Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Điểm Sáng Trong Sản Xuất Kinh Doanh Đất Rừng

Điểm Sáng Trong Sản Xuất Kinh Doanh Đất Rừng
Ngày đăng: 27/06/2014

Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ba Tơ (gọi tắt là Công ty Lâm nghiệp Ba Tơ) là một trong số rất ít đơn vị lâm nghiệp ở tỉnh ta đang trên đà làm ăn phát triển nhờ sản xuất kinh doanh đất rừng đạt hiệu quả cao.

Với chức năng chủ yếu là trồng rừng, chăm sóc, quản lý, bảo vệ rừng, năm 2009 Công ty Lâm nghiệp Ba Tơ đã được UBND tỉnh cho thuê 6.752 ha đất lâm nghiệp tại 10 xã và thị trấn thuộc huyện Ba Tơ với thời hạn 49 năm để sản xuất, kinh doanh lâm nghiệp.

Vượt khó đi lên

Trong những năm đầu, dù đã được chuyển đổi hình thức quản lý nhưng vẫn là đơn vị thuần túy sản xuất kinh doanh gỗ nguyên liệu, sản phẩm luôn nằm ở dạng dở dang và kéo dài trong nhiều năm (mỗi chu kỳ sản xuất kinh doanh ít nhất là 7 năm). Vì thế việc xoay vòng vốn kinh doanh luôn gặp khó khăn và thiếu chủ động.

Nhất là từ khi chuyển đổi (năm 2008) đến nay, Công ty không còn được vay vốn tín dụng dài hạn từ quỹ hỗ trợ đầu tư phát triển của Nhà nước mà phải vay thương mại với lãi suất cao.

Trong khi giá cả vật tư ngày càng leo thang làm cho giá thành đầu tư trồng rừng tăng vọt, nhưng giá bán gỗ nguyên liệu trên thị trường lại bấp bênh, lên xuống thất thường và luôn ở mức thấp so với các mặt hàng khác, đã làm cho Công ty gặp rất nhiều khó khăn trong việc khai thác và thu hồi vốn đầu tư để mở rộng sản xuất trong các chu kỳ tiếp theo.

Chẳng những thế, do việc trồng rừng là chu kỳ sản xuất kinh doanh dài hạn nên phải chịu nguy cơ dễ bị hỏa hoạn, thiên tai, bão lũ gây ra.

Như năm 2009, hai cơn bão số 9 và 11 đã gây thiệt hại cho Công ty hơn 20 tỷ đồng. Trong khi đó, nguồn lao động tại địa phương đa số trình độ vẫn còn thấp và lạc hậu. Tập quán canh tác của người dân bản địa đã ăn sâu vào tiềm thức của họ, nên việc phổ biến và truyền đạt những kỹ thuật sản xuất thâm canh rừng trồng chưa mang lại hiệu quả cao, làm ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, sản lượng gỗ khai thác hằng năm của Công ty.

Trước những khó khăn trên, ngay sau khi chuyển đổi, Công ty đã sắp xếp bộ máy hoạt động gọn nhẹ, từ Công ty đến các đội sản xuất, hộ nhận khoán, để từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Hiệu quả nhiều mặt

Mặc dù gặp không ít khó khăn trở ngại, nhưng kể từ khi chuyển đổi hình thức quản lý đến nay công ty đã sử dụng có hiệu quả diện tích đất rừng được giao.

Tại xã Ba Cung, Công ty đã sử dụng 2,15ha đất làm vườn ươm cây giống, hằng năm sản xuất giống cây lâm nghiệp đủ để phục vụ nhu cầu trồng rừng của Công ty và cung ứng cho nhân dân địa phương. Đối với diện tích rừng tự nhiên sản xuất (gồm 2.902ha), kể từ khi được thuê, Công ty luôn làm tốt nhiệm vụ quản lý bảo vệ nên rừng được giữ nguyên trạng, không bị chặt phá, lấn chiếm trái phép.

Trong khi đó, với diện tích đất có rừng sản xuất, Công ty đã tổ chức đầu tư trồng rừng nguyên liệu trên 2.620ha tại 8 xã và thị trấn bằng 2 hình thức khoán công đoạn (323,7ha) và khoán theo chu kỳ (gần 2.280ha). Cách làm này đã thu hút 1.935 lượt hộ tham gia, bình quân 1,18ha/lượt hộ. Đáng kể có hộ có diện tích nhận khoán lớn nhất gần 50ha (rừng trồng kế hoạch năm 2007).

Nhờ duy trì các hình thức khoán công đoạn và khoán theo chu kỳ mà hằng năm Công ty đã trồng mới được từ 300-350ha rừng. Chăm sóc rừng năm 2 và năm 3 từ 600-700ha. Đồng thời khai thác rừng trồng nguyên liệu từ 250-300ha. Qua đó thu hút được lực lượng lao động là người dân địa phương và các vùng lân cận tham gia, mỗi năm từ 80-90 ngàn ngày công.

