Từ hai bàn tay trắng trở thành chủ của đàn bò gần 300 con
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo, đông anh em, anh Nguyễn Văn Xá ở thôn Hòa Bình, xã Quảng Hưng, huyện Quảng Trạch đã thấu hiểu nỗi vất vả của cha mẹ, bởi suốt đời “ một nắng hai sương, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng vẫn không đủ điều kiện kinh tế để nuôi con ăn học. Chứng kiến được cảnh vất vả của cha mẹ, từ lúc còn nhỏ, anh Xá đã nghĩ, mình phải làm thế nào để giúp cha mẹ bớt phần khó khăn và tạo dựng được cho bản thân hướng phát triển kinh tế hiệu quả, bền vững.
Do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, nên anh Xá chỉ theo học hết cấp II và sau đó ở nhà tham gia lao động, sản xuất cùng với gia đình. Năm 1997, sau khi xây dựng gia đình, được cha mẹ cho ở riêng, vợ chồng anh Xá chỉ với hai bàn tay trắng. Lúc này, địa phương có chủ trương di dời dân lên vùng gò đồi để phát triển kinh tế, anh Xá đã bàn với vợ, mạnh dạn nhận khoảng 3 ha đất trống, đồi trọc để phát triển kinh tế gia đình.
Ban đầu, vợ chồng anh Xá gặp rất nhiều khó khăn về nguồn vốn, cách thức làm ăn, kinh nghiệm trong sản xuất, chăn nuôi, nhưng với ý chí quyết tâm không cam chịu đói nghèo, cần cù trong lao động, tích cực học hỏi qua sách báo, đài, ti vi, anh đã tạo dựng được cho gia đình mô hình phát triển kinh tế đem lại hiệu quả cao. Với phương châm “vốn đẻ lãi, lãi mẹ đẻ lãi con”, năm 1998, anh Xá đã vay vốn đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi bò sinh sản.
Trong ảnh: Đàn bò của gia đình anh Nguyễn Văn Xá.
Do nguồn vốn hạn chế nên lúc đầu, anh Xá chỉ nuôi vài con bò sinh sản và làm ruộng. Sau một thời gian, nhận thấy đàn bò phát triển tốt, cho thu nhập khá cao, anh tiếp tục vay vốn, đầu tư xây thêm chuồng trại, nhân rộng đàn bò lên 20 con. Dần dần tích lũy được nguồn vốn, cứ thế, anh nhân rộng đàn bò.
Sau 18 năm chăm sóc và gây dựng, từ hai bàn tay trắng, đến nay, gia đình anh Xá đang sở hữu trong tay gần 300 con bò với giá trị hơn 3 tỷ đồng. Trong đó, có trên 100 con bò ở độ tuổi sinh sản, mỗi năm cho ra đời khoảng 100 con bê. Anh Xá cho biết, để đàn bò phát triển khỏe mạnh, thì phải thường xuyên chú trọng công tác phòng chống dịch bệnh, hàng năm đều phải tiêm phòng dịch cho đàn bò theo đúng quy trình hướng dẫn của cán bộ thú y xã, chăn thả đàn bò ở những vùng đất khô ráo.
Ngoài việc chăn thả ở các đồng cỏ tự nhiên, anh Xá còn tận dụng nhiều diện tích đất vườn nhà để trồng ngô, cỏ voi nhằm tăng thêm nguồn thức ăn xanh cho đàn bò, tiết kiệm được kinh phí phải mua nguồn thức ăn từ bên ngoài. Với cách làm như thế, đàn bò của anh Xá phát triển rất tốt, chưa có dịch bệnh xảy ra, mỗi năm, bình quân gia đình anh xuất bán được khoảng 100 con bò lứa, sau khi trừ mọi chi phí cho thu nhập khoảng 400 triệu đồng. Đây là nguồn thu nhập khá lớn đối với một địa phương bãi ngang khó khăn như xã Quảng Hưng.
Anh Xá cho biết, thời gian tới, anh sẽ quy hoạch lại vùng đất, đầu tư xây tường rào bao quanh, làm chuồng trại kiên cố, thành lập trang trại chăn nuôi theo hướng tập trung, hàng hóa, vừa cung cấp bò giống, bò chăn nuôi làm sức kéo, vừa cung cấp bò thương phẩm cho thị trường.
Có thể bạn quan tâm
Mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực trên vùng đất chuyển đổi năm 2016, do Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp Sở NNPTNT TP.Cần Thơ tổ chức ngày 23.11.
Mô hình trồng tiêu xen canh cà phê theo phương pháp hữu cơ trên cùng một diện tích của chàng trai quê Gia Lai cho lợi nhuận gấp 3 lần
Mạnh dạn chuyển đổi sang trồng nấm sạch, trung bình mỗi năm ông Phạm Quốc Hương (Ninh Bình) có thu nhập trên dưới 1 tỷ đồng.