Hiệu quả từ mô hình trồng chanh bông tím
Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhiều nông dân ở huyện Chợ Mới đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng lúa, vườn tạp kém hiệu quả sang phát triển các loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó mô hình trồng chanh bông tím được áp dụng tại nhiều địa phương đã và đang mang lại nguồn thu nhập ổn định cho các nông hộ.
Trồng chanh bông tím mang lại thu nhập cao cho nông hộ
Gia đình chị Lê Thị Dạ Ngọc (xã Hòa An) có khoảng 1 công đất vườn tạp. Trước đây, phần đất này được chị sử dụng để trồng các loại rau màu như: đậu nành, đậu xanh, cải xanh, cải ngọt, hành… Tuy nhiên, việc canh tác không mang lại hiệu quả do thường xuyên bị mất mùa, rớt giá… Với quyết tâm thay đổi, sau khi tìm hiểu kỹ thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như tham quan tại nhiều địa phương, nhận thấy mô hình trồng chanh bông tím đang phát triển mạnh, mang lại lợi nhuận cao, phù hợp với bản thân nên chị quyết định phát triển loại cây trồng này trên diện tích đất của gia đình.
Nhờ thích hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nên cây chanh phát triển tốt, chỉ sau 8-10 tháng trồng với sự chăm sóc cần mẫn của chị Ngọc, cây chanh đã cho vụ hoa đầu tiên, nhưng thân cây còn nhỏ nên đến 15-16 tháng tuổi mới quyết định để cây nuôi trái. “Lúc đầu, tôi chỉ trồng vài cây để thử nghiệm. Sau một thời gian, nhận thấy cây chanh bông tím phát triển rất tốt, thích hợp với vùng đất địa phương, nên tôi mua thêm cây giống để nhân rộng mô hình” - chị Ngọc cho hay.
Theo chị Ngọc, chanh bông tím là cây dễ trồng, lớn nhanh và cho trái to, nhiều nước, năng suất mang lại cao, tuổi thọ lâu bền, đặc biệt là không kén đất và có thể cho trái quanh năm (lượng trái ít, nhiều tùy thời điểm). Mỗi đợt thu hoạch cách nhau khoảng nửa tháng nên đảm bảo được nguồn thu nhập cho bà con nông dân. Ngoài ra, cây chanh bông tím là loại cây trồng có sức đề kháng tốt, ít sâu bệnh. Tuy nhiên, để đảm bảo năng suất, chất lượng, nông dân cần thăm vườn thường xuyên để kịp thời phát hiện và phun thuốc diệt trừ sâu vẽ bùa, rệp, sâu xanh ăn lá. Đặc biệt, vào mùa mưa, cây chanh bông tím hay bị bệnh ghẻ trái, bị bệnh vàng lá... Do vậy, cần phun thuốc ngừa nấm và vi khuẩn định kỳ, đồng thời thường xuyên cắt tỉa những cành vượt, cành vô hiệu để tạo sự thông thoáng nhằm ngăn ngừa bệnh vàng lá và bón vôi diệt khuẩn định kỳ hàng năm...
Cũng như chị Ngọc, gia đình ông Trần Quang Hà (ngụ ấp An Phú, xã Long Kiến) phát triển mô hình trồng chanh bông tím. Mô hình này đã mang lại nguồn thu nhập khá cho gia đình trong gần 4 năm qua. Theo ông Hà, việc trồng chanh bông tím ở địa phương có nhiều thuận lợi như: không đòi hỏi chi phí đầu tư ban đầu lớn, cây dễ trồng, dễ thích nghi với các điều kiện môi trường thời tiết khác nhau, năng suất cao, đặc biệt là cho trái quanh năm nên hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều loại cây trồng khác ở địa phương.
Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật và kinh nghiệm sản xuất, cây chanh bông tím đã mang lại hiệu quả bất ngờ. Trên diện tích 2 công tầm cắt, mỗi năm gia đình ông Hà thu lãi khoảng 100 triệu đồng. Theo ông Hà, cây chanh bông tím không cần phải xử lý nghịch vụ, mà cứ để cho trái quanh năm. “Cách 20 ngày bón 1 cữ phân NPK 20-20-15, thêm một ít DAP là cây phát triển tốt và ra bông. Khi thu hoạch xong, dọn bớt cành để chanh phát triển tán, tán càng nhiều, năng suất trái càng cao. Vào mùa thuận, giá chanh bông tím khoảng vài ngàn đồng/kg. Nhưng vào mùa nghịch giá chanh rất cao, từ 20.000-35.000 đồng/kg. Hiện tại, thương lái đến tận vườn mua với giá 17.000 đồng/kg. Trước đó khoảng 1-2 tháng, giá chanh lên đến 22.000-27.000 đồng/kg. Từ tháng 10 đến nay, chanh bông tím đã mang lại nguồn thu nhập cho gia đình tôi khoảng 100 triệu đồng” - ông Hà phấn khởi cho biết.
Hiệu quả từ mô hình trồng chanh bông tím cho thấy, nông dân địa phương ngày càng nhạy bén trong chuyển đổi cây trồng phù hợp, nâng cao thu nhập và góp phần thực hiện hiệu quả chủ trương chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp bền vững của địa phương.
Có thể bạn quan tâm
Vụ Hè Thu năm 2019, Trạm Khuyến nông huyện Nam Đàn (Nghệ An) thực hiện mô hình "Sản xuất dưa lưới công nghệ cao trong nhà màng" với quy mô sản xuất 1.000m2.
Màng không dệt Passlite có tác dụng che chắn côn trùng, ngăn chặn sự xâm nhập của côn trùng gây hại từ bên ngoài nên giảm việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Trên vùng cao nguyên đá Hà Giang, cây bạc hà có sức sống mãnh liệt đến lạ kỳ. Người dân nơi đây đã mở rộng diện tích trồng bạc hà để phát triển nghề nuôi ong.