Dưa hấu Phúc Ninh, mùa nước cạn
Nhiều năm trở lại đây, tận dụng thời gian nửa năm nước rút, từ tháng 1 đến tháng 7 hàng năm, người dân các xã ven hồ Thác Bà đã khai phá để trồng rau màu các loại, trong đó dưa hấu là loại cây đã đem lại nguồn thu nhập đáng kể và ổn định nhất.
Dưa hấu là loại cây đem lại nguồn thu nhập đáng kể và ổn định nhất cho người dân các xã ven hồ Thác Bà.
Phúc Ninh là một trong những xã trồng dưa hấu nhiều nhất trên diện tích dưới cos của huyện Yên Bình (Yên Bái). Nếu như những năm trước đây, tận dùng mùa nước rút bà con có thể trồng được khoảng 20ha dưa hấu thì năm nay do nước rút chậm nên bà con chỉ trồng được khoảng 12ha, việc xuống giống cũng chậm hơn.
Dưa hấu đầu tư ít vốn, cách trồng đơn giản, nhàn công chăm sóc, thu hoạch dễ dàng, chất đất và khí hậu phù hợp nên được người dân trồng nhiều khi nước trên hồ rút thay thế cho các cây rau, màu trước đây.
Anh Triệu Văn Côn ở thôn Làng Nồi, xã Phúc Ninh, là một trong những hộ có diện tích dưa hấu lớn của xã. Anh Côn chia sẻ: “Cây dưa hấu từ lúc trồng đến khi thu 75 ngày. Gia đình tôi cứ làm đất đến đâu, trồng đến đó, gối nhau nên lúc nào cũng có dưa bán mà không lo dưa chín hàng loạt. Năm nay nước rút chậm hơn mọi năm cộng với thời tiết mưa nhiều lúc quả nhỏ và nắng kéo dài lúc quả sắp chín nên năng suất cũng giảm hẳn, được cái giá cả năm nay lại cao và ổn định hơn hẳn năm ngoái nên người dân cũng đỡ khổ”.
Vụ dưa năm nay do nước hồ rút chậm cộng với thời tiết khắc nghiệt nên với 1 ha dưa gia đình anh Côn chỉ thu được 10 tấn, với giá bán trung bình khoảng 9.000 đồng/kg, sau khi trừ đi mọi chi phí lãi khoảng 65 triệu đồng.
Cũng là một trong những hộ trồng dưa hấu nhiều của xã Phúc Ninh, anh Đồng Văn Thiết vừa dẫn chúng tôi đi thăm ruộng dưa hấu sai quả đang chuẩn bị thu hoạch vừa nói: “Năm nay tôi trồng khoảng 20 sào dưa hấu giống Sygenta 8230 (Hoàn Châu) của Thái Lan, do đất ở đây tốt nên chỉ bón phân chuồng, không dùng đến phân hóa học. Tuy năng suất kém hơn hẳn năm ngoái nhưng được cái giá cao, thu đến đâu bán đến đấy, không đủ cung cấp. 20 sào dưa, sau khi trừ chi phí cũng cho thu lãi khoảng 40 triệu đồng”.
Là xã vùng 3 của huyện Yên Bình, Phúc Ninh được đánh giá có diện tích trồng dưa hấu lớn của huyện Yên Bình, đem lại nguồn thu nhập ổn định. Ông Hà Văn Lĩnh, Chủ tịch UBND xã Phúc Ninh cho biết: “Dưa hấu cho hiệu quả kinh tế cao gấp 2 – 3 lần các cây trồng khác. Dưa hấu trồng trên đất Phúc Ninh có đặc điểm vỏ mỏng, ruột đỏ tươi, ngọt và thơm được người tiêu dùng ưu thích”.
Có thể bạn quan tâm
Màng không dệt Passlite có tác dụng che chắn côn trùng, ngăn chặn sự xâm nhập của côn trùng gây hại từ bên ngoài nên giảm việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Trên vùng cao nguyên đá Hà Giang, cây bạc hà có sức sống mãnh liệt đến lạ kỳ. Người dân nơi đây đã mở rộng diện tích trồng bạc hà để phát triển nghề nuôi ong.
Hiệu quả từ mô hình trồng chanh bông tím cho thấy, nông dân địa phương ngày càng nhạy bén trong chuyển đổi cây trồng phù hợp, nâng cao thu nhập