Chưa Rõ Nguyên Nhân Cá Chết, Tôm Bệnh
Cùng với dịch bệnh lây lan liên tỉnh trên các ao hồ nuôi tôm, người nuôi trồng thủy sản tại miền Trung như ngồi trên đống lửa khi ngành chức năng chưa tìm ra nguyên nhân cá nuôi chắn sáo ở phá Tam Giang đồng loạt… nổi bụng chết sình.
Cá nuôi mắc bệnh lạ
Diện tích ươm nuôi xen ghép và chắn sáo nước lợ đầu vụ nuôi trồng thủy sản năm 2013 tại Thừa Thiên - Huế là 1.705,6ha và 1.116 lồng nuôi. Trong đó, cá dìa thả nuôi chắn sáo được khoảng 25 đến 35 ngày tuổi thì nổi bụng chết sình, người dân dùng vợt vớt không xuể. Cá dìa tên khoa học Siganus sinh nở ở vùng nước cửa sông do ngư dân đánh bắt được bán từ 5.000 - 6.000 đồng/con cho người dân nuôi trồng thủy sản mua về thả nuôi. Chưa kể tiền cải tạo đầu vụ, 50 vạn cá dìa giống bị chết, thiệt hại ước tính gần 2,5 tỷ đồng. Bình quân mỗi hộ mất từ 40 - 50 triệu đồng, hộ cao nhất lên đến 150 triệu đồng.
Đem nỗi âu lo của người dân nuôi trồng thủy sản đến gặp ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Xuân thì mới hay, không chỉ cá dìa nuôi chắn sáo chết hàng loạt mà trên 273ha nuôi cao triều theo hình thức xen ghép tại địa phương bắt đầu chết rải rác.
Cùng thời điểm tại huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế, ký sinh trùng lạ cũng tấn công hàng vạn con cá kình. Phòng NN-PTNT huyện Quảng Điền nhận định, thời tiết nắng nóng kéo dài kèm theo mưa dông bất ngờ làm thay đổi độ mặn các hồ nuôi. Ngoài ra, trong hồ nuôi cũng xuất hiện hiện tượng tảo lan làm ôxy trong nước giảm đột ngột. Một nguyên nhân khác là do người dân thả nuôi với mật độ quá dày, cá ngạt oxy trong khi chất lượng con giống ngày càng kém.
Đổ nợ vì tôm chết
Vụ tôm năm 2012 được mùa, được giá nhất từ trước đến nay nên người nuôi trồng thủy sản tại miền Trung phấn khởi đầu tư cải tạo ao hồ, bước vào vụ nuôi mới. Nhưng mọi kỳ vọng giờ đang phá sản khi tôm sú và tôm thẻ chân trắng thả nuôi vừa rời tay đã bùng phát dịch bệnh và lây lan từ ao hồ từ tỉnh này sang ao hồ tỉnh khác. Tại các huyện Vĩnh Linh và Gio Linh của tỉnh Quảng Trị, hầu hết người nuôi tôm đều “cầm” sổ đỏ, tài sản… vào ngân hàng để vay hàng chục đến hàng trăm triệu đồng. Để thả mới một vụ tôm, người nuôi tôm phải đầu tư từ 20 đến 30 triệu đồng từ việc cải tạo, xử lý hồ cho đến mua con giống. Thế nhưng, một tháng sau khi thả tôm, người dân đã bị đẩy đến bên bờ vực phá sản, nợ nần chồng chất vì tôm chết đỏ hồ.
Người nuôi trồng thủy sản đang cần các ngành chức năng nhanh chóng tìm ra nguyên nhân gây chết ở tôm, cá và có hướng xử lý hiệu quả để vừa tránh được dịch bệnh lây lan vừa đảm bảo quyền lợi của người dân. Đồng thời, cần hỗ trợ người dân về kỹ thuật, phương pháp xử lý hồ nuôi, đặc biệt là hỗ trợ kinh phí cho những hộ có tôm, cá bị chết.
6 loài cá nước lợ nguy cơ tuyệt chủng
Ông Nguyễn Hữu Quyết, Phó Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng, môi trường phá Tam Giang - Cầu Hai ô nhiễm làm suy giảm đa dạng sinh học. Trong đó, 6 loài cá quý hiếm sinh sống ở hệ đầm phá rộng lớn nhất Đông Nam Á (22.000 ha) nguy cơ tuyệt chủng gồm: cá mì đường, mòi hoa cờ, mòi cờ chấm, măng, chìa vôi và cá quả bông. Nguyên nhân chính do nghề nuôi trồng thủy sản không theo đúng quy hoạch rồi dịch bệnh từ các ao hồ thải trực tiếp ra đầm phá…
Có thể bạn quan tâm
Bảo hiểm trên tôm nuôi đang là giải pháp giúp người nuôi tôm công nghiệp (NTCN) giảm bớt gánh nặng rủi ro khi tôm bị thiệt hại. Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều hộ dân vẫn chưa được nhận tiền chi trả để tái sản xuất sau hơn 2 tháng tôm nuôi bị thiệt hại và được xác minh.
Hiện nông dân trồng bắp tại nhiều địa phương ở ĐBSCL phấn khởi khi đầu ra sản phẩm đã thuận lợi và giá bắp trái đã tăng từ 7.000 - 10.000 đồng/chục 14 trái so với đầu năm 2013, giúp nông dân có lợi nhuận tương đối khá.
Nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích đất canh tác, Phòng Dân tộc huyện Mường Ảng đã xây dựng mô hình trồng giống bí đỏ JV 888 F1; đến nay mô hình đã cho thấy hiệu quả kinh tế rõ rệt.
Theo Cục Thống kê tỉnh, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh trong tháng 5-2013 thực hiện được 81,4 triệu USD tăng 13,8% so tháng trước. Trong 5 tháng đầu năm 2013, thực hiện được 376,7 triệu USD tăng 23,9% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, kinh tế nhà nước thực hiện được 56 triệu USD tăng 11,2%; kinh tế ngoài nhà nước thực hiện 159,5 triệu USD giảm 8,7%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện được 161,2 triệu USD tăng 103,9%.
Chôm chôm tại huyện Cai Lậy (Tiền Giang) đang vào mùa thu hoạch rộ với giá bán tăng từ 2.000 - 3.000 đồng so với chính vụ trước. Giá mua của thương lái tại vườn (vào ngày 26-6): chôm chôm Java 5.000 đồng/kg, chôm chôm nhãn 11.000 đồng/kg.