Doanh nghiệp Việt ngại nghiên cứu sâu về thị trường Trung Quốc
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, hoạt động xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường này lại đang gặp không ít khó khăn.
Bên lề của hội nghị, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn với thạc sỹ Hoàng Văn Dự, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, để tìm hiểu về vấn đề này.
Ông có thể cho biết quy mô của Trung tâm khi tham dự Hội nghị Giao thương Doanh nghiệp Việt-Trung lần này?
- Trung tâm Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn giao hàng năm phối hợp với các cơ quan hữu quan của Trung Quốc tổ chức các hội chợ triển lãm chuyên ngành nông nghiệp, đồng thời tổ chức các đoàn doanh nghiệp Việt Nam sang Trung Quốc để tham gia các hoạt động giao thương.
Năm nay là năm thứ bảy Trung tâm tổ chức đoàn doanh nghiệp sang giao thương với các doanh nghiệp Trung Quốc.
Đoàn gồm 54 đại biểu của 38 doanh nghiệp chuyên về các mặt hàng nông-lâm-thủy sản và thủ công mỹ nghệ. Chúng tôi đến Nam Ninh lần này để chào bán sản phẩm, đồng thời tìm hiểu các máy móc thiết bị và vật tư phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.
Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng của thị trường Trung Quốc?
- Với dân số hơn 1,3 tỷ người, Trung Quốc là thị trường rất lớn và là một thị trường trọng điểm đối với Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường này trong năm 2014 lên tới hơn 8 tỷ USD, chiếm khoảng 25% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của cả nước.
Do vậy, hàng năm, Chính phủ và Bộ Công thương cũng như Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn luôn dành ưu tiên cho hoạt động xúc tiến thương mại nhằm thúc đẩy xuất khẩu nông sản sang thị trường này.
Theo ông thì những thuận lợi và khó khăn của các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam khi thâm nhập thị trường Trung Quốc là gì?
- Các doanh nghiệp Việt Nam có rất nhiều thuận lợi trong hoạt động làm ăn với Trung Quốc. Hai nước có đường biên giới rất dài nên việc xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc rất thuận tiện, giảm được chi phí vận chuyển.
Bên cạnh đó, văn hóa và tập quán của hai nước tương đối giống nhau và sản phẩm của Việt Nam ngày càng được các khách hàng Trung Quốc ưa chuộng. Và điều quan trọng nhất là chúng ta có lợi thế cạnh tranh so với các nước khác trong lĩnh vực nông nghiệp.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, hoạt động xuất khẩu nông sản của các doanh nghiệp Việt Nam sang thị trường Trung Quốc gặp nhiều khó khăn do Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ, khiến cho các sản phẩm của Việt Nam trở nên đắt đỏ hơn so với các sản phẩm cùng loại của các nước như Ấn Độ và Bangladesh.
Một nguyên nhân khác khiến hoạt động xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc gặp nhiều khó khăn là do các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn thiếu thông tin về thị trường này.
Hệ thống tham tán thương mại của Việt Nam ở Trung Quốc tương đối đông nhưng hoạt động của đội ngũ này có hiệu quả nhưng chưa cao. Thông tin cung cấp cho các doanh nghiệp trong nước chưa được thường xuyên.
Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam ngại nghiên cứu sâu về thị trường Trung Quốc. Họ vẫn làm ăn theo kiểu phong trào nên không cân đối được lượng hàng hóa sản xuất ra, dẫn đến tình trạng sản xuất thừa.
Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam cũng gặp khó khăn do chính sách của Trung Quốc thường xuyên thay đổi. Họ luôn có hàng rào kỹ thuật để hạn chế xuất khẩu của Việt Nam.
Theo ông, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải làm gì để thúc đẩy xuất khẩu nông sản sang thị trường đầy tiềm năng này?
- Để tăng cường xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam sang thị trường Trung Quốc, về phía Nhà nước, chúng ta cần quan tâm hơn nữa tới hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư nhiều hơn cho hoạt động này. Hiện nay, mỗi năm, Nhà nước chi khoảng 100 tỷ đồng cho hoạt động xúc tiến thương mại, trong đó kinh phí xúc tiến xuất khẩu nông sản là khoảng 10 tỷ.
Theo nghiên cứu của WB, kinh phí xúc tiến thương mại của Việt Nam hiện chỉ bằng 1/30 mức bình quân của thế giới, bằng 1/15 kinh phí xúc tiến thương mại của Bangladesh và 1/12 của Thái Lan.
Về phần doanh nghiệp, họ cần tăng cường đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm để tăng sức cạnh tranh bởi vì, chỉ trong một thời gian ngắn sắp tới, các doanh nghiệp sẽ phải chịu sức ép rất lớn do thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng nông sản đều giảm về 0%.
Mặt khác, các doanh nghiệp phải quan tâm hơn nữa tới công tác nghiên cứu thị trường và đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại. Doanh nghiệp làm xúc tiến thương mại sẽ hiệu quả hơn Nhà nước. Các cơ quan Nhà nước chỉ đóng vai trò "bà đỡ" cho các doanh nghiệp.
Xin chân thành cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm

Thời gian gần đây, trên thị trường xuất hiện nhiều loại nông sản lạ như su hào tím, cà rốt nhiều màu, khoai tây tím, bắp cải tí hon… Không chỉ là sản phẩm dùng để trưng bày, làm cảnh, nhiều mặt hàng được cho là có giá trị dinh dưỡng cao, tốt cho sức khỏe.

Trong năm 2015, dự báo kim ngạch XK vào thị trường Australia tiếp tục tăng mạnh, đặc biệt đối với ngành hàng nông, thủy sản.

Tại hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất vụ hè thu, vụ mùa 2015 vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, bàn giải pháp chống hạn cho sản xuất vừa tổ chức tại Phú Yên, Bộ NN-PTNT đề ra kế hoạch vụ mùa đến toàn vùng chuyển đổi 8.891ha. Trong đó Tây Nguyên 4.466ha, vùng duyên hải Nam Trung Bộ 4.425ha, Phú Yên chuyển đổi 500ha sang trồng bắp, đậu các loại.

Ông Dương Huy Bảo, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Chánh, huyện Châu Thành (Trà Vinh) cho biết: Vụ lúa hè - thu, xã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Bảo vệ thực vật huyện; Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh; Công ty Trách nhiệm hữu hạn phân bón Lio Thái xây dựng cánh đồng lúa theo hướng VietGAP tại ấp Thanh Nguyên B với diện tích 100ha, có 46 hộ nông dân tham gia.

Tình trạng sông Ba Lai chưa được khép kín là nguyên nhân làm sản xuất nông nghiệp ở tỉnh Bến Tre bị thiếu nước.