Du Xuân Trên Cung Đường... Cá Ngựa
Trên con đường xuyên Việt ở phía nam đèo Cù Mông có cung đoạn mười lăm cây số quanh co uốn lượn bên đầm Cù Mông, TX Sông Cầu (Phú Yên), với những cảnh quan thơ mộng hữu tình.
Bên những nhà hàng ăn uống giải khát, quán cóc, du khách bắt gặp hàng loạt bảng hiệu quảng cáo “cá ngựa sống” - một thứ “thần dược” miền biển, thu hút sự quan tâm của giới mày râu, nên nhiều người coi loài hải mã này là “Viagra thiên nhiên” có thể kết hợp hài hòa với một số vị đông y khác để tạo ra những phương thuốc độc đáo.
1 Tôi tìm về cung đường cá ngựa khi tiết trời chuyển mùa sang xuân Giáp Ngọ. Nắng sớm tỏa sáng lung linh trên mặt đầm Cù Mông với những cơn gió phóng khoáng đánh thức sóng nước dập dờn…
Dừng xe bên quán Tý nằm ven đường quốc lộ 1A ở thôn Hòa Hiệp, xã Xuân Thịnh, TX Sông Cầu, tôi bắt gặp một hình ảnh khá ấn tượng, đó là những bình rượu thuốc với nhiều kiểu dáng, dung tích được trưng bày trên những kệ gỗ xếp hình bậc thang trông rất “bắt mắt”. Ngoài củ nhân sâm, rắn biển, sao biển, tắc kè, bìm bịp trong bình rượu còn có những cặp cá ngựa.
Chủ quán là một phụ nữ 36 tuổi, tên là Lê Thị Hằng bước ra chào mời khách bằng chất giọng xứ Nẫu: “Anh hai muốn mua rượu ngâm sẵn trong bình, xin cứ tự nhiên lựa chọn. Nếu mua cá ngựa sống thì mời sang bên này”. Vừa nói, chị Hằng chỉ tay về phía bể kính hình chữ nhật có chứa nước biển đã được kết nối với hệ thống sục khí oxy suốt ngày đêm.
Tôi đảo mắt dò xét những bình thủy tinh có dung tích 5 lít sẫm màu rượu thuốc và nhận ra ngoài củ nhân sâm cùng vài vị thuốc bắc như cam thảo, câu kỷ tử, hoài sơn, đẳng sâm, thục địa, nhục thung dung, dâm dương hoắc còn có hai con sao biển, một con rắn biển cùng hai cặp cá ngựa vàng và đen.
Nghe tôi bày tỏ nỗi lo tình trạng rượu pha chế từ cồn công nghiệp, chị Hằng nói chắc rằng: “Rượu dỏm, men giả là chuyện có thể ở đâu đó, chứ dọc “cung đường cá ngựa” này chưa xảy ra một sự cố xấu nào do rượu ngâm đặc sản miền biển và thuốc đông y.
Em đảm bảo với anh hai rằng, rượu gạo tẻ có nguồn gốc nhà nông thứ thiệt, hơn thế nữa không ai muốn dẹp tiệm khi kiếm tiền bằng hàng dỏm, đặc biệt là sản phẩm liên quan đến sức khỏe, sinh mệnh con người”. Thấy tôi còn do dự, chị Hằng gợi ý “Nếu lo ngại rượu ngâm sẵn, anh hai mua cá ngựa sống mang về dùng theo sở thích”.
Cất công tìm đến nhiều quán giải khát Cửu Long, A Vinh, Năm Hà, Bé Hân, Biển Nhớ, Hồng Loan, Mỹ Thủy, Mỹ Thiện… nằm ven “cung đường cá ngựa”, mới hay ở đó dường như không có chuyện “biến hóa” giá cả để cạnh tranh, cũng không có chủ quán nào “thách cao, bán thấp” để đánh đố du khách. Anh Năm - một chủ quán có dáng vẻ chất phác cho biết, mỗi bình rượu 5 lít, ngâm cá ngựa, sao biển, rắn biển, nhân sâm và một số vị thuốc đông y có giá từ 600 đến 800 ngàn đồng, tùy theo số lượng “thần dược” có trong bình.
