Đổi đời thành tỷ phú miền Tây nhờ nuôi loài bò sát dưới ao bèo
Chúng tôi thật bất ngờ khi được tỷ phú ba ba miền Tây-anh Trần Hồng Quang, 46 tuổi, ngụ ấp Trường Hiệp, xã Trường Long A, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang hướng dẫn tham quan “vương quốc” ba ba có diện tích trên 20.000 m2 được thiết kế khang trang, đẹp, an toàn.
Anh Quang giới thiệu về kinh nghiệm nuôi ba ba thịt, ba ba sinh sản và ươm nuôi ba ba giống.
Trước khi bước vào "vương quốc ba ba", bà Vũ Phạm Bé Ba, Chủ tịch HĐND xã Trường Long A đã "trấn an" chúng tôi: "Knh nghiệm nuôi ba ba ở vùng này thì khó ai có thể qua mặt được anh Quang. Dù nguồn lãi hàng năm lên đến hàng tỷ đồng nhưng "ảnh" lại có lối giao tiếp rất bình dân, luôn có trách nhiệm với khách hàng mua ba ba giống...".
Anh Trần Hồng Quang kể: "Năm 1999, trước tình hình các loại thủy sản có đầu ra không ổn định, giá cả lại bấp bênh, tôi cũng bối rối không biết nuôi con gì. Trong một lần nghiên cứu tư liệu nuôi ba ba và trực tiếp đến tham quan mô hình nuôi ba ba thịt tại TP Cần Thơ, tôi đã đầu tư 24 triệu đồng (tương đương với 8 lượng vàng lúc bấy giờ) để xây dựng chuồng trại kiên cố và thả nuôi 2.000 con ba ba giống...".
Theo kinh nghiệm nuôi ba ba của bản thân anh Quang, mô hình nuôi ba ba tuy tốn kém và có vốn đầu tư ban đầu khá lớn nhưng thời gian thu hoạch sẽ kéo dài. Cạnh đó, loài bò sát này tương đối dễ nuôi; ít bị dịch bệnh.
"Nuôi ba ba quan trọng nhất là làm hầm nuôi phải rất chắc chắn. Vì nếu không chắc chắn, chúng có thể đào hang để thoát ra ngoài rất dễ dàng. Ba ba nuôi càng lâu thì giá bán càng cao. Người nuôi hoàn toàn có thể “neo” lại trong ao để chờ giá bán phù hợp mà không phải lo rớt giá, trong khi hao tốn thức ăn không nhiều như nuôi các loài thủy sản khác...".
Về nguồn thức ăn cho đàn ba ba, hiện nay mỗi ngày anh Quang cho 300.000 con ba ba giống và ba ba thịt thương phẩm ăn 2 lần trong ngày. Lần thứ nhất vào buổi sáng gồm cá biển, cá đồng xay nhuyễn; lần còn lại vào buổi chiều là đầu tôm thu mua từ các xí nghiệp chế biến thủy sản lân cận.
Theo ước tính của anh Quang, ba ba con sau thời gian nuôi 12 tháng là có thể xuất bán. Lúc này bình quân mỗi con ba ba có trọng lượng từ 5-6 lạng; giá bán dao động từ 120.000-150.000 đồng/kg. Những con trên 1 kg thì giá bán từ 200.000-300.000 đồng/kg. Thị trường tiêu thụ ba ba thịt thương phẩm là Hà Nội, Đà Nẵng, TP. HCM, Lâm Đồng, Quảng Ninh…
Những năm trở lại đây, nhu cầu ba ba giống tăng cao; anh Trần Hồng Quang đã đầu tư ấp trứng và bán ba ba giống với giá 5.500-6.000 đồng/con. Hiện anh Quang đang sở hữu khoảng 2.500 cặp ba ba bố mẹ để có được nguồn ba ba con mỗi năm trên 250.000 con.
Anh Quang kể thêm: Ba ba chỉ sinh sản tốt vào tháng 3 đến tháng 10 âm lịch. Riêng ba ba con khi vận chuyển phải đảm bảo nhiệt độ trung bình từ 21 đến 22 độ C. Mỗi năm ba ba mẹ có thể đẻ từ 7 đến 8 lần, mỗi lần từ 7 đến 20 trứng tùy thời tiết nóng hay ôn hòa. Nhờ làm tốt khâu chăm sóc nên tỷ lệ ba ba giống hao hụt chỉ khoảng 0,5% so với tổng đàn ba ba con.
Từ mô hình nuôi ba ba, anh Trần Hồng Quang đã thành tỷ phú ở miền Tây. Mỗi năm trừ tất cả các khoản chi phí đầu tư anh Quang có lãi trên 1 tỷ đồng từ việc bán ba ba giống; gần 1 tỷ đồng khác từ nguồn bán ba ba thịt thương phẩm. Đó là chưa kể đến thu nhập trên 100 triệu từ sản xuất lúa chất lượng cao. Năm 2017, anh còn tranh thủ các khoảng đất trống giữa các ao nuôi ba ba để trồng hơn 200 gốc sâu riêng, bưởi da xanh, xoài cát Hòa Lộc, dự kiến sẽ thu hoạch các loại trái cây này vào năm 2020.
Có thể bạn quan tâm
Ngoài giờ lên lớp, thầy Lê Minh Thuận (H.Tam Bình, Vĩnh Long) dành thời gian chăm sóc vườn dừa dứa xen lẫn bưởi da xanh, mang lại lợi nhuận trên 300 triệu đồng
Bón bằng phân sinh khối giun quế. Theo chu kỳ, toàn bộ diện tích này được chủ nhân phun bằng dung dịch ngâm giun quế và các chế phẩm sinh học.
Ông Lê Văn Hùng (Vĩnh Long) là một công nhân nhưng có máu đam mê trồng trọt. Sau một thời gian mưu sinh ở TP.HCM, ông đã về quê gắn bó với cây trái miệt vườn.