Doanh nghiệp hải sản bắt tay chống IUU
Ủy ban Hải sản thuộc VASEP và nhiều DN xuất khẩu hải sản vừa cùng thống nhất kế hoạch hành động chống các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không được báo cáo và không được kiểm soát (IUU).
Tàu cá ở cảng Côn Đảo. (Ảnh: Hồng Thủy)
Đây là bước đi quan trọng để giúp cho hải sản Việt Nam không bị cảnh báo, không bị cấm nhập khẩu vào các thị trường quan trọng như EU, Mỹ…
Đến nay, đã có hàng chục quốc gia, vùng lãnh thổ bị EU áp dụng hình thức phạt thẻ do IUU, trong đó có cả những quốc gia, vùng lãnh thổ có đội tàu khai thác hải sản hiện đại.
Theo bà Nguyễn Thị Trang Nhung, Phó Vụ trưởng Vụ KHCN và HTQT (Tổng cục Thủy sản), đã có 24 quốc gia, vùng lãnh thổ bị EU áp dụng hình thức phạt thẻ. Trong đó, 13 quốc gia bị phạt thẻ nhưng đã được thu hồi nhờ hệ thống quản lý được cải thiện, gồm: Belize, Fiji, Ghana, Guinea, Panama, Papua New Guinea, Philippines, Hàn Quốc, Sri Lanka, Togo, Vanuatu, Curacao và Solomon Islands. 3 quốc gia đang bị thẻ đỏ là Campuchia, Conmoros và Saint Vincent & Grenadines. 8 quốc gia, vùng lãnh thổ đang bị thẻ vàng gồm Kiribati, Liberia, Saint Kitts & Nevis, Siera Leone, Đài Loan, Thái Lan, Trinidad & Tobago và Tuvalu.
Bị phạt thẻ, tổn thất của các quốc gia xuất khẩu hải sản vào EU là không nhỏ. Nếu quốc gia nào bị phạt thẻ vàng (cảnh báo chính thức của EU) sẽ tạo tâm lý e ngại cho các nhà bán lẻ ở EU đối với hải sản nhập khẩu từ quốc gia đó, và có thể thay thế bằng hải sản đến từ quốc gia khác. Còn quốc gia nào bị phạt thẻ đỏ, các sản phẩm hải sản khai thác của quốc gia ấy sẽ bị cấm nhập khẩu vào EU.
Ông Sean Patrick Marriott, chuyên gia tư vấn pháp luật về IUU (Dự án EU-MUTRAP), cho biết, năm 2012, Sri Lanka bị phạt thẻ đỏ trong 7 tháng, tổng doanh thu của ngành thủy sản nước này bị thiệt hại 75 triệu USD. Cũng trong năm 2012, Ghana bị phạt thẻ vàng trong 24 tháng, thiệt hại 100 triệu USD. Năm 2014, Philippines bị phạt thẻ vàng trong 12 tháng, thiệt hại 250 triệu USD. Năm 2015, Thái Lan bị phạt thẻ đỏ trong 12 tháng, thiệt hại 200 - 300 triệu USD. Và trong năm 2016 vừa qua, Đài Loan bị phạt thẻ vàng trong 12 tháng, thiệt hại 230 triệu USD.
Việt Nam chưa bị EU phạt thẻ nhưng cũng đang là điểm nóng về khai thác IUU ở các quốc gia Thái Bình Dương. Các quốc đảo Thái Bình Dương và một số nước ASEAN đang gây sức ép với EU về việc đưa ra các biện pháp thương mại đối với hải sản Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này.
Trước tình hình đó, mới đây Ủy ban Hải sản VASEP đã tổ chức họp các doanh nghiệp hải sản để thống nhất các giải pháp thực hiện tốt các quy định về IUU, đưa ra các giải pháp chống lại hoạt động khai thác IUU. Tại cuộc họp này, Ủy ban Hải sản VASEP và các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hải sản đã thống nhất một số kế hoạch hành động.
Trước hết là thành lập ngay một tổ công tác dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Hải sản, chọn ra các đại diện từ các DN tham gia tổ công tác. Tổ công tác IUU sẽ gồm các nhân viên chuyên làm chứng từ. Tổ sẽ sinh hoạt hàng tuần, tham gia họp cùng Tổng cục Thủy sản, tham mưu cho Tổng cục về các giải pháp và kế hoạch thực hiện. Tổ công tác IUU sẽ tổ chức họp mặt các DN với các chi cục thủy sản địa phương tại các cảng lớn để các chi cục cũng quan tâm vấn đề này.
Một số kế hoạch hành động khác như sau: Ủy ban Hải sản VASEP cùng với các DN hải sản nhất trí thành lập Quỹ cho hoạt động chống khai thác IUU; VASEP sẽ có thư ngỏ gửi DN hải sản, thiết lập cơ chế thành viên cho tổ công tác; thông báo cho EU về những công ty quan tâm tham gia chương trình chống IUU của VASEP; tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông về chiến dịch chống khai thác IUU của Việt Nam, để EU thấy từ Nhà nước tới DN và ngư dân tại Việt Nam đều quan tấm tối đa việc tuân thủ nghiêm túc quy định IUU; VASEP sẽ tổ chức buổi họp lớn về cam kết thực hiện IUU ngay đầu tháng 9…
Về phía quản lý Nhà nước, theo bà Nguyễn Thị Trang Nhung, các cơ quan chức năng đang thực hiện các biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn các tàu cá Việt Nam khai thác bất hợp pháp trên vùng biển của các nước ở khu vực Thái Bình Dương. Đồng thời tăng cường các biện pháp kiểm soát tại cảng ở các tỉnh/cảng nơi có “tàu xanh dương” (tàu đánh bắt hải sản trái phép) cập bến; tăng cường thanh kiểm tra sản lượng cập bến; triển khai kế hoạch theo dõi, kiểm tra, giám sát, thanh tra toàn diện dựa trên các tiêu chí đánh giá rủi ro rõ ràng và phân bổ các nguồn lực cần thiết để đạt được các mục tiêu; xây dựng kế hoạch mở rộng VMS (hệ thống quan sát tàu cá) cho đội tàu lớn hơn 90CV.
Bên cạnh đó là tăng cường hợp tác quốc tế chống IUU như hợp tác nghề cá và chống khai thác bất hợp pháp với các nước trong khu vực và các quốc đảo Thái Bình Dương; gia nhập Hiệp định về các biện pháp của quốc gia có cảng của FAO và Hiệp định đàn cá di cư của Liên hợp quốc.
Có thể bạn quan tâm
Tập đoàn Skretting vừa đưa ra thị trường thế hệ thức ăn mới có chứa các thành phần nguyên liệu hỗ trợ chức năng và bảo vệ sức khỏe cho tôm tên là Lorica
Mô hình sản xuất kết hợp lúa - cá là một hướng đi nhằm phát triển nông nghiệp bền vững, giảm ô nhiễm môi trường, duy trì môi trường sinh thái tự nhiên
Gần hai năm triển khai mô hình nuôi cá chạch sụn, chàng cán bộ sinh năm 1989 đã thành công khi thu về hơn 70 triệu đồng/năm.