Hằng năm, khai thác rừng đến đâu, Công ty tổ chức trồng lại rừng đến đó. Vì vậy, đất có rừng luôn đảm bảo đạt từ 90-95% so với tổng diện tích đất được giao, góp phần vào việc phủ xanh đất trống, đồi trọc, nâng tỷ lệ độ che phủ đất có rừng trên địa bàn của từng địa phương ngày càng cao.

Qua 8 năm thực hiện khai thác gỗ rừng trồng nguyên liệu, thu hồi sản phẩm và ăn chia sản phẩm gỗ theo hợp đồng với hộ nhận khoán, Công ty đã khai thác trên 2.100ha rừng, với tổng sản lượng gỗ vượt khoán dôi dư để hộ được hưởng là 94.104m3, bình quân mỗi hecta vượt khoán 45m3.

Thu nhập vượt khoán để các hộ được hưởng trên 35 tỷ đồng. Tổng giá trị thu nhập từ việc nhận khoán rừng trồng đến kỳ khai thác của các hộ dân và công nhân của Công ty qua 8 năm thực hiện khai thác đạt gần 44 tỷ đồng, bình quân thu nhập mỗi hecta đạt gần 21 triệu đồng/chu kỳ.

Đối với Công ty, việc thực hiện dự án trồng rừng nguyên liệu cũng đã mang lại mức lợi nhuận bình quân mỗi năm từ 2,5-3 tỷ đồng (sau khi hoàn trả đầy đủ vốn vay và lãi ngân hàng). Đời sống của cán bộ công nhân viên và người lao động từng bước được nâng lên rõ rệt.


Có thể bạn quan tâm

Còn Nhiều Bất Cập Trong Tiêu Thụ Nông Sản Cho Nông Dân Còn Nhiều Bất Cập Trong Tiêu Thụ Nông Sản Cho Nông Dân

Vấn đề tìm đầu ra cho nông sản đã trở thành một vòng luẩn quẩn trong sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, câu chuyện “được mùa rớt giá”, “được giá mất mùa” cũng là nỗi lo thường trực của nông dân và các ngành chuyên môn.

18/08/2014
Huyện Yên Định 15 Ha Rau An Toàn Đạt Tiêu Chuẩn VietGAP Huyện Yên Định 15 Ha Rau An Toàn Đạt Tiêu Chuẩn VietGAP

Thời gian qua, huyện Yên Định đã có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích người dân trồng rau an toàn, như: Hỗ trợ đất đai, chuyển giao khoa học công nghệ, liên kết đấu mối với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho người dân, quy hoạch thành vùng sản xuất chuyên canh...

18/08/2014
Thị Xã Sầm Sơn Triển Khai Du Nhập Nghề Câu Cá Ngừ Đại Dương Thị Xã Sầm Sơn Triển Khai Du Nhập Nghề Câu Cá Ngừ Đại Dương

7 tháng đầu năm, sản lượng khai thác thủy sản của thị xã đạt 11.566 tấn, bằng 61,5% so với kế hoạch, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2013. Ngoài việc bảo đảm về sản lượng khai thác, nhiều tàu cá với trang thiết bị ngày càng hiện đại đã khai thác được nhiều sản phẩm có giá trị cao như cá ngàng, cá ngừ...

18/08/2014
Mục Tiêu 500.000ha Cây Trồng Được Tưới Hiện Đại Mục Tiêu 500.000ha Cây Trồng Được Tưới Hiện Đại

Một trong những mục tiêu của Đề án “tái cơ cấu ngành thủy lợi” là phát triển một nền nông nghiệp chủ động tưới, tiêu theo hướng hiện đại: Đẩy mạnh trên diện rộng các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho các cây trồng cạn chủ lực như càphê, hồ tiêu, chè, cây điều, cây mía, cây ăn quả, rau, hoa…

18/08/2014
Nâng Giá Trị Xuất Cá Tra Phải Chuẩn Hóa Từ Đầu Vào Đến Đầu Ra Nâng Giá Trị Xuất Cá Tra Phải Chuẩn Hóa Từ Đầu Vào Đến Đầu Ra

Trước tình trạng sản xuất manh mún, cung vượt cầu của sản phẩm cá tra và sự thiếu liên kết giữa nhà sản xuất và doanh nghiệp, sự ra đời của Nghị định 36/2014/NĐ-CP được kỳ vọng sẽ góp phần chuẩn hóa ngành nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra từ đầu vào đến đầu ra, mở hướng đi mới, phát tiển bền vững cho toàn ngành.

18/08/2014