Đưa Giống Thanh Long Ruột Đỏ Về Vùng Đất Núi
Là người tiên phong đưa giống cây thanh long ruột đỏ về vùng đất miền núi Tràng Xá, anh Chu Văn Hợp, xóm Khuôn Ruộng, xã Tràng Xá (huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên), hiện là chủ nhân của 300 gốc cây thanh long ruột đỏ đang đơm hoa kết trái, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Đây là mô hình sản xuất mới, phù hợp với vùng đất miền núi khô cằn, đang được nhiều hộ dân học tập theo.
Sinh ra trong một gia đình thuần nông, lớn lên trên mảnh đất nghèo, nên từ nhỏ anh Chu Văn Hợp đã sớm ý thức phải vươn lên thoát nghèo. Tốt nghiệp THPT, anh không đi học tiếp mà ở nhà làm kinh tế, phụ giúp gia đình. Anh Hợp cho biết, để cải thiện cuộc sống, anh và gia đình đã trồng các loại cây lương thực như lúa, ngô… nhưng do địa bàn miền núi đất đai khô cằn, kém màu mỡ nên năng suất thấp và hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2010, anh quyết định chuyển sang trồng thanh long, dù biết rằng sẽ gặp nhiều khó khăn vì trong vùng chưa có ai trồng.
Thời gian đầu, anh chỉ trồng thử khoảng 100 gốc thanh long trên diện tích diện tích 500 m2, đến năm 2011 anh mở rộng diện tích lên gần 2.000 m2. Ban đầu, do còn ít kinh nghiệm nên năng suất thanh long cũng như tỉ lệ ra hoa nghịch vụ của vườn thanh long còn khá thấp. Trong quá trình sản xuất, anh vừa làm vừa rút kinh nghiệm, đồng thời tham dự các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng thanh long cũng như tìm hiểu thêm kỹ thuật từ sách, báo. Nhờ đó, năng suất cây thanh long của gia đình anh đã tăng cao.
Theo anh Hợp, thanh long là loại cây tương đối dễ trồng, không kén đất nhưng lại cho lợi nhuận cao hơn trồng mía, ngô lai. Cây thanh long gần giống như cây xương rồng nên không đòi hỏi nhiều công chăm sóc. Trước khi trồng cần phải làm đất kỹ, bón lót phân hữu cơ để một thời gian mới trồng, khi chọn giống không nên chọn nhánh già, khi thanh long cho trái cần biết cách tỉa nhánh, chăm sóc. Hiện nay, khu vườn của anh có trên 300 gốc thanh long ruột đỏ đang cho thu hoạch với sản lượng 3 tấn quả/lứa, với giá bán từ 25.000 - 30.000 đồng/kg, trừ chi phí mỗi năm thu nhập từ trồng thanh long của gia đình anh đạt gần 200 triệu đồng.
Anh Hợp cũng đã đầu tư hơn 100 triệu đồng chi phí cho việc đổ trụ bê tông và kéo điện hạ thế phục vụ cho xử lý thanh long nghịch vụ. Đồng thời, anh đang có kế hoạch mở rộng diện tích trồng thanh long lên 1.000 m2 và từng bước áp dụng qui trình VietGAP vào sản xuất, nhằm cung cấp sản phẩm an toàn cho thị trường. Ngoài trồng thanh long gia đình anh còn trồng 500 gốc na; 1 ha keo, bạch đàn, 1 ha ngô, 13 sào lúa và nuôi 300 con gà lai chọi… Trừ chi phí ,mỗi năm gia đình anh thu nhập hơn 400 triệu đồng.
Có thể bạn quan tâm
Sáng 17-9, tại xã Kim Tân, huyện Ia Pa, Viện Nghiên cứu Mía đường phối hợp với Công ty cổ phần Mía đường-Nhiệt điện Gia Lai tổ chức tập huấn kỹ thuật canh tác mía năng suất và chất lượng cao cho nông dân trồng mía vùng Đông Nam tỉnh.
Vụ mùa năm nay, xã Tùng Bá tiếp tục thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lúa lai diện tích lớn với sự quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền, khuyến nông viên xã; đặc biệt xã chủ động đứng ra bảo lãnh với Đại lý phân phối vật tư nông, lâm nghiệp cung ứng trước giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho các hộ thực hiện mô hình để sản xuất kịp khung thời vụ theo phương châm “5 cùng”... hứa hẹn mang lại hiệu quả cao hơn.
Trong khi các xã khác trên địa bàn huyện Mèo Vạc đang khẩn trương thu hoạch ngô, chuẩn bị đất để gieo trồng vụ mới thì người dân ở các xã: Niêm Tòng, Niêm Sơn, Khâu Vai mới bắt đầu tiến hành vun các diện tích ngô trồng lại.
Những năm qua, trên địa bàn xã Bản Luốc (Hoàng Su Phì) đã có nhiều hộ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng KH – KT vào sản xuất. Qua đó, xuất hiện nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần cải thiện đời sống người dân tại địa phương.
Nhiều người hiện nay đã chuyển hướng sang dùng trái cây nội địa hoặc hàng nhập khẩu từ nước khác. Nắm lấy cơ hội này, tiểu thương tại các chợ trên địa bàn cũng nhập về nhiều loại rau, củ từ Thái Lan. Hiện, ngoài thị trường, hàng Thái Lan đang lấn át hàng Trung Quốc về số lượng lẫn sức mua.