Bình có dung tích lớn hơn, “thần dược” nhiều hơn về số lượng, chủng loại thì giá tiền cao. Sau vài phút dõi mắt theo những con cá ngựa đang bơi lượn trong bể kính, tôi chỉ tay vào con cá ngựa màu vàng, lớn gần bằng ngón chân cái, rồi hỏi: “Loại này bao nhiêu một cặp?”. Không chút suy tính, ông chủ quán đáp: “Theo kinh nghiệm dân gian, cá ngựa vàng và trắng tốt hơn cá ngựa đen, nên giá cao hơn một chút. Tại thời điểm này một cặp cá ngựa vàng loại lớn từ 220 đến 250 ngàn đồng, loại nhỏ 150 đến 200 ngàn đồng; mỗi cặp cá ngựa đen loại lớn từ 200 đến 220 ngàn đồng, loại nhỏ 120 đến 160 ngàn đồng”.
Những con cá ngựa không sống nổi sau khi đưa từ biển vào bờ, thay vì ngâm rượu, người thu mua bảo quản trong tủ lạnh để bán với giá mềm hơn cá ngựa còn sống trong bể kính. Rẻ tiền hơn nữa là cá ngựa khô đóng gói trong túi nilon. Khi nghe tôi đề cập đến nỗi lo vấp phải cá giả làm bằng nhựa, anh Năm bày tỏ: “Đã có tin đồn rằng, khi uống hết bình rượu mới phát hiện mua nhầm cá ngựa… nhựa.
Chuyện đó thực hư ở tận đâu chưa tỏ, chứ ở xứ này chưa bao giờ có trò gian dối, bịp bợm như thế. Giới bán cá ngựa ở đây đều là dân làng biển “ăn chắc, nói thiệt”, bán để sau này du khách không chỉ trở lại nhiều lần, mà còn giới thiệu cho người khác”. Dứt câu, anh Năm lấy bật lửa gas đốt đuôi con cá ngựa khô, rồi bảo: “Cứ ngửi xem có mùi nhựa không sẽ biết”.
2 Ở các đầm, vịnh, ghềnh, rạn ven biển Việt Nam đều có cá ngựa sinh trưởng, nhưng có lẽ loài hải sản này tập trung nhiều ở ven vùng biển Sông Cầu với chất lượng cao. Hơn 20 năm về trước, khi cá ngựa “lên ngôi”, thì giới lặn bắt tôm hùm và dân hành nghề giăng lưới mành, giã cào lao vào săn “thần dược” biển. Đến cầu Bình Phú dò hỏi, tôi tìm gặp Bốn Thạnh, Ba Trọng - hai trong số những “thợ săn” cá ngựa ở thôn Hòa Phú, xã Xuân Hòa.
Sau khi rót trà mời khách, Bốn Thạnh trầm tư nhìn về phía đầm Cù Mông, nói rằng: “Tụi tui chuyên nghề lặn bắt tôm hùm, đến khi cá ngựa có giá mới kết hợp, gặp loại nào cũng bắt để… kiếm cơm”. Ngoài thời gian thuận lợi từ tháng Chạp đến cuối tháng bảy âm lịch, mỗi khi thủy triều xuống là thời điểm “thợ săn” tôm hùm, cá ngựa mang bình hơi, kính lặn, lên xuồng hành nghề. Ba Trọng bảo: “Mấy năm trước, mỗi ngày bắt được 4, 5 con tôm hùm lẫn cá ngựa. Bây giờ lặn lội cả ngày, mong sao kiếm được 2, 3 con là may lắm rồi. Lắm lúc sáng đi, chiều về không tìm được một con cá ngựa làm thuốc.
Ngoài cánh “thợ săn” tôm hùm, cá ngựa bằng phương pháp lặn bộ, những người hành nghề giăng lưới mành, giã cào cũng bắt được cá ngựa trong những mẻ lưới. Ông Tám Định - một ngư dân đánh bắt hải sản bằng nghề giã cào ở phường Xuân Đài cho biết, lẫn trong cá, tôm thu được từ một mẻ lưới có vài ba con cá ngựa. Một chuyến biển kiếm được 5, 7 con, đôi khi có cả chục con.
Những người gom mua cá ngựa với giá cả theo từng thời điểm, kích cỡ, loại màu. Sau đó họ bán lại cho chủ nhân các quán ăn uống, giải khát trên “cung đường cá ngựa”. Đương nhiên giá mua bán mỗi cặp cá ngựa từ người “săn bắt” đến tay tửu khách thập phương tăng dần chỉ 10.000 đến 15.000 đồng. So với giá rao bán trên mạng tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, thì giá ở “cung đường cá ngựa” rẻ hơn rất nhiều, chất lượng và độ tin cậy cũng cao hơn.
Trưa xuân. Ngồi nhâm nhi ly rượu độc món cá ngựa trong quán Gió Hạ của Năm Dần bên bờ đầm Cù Mông đón ngọn gió nồm mát rượi, tôi hỏi về vị mặn và mùi tanh của biển lẫn trong chất cay nồng của rượu, Năm Dần khề khà cười và bảo: “Cái món cá ngựa này được ví như “Viagra thiên nhiên”.
