Trang chủ / Tin tức / Tin thủy sản

Thành công từ mô hình chăn nuôi cá chạch sụn

Thành công từ mô hình chăn nuôi cá chạch sụn
Tác giả: Vân Anh
Ngày đăng: 08/09/2017

Dù đã có công việc ổn định trong cơ quan Nhà nước nhưng Hoàng Văn Cảnh (thôn Thổ Hoàng, Yên Hòa, Yên Mô) vẫn không ngừng vươn lên phát triển kinh tế. Gần hai năm triển khai mô hình nuôi cá chạch sụn, chàng cán bộ sinh năm 1989 đã thành công khi thu về hơn 70 triệu đồng/năm.

Anh Hoàng Văn Cảnh chăm sóc ao cá chạch sụn.

Năm 2012, sau khi tốt nghiệp Học viện Hành chính Quốc gia, anh Cảnh về nhận công tác tại UBND xã Yên Hòa. Tuy bận rộn với công việc Nhà nước, anh Cảnh vẫn dành thời gian tìm hiểu cách thức phát triển kinh tế của người dân nhiều nơi với mong muốn xây dựng mô hình kinh tế mới cho riêng mình.

Mãi đến năm 2015, những dự định ấp ủ của anh mới có cơ hội hiện thực hóa. Hòa cùng phong trào thanh niên lập thân lập nghiệp diễn ra sôi nổi trên toàn tỉnh, anh Cảnh mạnh dạn nuôi thử nghiệm mô hình cá chạch sụn trong ao. Đây là vật nuôi còn rất mới trên địa bàn, anh biết đến chúng khi tìm hiểu qua mạng Internet. Bằng sự năng động vốn có, anh chủ động liên hệ đi tìm hiểu thực tế mô hình tại thị trấn Quỹ (Nam Định).

Từ chuyến tham quan trở về, anh đã trang bị cho mình kiến thức cơ bản về cá chạch sụn. Đây là loài thủy sản có nguồn gốc từ Đài Loan, ở đó người ta gọi là chạch đại. Xương của chúng không cứng như xương cá mà rất mềm, chủ yếu dùng để chế biến món ăn trong các nhà hàng, khách sạn. Đặc biệt, cơ sở kinh doanh cam kết sẽ bán con giống và bao tiêu đầu ra cho sản phẩm nên anh càng tự tin hơn về quyết định phát triển mô hình của mình.

Đầu năm 2016, anh đầu tư số vốn 50 triệu đồng để cải tạo diện tích 1.800m2 ao và mua con giống. Những ngày đầu nuôi chạch anh cũng gặp những khó khăn nhất định. Anh cho biết: Chạch sụn có tập tính rất khác với chạch ta, chúng thường không lẩn trốn mà nổi lên mặt nước để tìm kiếm thức ăn. 

Do đó, quá trình nuôi chạch sụn không quá vất vả, chỉ cần chú ý cho ăn đúng giờ, nếu thấy chúng có biểu hiện ăn kém thì cần phải xem xét để xử lý kịp thời bằng cách thay nước hoặc dẫn thuốc đặc trị xuống ao. Ngoài ra, người nuôi cần phải chú ý về điều kiện nguồn nước, chất đất, lượng nước phù hợp. Mực nước tốt nhất để chạch sinh trưởng và phát triển đảm bảo là từ 60 đến 70 phân.

Nhìn chung, cá chạch sụn là loài tăng trưởng ổn định. Quá trình trưởng thành của chúng chỉ mất thời gian từ 4 đến 5 tháng. Nhờ nuôi đúng quy chuẩn và có sự đầu tư chăm sóc tốt, mô hình cá chạch sụn của anh Cảnh đã cho năng suất cao. 

Ngay năm đầu tiên, anh thu về gần 4 tạ chạch và bán với giá là 90 nghìn đồng/kg. Ngoài ra, anh còn cung cấp con giống cho thị trường, mức giá dao động từ 300 đến 700 đồng/con. Cùng với 20 vạn con giống được bán ra, uớc tính thu nhập bình quân cả năm đạt mức trên 70 triệu đồng.

Từ thành công ban đầu, anh Cảnh dự định sẽ tìm thêm nguồn đất để mở rộng diện tích nuôi chạch. Đặc biệt, anh chú trọng vào phát triển con giống, hướng dẫn bà con địa phương cùng nhân rộng mô hình, giúp nhau phát triển kinh tế nhằm nâng cao đời sống người dân trong xã.


Có thể bạn quan tâm

Ecuador xây dựng luật khai thác và nuôi trồng mới khi giá cá ngừ tăng Ecuador xây dựng luật khai thác và nuôi trồng mới khi giá cá ngừ tăng

Ecuador đang trong quá trình cập nhật luật khai thác và nuôi trồng thủy sản, trong khi giá cá ngừ vằn tại nước này đã tăng cao hơn so với mức chuẩn tại Bangkok,

08/09/2017
Lorica: Giải pháp mới bảo vệ sức khỏe đàn tôm nuôi Lorica: Giải pháp mới bảo vệ sức khỏe đàn tôm nuôi

Tập đoàn Skretting vừa đưa ra thị trường thế hệ thức ăn mới có chứa các thành phần nguyên liệu hỗ trợ chức năng và bảo vệ sức khỏe cho tôm tên là Lorica

08/09/2017
Phát triển mô hình lúa - cá theo hướng thâm canh, bán thâm canh Phát triển mô hình lúa - cá theo hướng thâm canh, bán thâm canh

Mô hình sản xuất kết hợp lúa - cá là một hướng đi nhằm phát triển nông nghiệp bền vững, giảm ô nhiễm môi trường, duy trì môi trường sinh thái tự nhiên

08/09/2017