Dự Án Gà Thả Vườn Ở Đồng Phú Không Hiệu Quả
Nhằm thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, góp phần xây dựng các tiêu chí nông thôn mới (NTM), UBND tỉnh Bình Phước đã phê duyệt đề án giảm nghèo theo hình thức chăn nuôi gà thả vườn (dự án) cho 20 hộ khó khăn trên địa bàn xã Tân Lợi (Đồng Phú).
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã có nhiều vấn đề nảy sinh, người dân thụ hưởng dự án này như “ngồi trên đống lửa” vì gà trưởng thành mà không thể xuất chuồng. Họ phải bán đổ bán tháo gà với giá bằng một nửa giá dự kiến. Sau đợt nuôi gà thứ nhất, các hộ trong dự án vẫn chưa ai thoát nghèo.
Một ngày, các hộ dân phải bỏ ra số tiền không nhỏ để mua thức ăn cho gà quá lứa
Để thực hiện dự án, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Đồng Phú đã ký hợp đồng với Công ty TNHH An Gia Bình Phước (phường Tân Phú, TX. Đồng Xoài) - đơn vị cung cấp con giống, tập huấn kỹ thuật, thức ăn và bao tiêu sản phẩm cho 20 hộ trong dự án. Tuy nhiên, sau gần 3 tháng thực hiện, gà đến thời điểm xuất chỉ bán với giá hơn một nửa so giá dự kiến là 72 ngàn đồng/kg.
Hộ nghèo càng khổ vì... nuôi gà!
Xã Tân Lợi (Đồng Phú) có 94 hộ nghèo, trong đó 2/3 hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Khi được tỉnh chọn thực hiện dự án, người dân rất phấn khởi và xem đây là “cần câu cơm” để họ vươn lên thoát nghèo, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM. Tuy nhiên, lứa gà đầu tiên xuất chuồng không mang lại kết quả như mong đợi.
Có mặt tại ấp Đồng Bia, xã Tân Lợi cách đây hơn 1 tháng, chúng tôi trực tiếp chứng kiến các hộ dân được hưởng dự án mỗi ngày phải bỏ ra số tiền không nhỏ mua thức ăn cho gà.
Gia đình anh Nông Văn Tưởng có hoàn cảnh khó khăn, ngoài 2 con và mẹ già, anh chị còn nuôi 2 cháu ruột. Vì vậy kinh tế gia đình luôn thiếu trước hụt sau. Anh Tưởng cho biết: “Ngày 23-12-2013, khi được hỗ trợ thức ăn và 225 con gà giống từ dự án, tôi rất mừng vì đây là điều kiện để gia đình vươn lên thoát nghèo”.
Tuy nhiên, sau gần 3 tháng nuôi, gà đến thời điểm xuất, Công ty TNHH An Gia Bình Phước (Công ty AGBP) không đến thu mua. Với một hộ nghèo như anh Tưởng, trung bình một ngày bỏ ra khoảng 200 ngàn đồng mua thức ăn cho gà là số tiền quá lớn.
Những hộ nuôi gà không thể mua cám thiếu, phải đem gà ra chợ bán hoặc bán lẻ cho các hộ trong thôn với giá gần 60 ngàn đồng/kg. Chị Phan Thị Mùi than phiền: “Vì trong thời điểm có dịch cúm A/H5N1, nên bán cũng ít người mua. Tôi lấy số tiền bán gà mua bắp, lúa cho đàn gà ở nhà ăn.
Sau khi trừ hao, tổng đàn gà đạt khoảng 300kg. Một tháng không xuất được, gia đình phải bỏ ra gần 10 triệu đồng để mua thức ăn, thuốc men cho gà. Bây giờ công ty mua với giá hơn 40 ngàn đồng/kg, những hộ nuôi gà chúng tôi không đồng tình. Nhưng vì không có tiền mua thức ăn cho gà nên đành bấm bụng bán”.
Tất cả tại... dịch bệnh
Chị Nguyễn Thị Xuân Lan, cán bộ quản lý dự án xã Tân Lợi cho biết: “Trước thực trạng gà đến ngày xuất chuồng nhưng Công ty AGBP không đến thu mua, ngày 3-3-2014, UBND xã Tân Lợi, Phòng LĐ-TB&XH đã họp và yêu cầu công ty phải thu mua gà của các hộ nuôi theo hợp đồng”.
Tuy nhiên, Công ty AGBP trả lời: Hiện dịch cúm gia cầm A/H5N1 đang lan rộng tại 22 tỉnh, thành với gần 70 ổ dịch, trong đó có các tỉnh lân cận như Bình Dương, Tây Ninh, Long An... Vì vậy, việc vận chuyển gia cầm về TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận tiêu thụ là không thể. Đồng thời, do tác động của dịch cúm A/H5N1 nên giá bán của gà ta thả vườn xuống thấp, còn khoảng 40-42 ngàn đồng/kg.
Mua theo giá đó sẽ lỗ cho người chăn nuôi. Công ty AGBP khuyến cáo: Các hộ nuôi gà không nên cho gà ăn cám mà chuyển sang cho ăn bắp, lúa nhằm giảm chi phí mà vẫn duy trì sản lượng hoặc bán theo số lượng nhỏ lẻ để thu hồi vốn dần...
