Trang chủ / Tin tức / Tin thủy sản

Đột phá nuôi trồng thủy sản phía Bắc

Đột phá nuôi trồng thủy sản phía Bắc
Tác giả: Hồng Thắm
Ngày đăng: 22/02/2020

Nuôi trồng thủy sản phía Bắc đang ngày một phát triển cả về diện tích và sản lượng, tuy nhiên, vẫn được đánh giá là chưa đồng bộ, chưa tương xứng với lợi thế. Việc tìm giải pháp để tạo đột phá trong lĩnh vực này đang được các tỉnh phía Bắc tìm kiếm.

Miền Bắc có nhiều tiềm năng phát triển nuôi các loại cá nước ngọt - Ảnh: ST

Chưa xứng tiềm năng

Theo Tổng cục Thủy sản, các tỉnh phía Bắc (gồm các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và miền núi phía Bắc) có địa hình tự nhiên đa dạng, có thể phát triển nhiều loại hình NTTS như: Nuôi lồng bè trên hồ chứa, sông suối, nuôi ao, nuôi kết hợp trong ruộng lúa... Đối tượng thủy sản nuôi trồng đa dạng, nhiều tiềm năng phát triển nuôi các loài thủy sản đặc sản, có giá trị kinh tế cao. Ngoài ra, một số vùng có thể phát triển nuôi các đối tượng chủ lực phục vụ xuất khẩu, có giá trị kinh tế cao như: tôm sú, TTCT, cá song, cá vược, cá giò, hàu, tu hài, ốc hương… 

Cũng theo Tổng cục Thủy sản, diện tích tiềm năng có thể phát triển NTTS của vùng còn rất lớn, khoảng 328.252 ha; trong đó 89,4% diện tích nuôi nước ngọt, khoảng 11,6 % diện tích nuôi nước mặn, lợ. Ngoài ra, các tỉnh miền núi phía Bắc còn có hàng trăm nghìn ha diện tích mặt nước hồ chứa, hồ thủy điện, hồ thủy lợi có thể phát triển nuôi cá lồng bè, nuôi cá hồ chứa. Ước tính năm 2019, diện tích NTTS của các tỉnh phía Bắc đạt hơn 194.042 ha, sản lượng thu hoạch khoảng 902.769 tấn.

Có thể thấy, thời gian qua, NTTS tại các tỉnh phía Bắc đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế xã hội của địa phương, góp phần cung cấp sản phẩm thủy sản phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng tại chỗ, đảm bảo an ninh thực phẩm và dinh dưỡng; tạo công ăn việc làm cho đồng bào miền núi và Trung du. Song bên cạnh những đóng góp đó vẫn tồn tại một số bất cập như: Quy mô nuôi thủy sản còn nhỏ lẻ, phân tán, chưa hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung; dịch bệnh vẫn thường xuyên xảy ra gây nhiều tổn thất về kinh tế; hệ thống công trình thủy lợi phục vụ NTTS còn thiếu và một số đã xuống cấp nhưng chưa được đầu tư cải tạo, nâng cấp...

Phát triển theo vùng

Cụ thể, đối với các tỉnh miền núi, do đặc điểm địa hình đa dạng, diện tích manh mún, cần đa dạng hóa đối tượng nuôi, ưu tiên phát triển các đối tượng thủy đặc sản theo vùng sinh thái, thực hiện phương châm “mỗi vùng một sản phẩm” để nâng cao khả năng cạnh tranh và giá trị hàng hóa. Đối với các địa phương có nhiều diện tích tiềm năng để phát triển NTTS hàng hóa (vùng đồng bằng và trung du, các địa phương có nhiều hồ chứa, sông suối có thể phát triển NTTS) cần khuyến khích doanh nghiệp đầu tư để phát triển thành vùng sản xuất NTTS hàng hóa tập trung. Ưu tiên phát triển nuôi cá lồng các loài có giá trị kinh tế trên sông, hồ chứa; nuôi cá nước lạnh, cá rô phi đơn tính. Những vùng, địa phương có điều kiện thuận lợi cần quan tâm phát triển hệ thống giống thủy sản tại chỗ để chủ động sản xuất, giảm giá thành, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Để có thể thành công, nhiều ý kiến cho rằng, các tỉnh phía Bắc cần tiếp tục rà soát, xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách khuyến khích phát triển NTTS, các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật trong NTTS; xây dựng các mô hình tổ chức sản xuất theo hình thức THT, HTX, các câu lạc bộ, các chi hội nuôi thủy sản để trao đổi thông tin, hỗ trợ sản xuất, chia sẻ kinh nghiệm và nâng cao hiệu quả, giảm giá thành sản xuất; cần đầu tư nguồn lực, trang thiết bị, cán bộ chuyên trách thực hiện nhiệm vụ quan trắc môi trường và phòng ngừa dịch bệnh; đặc biệt cần kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ đàn cá bố mẹ, chủ động sản xuất giống chất lượng tốt…

Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết: “Để phát triển NTTS tại các tỉnh phía Bắc bền vững, các địa phương cần đẩy mạnh triển khai thực hiện chương trình tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững; gắn sản xuất NTTS với bảo vệ môi trường sinh thái, an toàn sinh học, quan tâm đến vấn đề ATTP, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm”.


Có thể bạn quan tâm

Khoáng vi lượng tối ưu cho ấu trùng cá biển Khoáng vi lượng tối ưu cho ấu trùng cá biển

Biến dạng xương là một trong những mối lo ngại lớn nhất khi nuôi cá biển; tuy nhiên, dị tật này có thể được giảm thiểu bằng cách tăng cường yếu tố vi lượng

22/02/2020
Hiệu quả nuôi cá lòng hồ thủy điện tại Quảng Ngãi Hiệu quả nuôi cá lòng hồ thủy điện tại Quảng Ngãi

Mô hình nuôi cá lồng bè ở hồ thủy lợi bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế, thu hút nhiều hộ dân tự làm lồng bè nuôi cá

22/02/2020
Ứng dụng công nghệ sinh học trong nuôi tôm VietGAP Ứng dụng công nghệ sinh học trong nuôi tôm VietGAP

Nuôi tôm hiện đang gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh bùng phát khắp nơi, giá thành cao, hiệu quả kinh tế thấp, chất lượng sản phẩm kém

22/02/2020