tưới hiện đại.
Hiện nay, HTX rau màu Phú Lương (Quỳnh Lương - Quỳnh Lưu) có 64 xã viên tham gia sản xuất trên diện tích canh tác 10ha, tại khu vực cánh đồng Nắc Am. Sản phẩm chủ yếu là các loại rau cải, su hào, cà rốt, cà chua, súp lơ, hành hoa…
Sản lượng rau màu của HTX mỗi năm đạt từ 400 – 500 tấn/năm, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và được bán trực tiếp cho 2 siêu thị Metro, Big C… Nhờ sản xuất rau theo mô mình VietGAP, người trồng rau có thu nhập cao hơn 10% so với trước, đảm bảo môi trường, an toàn cho người tiêu dùng và chính người sản xuất. Hiện có hai doanh nghiệp đăng ký bao tiêu sản phẩm sau khi hết hợp đồng bán cho 2 siêu thị.
Trên địa bàn xã Quỳnh Bảng (Quỳnh Lưu) cũng xây dựng được 10 ha rau theo tiêu chuẩn VietGAP với hơn 230 hộ tham gia. Để áp dụng quy trình này, hàng năm xã tổ chức từ 3 - 4 lớp tập huấn với trên 200 học viên để chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn bà con cách trồng rau an toàn.
Rau xanh của nông dân Quỳnh Lưu được bán ở các siêu thị lớn TP Vinh.
Tuy nhiên, rau an toàn trên thực tế lại không được người tiêu dùng ưa chuộng nhiều. Theo bà Bùi Thị Kế, một hộ trồng rau có thâm niên hàng chục năm ở xóm Đồng Văn, xã Quỳnh Bảng thì do rau an toàn có mẫu mã xấu hơn rau bình thường nên người tiêu dùng không mấy sử dụng. Hơn nữa quy trình trồng lại khắt khe, mất nhiều công chăm sóc, thời gian thu hoạch lâu hơn trồng các loại rau khác nên giá thành cao hơn sản phẩm trồng theo phương pháp truyền thống.
Huyện Quỳnh Lưu hiện có hơn 1.000 ha sản xuất rau màu các loại, trong đó tập trung chủ yếu ở vùng chuyên canh Bãi Ngang với diện tích khoảng 800 ha. Sản lượng rau màu toàn huyện đạt hơn 50 ngàn tấn/năm. Huyện đã triển khai nhiều chính sách nhằm khuyến khích bà con sản xuất rau sạch, rau an toàn. Thế nhưng, thực tế sản xuất rau màu sạch tại Quỳnh Lưu gặp nhiều khó khăn như điều kiện cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, phụ thuộc chủ yếu vào tự nhiên; việc triển khai trồng rau trong nhà lưới, nhà kính còn khó khăn; công tác tổ chức liên kết theo chuỗi giá trị chưa hiệu quả, phần lớn bà con tự sản xuất, tự tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm thiếu bền vững…
Có thể bạn quan tâm
Hà Nội hiện là tỉnh thành tiên phong trên cả nước trong công tác xây dựng hệ thống minh bạch thông tin điện tử để truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa nông sản
Từ nguồn vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND), nhiều gia đình ở huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị đã đầu tư mở rộng mô hình nuôi dê và thu hiệu quả kinh tế cao
Với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 50 triệu USD, trang trại chăn nuôi Hùng Nhơn, Công ty TNHH De Heus Việt Nam và một số đối tác ngành chăn nuôi