Ông Phạm Xuân Hưởng, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Đồng Phú cho biết: Hiện công ty đã thu mua hết số gà cho các hộ nuôi nhưng chỉ với giá từ 40 đến 42 ngàn đồng/kg, mặc dù giá trong hợp đồng kinh tế với Công ty AGBP dự kiến là 72 ngàn đồng/kg. Với tình trạng như hiện nay, chúng tôi sẽ cố gắng trả phần công cho các hộ nuôi gà.
Dự án nuôi gà thả vườn thua lỗ, nhưng ông Trần Thanh Tâm, Phó trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Đồng Phú, người trực tiếp quản lý dự án lại khẳng định: Đây là mô hình cho hiệu quả kinh tế cao và tốt nhất trong việc xóa đói giảm nghèo bền vững.
Vì sau khi thực hiện mô hình này các hộ dân sẽ tự mình nuôi được gà. Do không phải bỏ vốn nên một số hộ dân muốn nuôi gà đợt hai, một số hộ khác đề nghị Nhà nước chuyển sang hỗ trợ trâu hoặc bò.
Bài học cho cơ quan quản lý nhà nước
Theo hợp đồng kinh tế số 27/HĐKT-AGBP, ngày 19-11-2013, Công ty AGBP có nhiệm vụ cung cấp con giống, thức ăn, hướng dẫn và bao tiêu sản phẩm của dự án. Tuy nhiên tại điều 7 của hợp đồng này chỉ ghi chung chung là: Công ty AGBP có trách nhiệm thu mua toàn bộ gà thịt của những hộ nuôi gà thuộc dự án với giá đảm bảo có lợi nhuận 15-20%.
Nghĩa là không ràng buộc công ty phải thu mua gà cho bà con ở thời điểm nào, gà nuôi đạt trung bình bao nhiêu ký/con. Điều này dẫn đến tình trạng khi có dịch bệnh, Công ty AGBP có thể chậm thu mua (?).
Mặt khác, Công ty AGBP chỉ mua gà bằng khoảng 60% giá hợp đồng, nhưng Phòng LĐ-TB&XH Đồng Phú vẫn không có biện pháp đòi quyền lợi cho người dân và đảm bảo vốn Nhà nước bỏ ra thực hiện dự án.
Nếu trong đợt nuôi tiếp theo, gà đến ngày xuất chuồng lại bị ảnh hưởng từ dịch bệnh, liệu dự án này có đem lại hiệu quả kinh tế cao như lời ông Tâm nói? Hay người dân tiếp tục lỗ thâm vào công nuôi, Nhà nước mất tiền vốn đầu tư!? Cơ quan quản lý nhà nước, trực tiếp là Phòng LĐ-TB&XH huyện Đồng Phú cần xem xét lại tính pháp lý của hợp đồng kinh tế với Công ty AGBP để có những chế tài phù hợp trong quá trình thực hiện hợp đồng, tránh lặp lại tình trạng trên.
Có thể bạn quan tâm
Theo Thạc sĩ Nguyễn Văn Liêm - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp– PTNT, Vũng Liêm (Vĩnh Long) là huyện đứng đầu về cơ giới hóa trong nông nghiệp. Hiện toàn huyện có 304 máy gặt đập liên hợp, 66 máy gặt xếp dãy, 770 máy cày- xới, trên 5.700 máy bơm nước, máy sạ hàng,… đảm bảo cơ giới hóa trong sản xuất lúa đạt 100% khâu làm đất, 95% khâu thu hoạch.
Trong vài năm trở lại đây, trước thực trạng nhiều diện tích cà phê già cỗi, đạt năng suất thấp do sử dụng các loại giống kém chất lượng, xã Tân Thành (Krông Nô - Đắk Nông) đã tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn thực hiện tái canh, “trẻ hóa” vườn cà phê bằng phương pháp ghép chồi.
Quê ở Bến Tre - vùng đất có nhiều loại trái cây nổi tiếng, đến vùng đất mới xã Thuận Phú (Đồng Phú - Bình Phước) lập nghiệp, bốn anh em nhà ông Võ Xuân Sơn đem theo hành trang quý giá là 2 cây bưởi da xanh. Để rồi hôm nay, anh em ông Sơn trở thành triệu phú từ 2 cây bưởi da xanh ấy.
Hồi 7h sáng 5/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 10,6 độ Vĩ Bắc; 119,7 độ Kinh Đông, trên khu vực phía bắc đảo Palawan (Philippines). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (tức là từ 50 đến 61 km một giờ), giật cấp 8, cấp 9.
Nghề nuôi tôm nước lợ trên địa bàn TP.Tam Kỳ (Quảng Nam) liên tiếp sụt giảm về sản lượng và diện tích thả nuôi. Tại cuộc hội thảo tổ chức vào ngày 1.11, lãnh đạo địa phương cho biết sẽ tập trung các điều kiện cần thiết để “cứu” nghề nuôi tôm nước lợ trong thời gian tới. Hiệu quả thấp