Dưa Bở Được Giá

Giá bán dao động từ 5000-7000 đ/kg, cao hơn năm ngoái từ 2000-3000 đ/kg, như vậy gần 1 mẫu ruộng trồng dưa bở cũng cho thu hoạch gần 50 triệu đồng cả vụ.
Thời điểm hiện nay, bà con nông dân ở xã Nhật Tiến, Hữu Lũng (Lạng Sơn) đang bước vào vụ thu hoạch dưa bở với niềm vui được mùa, được giá.
Dưa bở là giống dưa truyền thống, dáng quả thuôn dài, khi chín vỏ nứt bung, thịt dưa cát mịn và thơm nức, khác hẳn với nhiều loại dưa bở giống mới hiện nay.
Cây dưa bở đã gắn bó với bà con nông dân xã Nhật Tiến từ rất lâu. Cùng với cây lúa, ngô, cây dưa bở cũng đem lại nguồn thu đáng kể cho nông dân ở đây. Thông thường vụ dưa bở được trồng vào tháng 2 và đến tháng 5 dương lịch đã cho thu hoạch.
Nhưng năm nay do rét kéo dài nên người dân trồng muộn hơn. Với thời tiết nắng ráo, độ ẩm vừa phải cây dưa bở phát triển khá tốt, ra hoa là đậu quả chứ không bị rụng như những năm trước.
Đến xã Nhật Tiến, Hữu Lũng những ngày này, từ nhà dân đến cánh đồng, từ những con đường bê tông trong thôn ra đến đường trục chính, đâu đâu cũng thấy hình ảnh của những quả dưa bở chín vàng.
Dưa vừa thu hoạch dưới ruộng lên, tư thương đã đánh cả ô tô vào thu mua. Ngoài ra, người dân tiếp tục thu hoạch và bán lẻ ngay trước cửa nhà. Chẳng thế mà thời điểm này, hai bên tỉnh lộ 242 đi qua xã toàn là những “cửa hàng” được dựng tạm để bán dưa.
Người mua kẻ bán tấp nập khiến cho nhịp sống ở đây vào mùa dưa như nhanh hơn, rộn ràng hơn. Chị Hoàng Thị Hiên, thôn Trại Điếm, xã Nhật Tiến vừa thu hoạch dưa bở, phấn khởi cho biết: “Năm nay dưa bở vừa được mùa lại được giá, gia đình tôi đã có một khoản thu khá.
Với gần 1 mẫu ruộng trồng dưa bở, với giá bán dao động từ 5000-7000 đ/kg, cao hơn năm ngoái từ 2000-3000 đ/kg như hiện nay, tính ra cả vụ, gia đình tôi cũng thu được gần 50 triệu đ”.
Hiện xã Nhật Tiến có khoảng 25ha dưa bở, với 70% số hộ trồng. Nếu như những năm đầu trồng dưa, người dân phải mang ra tận chợ thị trấn Hữu Lũng bán, thì chỉ vài vụ dưa sau, tư thương từ Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang…đã tìm về đến tận xã để thu mua. Lý do là chất lượng dưa ở đây rất tốt, được thị trường ưa chuộng.
Với năng suất trung bình 5 tạ/sào, mỗi sào dưa người nông dân ở đây có lãi khoảng hơn 7 triệu đồng, gấp 5-6 lần so với trồng lúa.
Có thể bạn quan tâm

Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn phối hợp với Tổng công ty Tín Nghĩa và UBND huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai vừa tổ chức lấy ý kiến nông dân xã Phú Lộc về việc tham gia dự án “cánh đồng lớn liên kết sản xuất tiêu thụ cà phê 4C trên địa bàn các huyện Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, Tân Phú”.
Với nhiều ưu điểm vượt trội như: năng suất cao, thời gian sinh trưởng ngắn, chống chịu đổ ngã tốt, đặc biệt hàm lượng chất dinh dưỡng trong gạo rất cao... giống lúa đỏ mang tên Ngọc đỏ hương dứa, được một nông dân ở huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) sáng tạo đang thu hút được sự quan tâm lớn của nhiều doanh nghiệp trong tỉnh và một số đối tác nước ngoài.

Người trồng mía ở Ninh Hòa (Khánh Hòa) vừa trải qua một vụ mía khó khăn do giá đường xuống thấp, nắng hạn kéo dài. Trong vụ mía 2015 - 2016, nông dân trồng mía hy vọng Công ty Cổ phần (CP) Đường Ninh Hòa có nhiều chính sách nhằm giảm khó khăn trong sản xuất, tăng năng suất và chất lượng mía.

Sa nhân là cây dược liệu quý đã gắn bó lâu đời với người dân xã Tân Lập (Mộc Châu - Sơn La). Với nhiều ưu điểm như: dễ trồng, phù hợp với điều kiện khí hậu của vùng, tận dụng được diện tích đất dưới tán rừng, giá bán cao nên cây sa nhân đã và đang là cây trồng đem lại hiệu quả, tăng thu nhập cho nhiều gia đình ở Tân Lập.

Sau nhiều năm thua lỗ liên tục, diện tích mía ở ĐBSCL đang dần bị phá bỏ và thay thế bằng các cây trồng khác.