Đây là một trong những thứ “Ông uống, bà khen” đang được giới mày râu đặc biệt quan tâm”. Hèn chi trước đó có chiếc xe hơi 4 chỗ ngồi dừng lại trước quán Tý, một chị phụ nữ trạc 45 tuổi, gương mặt khả ái, dáng dấp trông mát mắt, bước vào kêu chị Hằng lấy 20 cặp cá ngựa sống. Khi tôi dò hỏi, chị phụ nữ bẽn lẽn cười và bảo: “Em mua về làm quà tặng sếp”. Ai ngờ, anh lái xe bấm tay tôi, thì thào: “Sếp nhà đấy bác ạ”! Hóa ra, chuyến du ký đầu năm Ngọ trên “cung đường cá ngựa” như một món quà xuân lý thú và bổ ích…
Cá ngựa có tên khoa học là Hippocampus, phân bố ở Australia, Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Nhật Bản, Triều Tiên, Trung Quốc và Đài Loan. Tại Việt Nam, cá ngựa ở ghềnh, rạn ven biển, tập trung chủ yếu ở Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận. Những năm gần đây, cá ngựa được nuôi và sinh sản trong các bể kính, bể xi măng. Cá ngựa là hải sản có giá trị cao trong dược liệu Đông y ở Trung Quốc và một số nước trong khu vực Đông Nam Á.
Theo sáchNhững cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS.TS Đỗ Tất Lợi - NXB khoa học - kỹ thuật 1981, đây là giống cá nước mặn, đầu giống hình đầu ngựa nên có tên cá ngựa hay hải mã. Cá ngựa to, nhỏ, trắng, vàng đều dùng làm thuốc, nhưng loại trắng, vàng tốt hơn. Tại Trung Quốc, cá ngựa dùng làm thuốc và được ghi vào bộ sách Bản thảo cương mục thập di của Triệu Học Mãn -1765 và được khai thác nhiều ở Quảng Đông, Quảng Tây, Phúc Kiến và Hải Nam.
Tính chất cá ngựa theo Đông y có tính ôn, vị ngọt, không độc, có tác dụng như vị thuốc bổ, kích thích bền lâu trong phòng sự, tráng dương, khí huyết thông, phụ nữ khó đẻ. Dân gian thường vận dụng điều trị liệt dương, nữ giới không có con theo phương thang một cặp cá ngựa vàng phơi khô, tán bột rồi dùng rượu chiêu thuốc.
Có thể bạn quan tâm
Sau khi đi thực tế thăm mô hình trình diễn điểm thực nghiệm thử nghiệm nuôi tôm càng xanh trên đất lúa ở tiểu vùng BT 10 và BT 11 xã Phú Thuận, các nhà khoa học, quản lý Nhà nước và nông dân đã cùng nhau thảo luận về hiệu quả, khó khăn, thuận lợi của mô hình, để có hướng tháo gỡ và đánh giá nhân rộng.
Xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai được xem là “thủ phủ” của làng nấm Đông Nam Bộ giờ đây không còn những nụ cười tươi rói như ngày nào do hàng trăm hộ trồng nấm đang phải “treo trại”. Theo cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai, sản phẩm của các làng nghề trồng nấm từ trước tới nay được thương lái thu gom chủ yếu xuất sang Trung Quốc.
Thái Nguyên là tỉnh miền núi vùng Đông Bắc Bộ, tổng diện tích mặt nước toàn tỉnh có thể nuôi trồng và khai thác thuỷ sản là 6.925 ha, trong đó 2.500 ha hồ chứa vừa (Hồ Núi Cốc), 1.140 ha hồ chứa nhỏ, 2.285 ha ao gia đình và 1.000 ha ruộng trũng có thể phát triển nuôi cá kết hợp cấy lúa…
Hiện Việt Nam có khoảng 60.000 héc ta hồ tiêu, nhưng theo qui hoạch phát triển ngành hồ tiêu đến năm 2020 vừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt thì diện tích trồng loại nông sản này được giới hạn ở mức 50.000 héc ta.
Bắt đầu từ năm 2012, Công ty TNHH công nghệ sinh học phục vụ đời sống và sản xuât- thương mại và du lịch Thanh Mai đã đầu tư, áp dụng công nghệ sinh học sản xuất ra một loại thực phẩm giàu protein, vitamin tổng hợp có hoạt tính sinh học cao từ giống Tảo xoắn Spirulina – một nguồn dinh dưỡng quý giá của tự nhiên.