Điểm Sáng Trong Sản Xuất Kinh Doanh Đất Rừng
Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ba Tơ (gọi tắt là Công ty Lâm nghiệp Ba Tơ) là một trong số rất ít đơn vị lâm nghiệp ở tỉnh ta đang trên đà làm ăn phát triển nhờ sản xuất kinh doanh đất rừng đạt hiệu quả cao.
Với chức năng chủ yếu là trồng rừng, chăm sóc, quản lý, bảo vệ rừng, năm 2009 Công ty Lâm nghiệp Ba Tơ đã được UBND tỉnh cho thuê 6.752 ha đất lâm nghiệp tại 10 xã và thị trấn thuộc huyện Ba Tơ với thời hạn 49 năm để sản xuất, kinh doanh lâm nghiệp.
Vượt khó đi lên
Trong những năm đầu, dù đã được chuyển đổi hình thức quản lý nhưng vẫn là đơn vị thuần túy sản xuất kinh doanh gỗ nguyên liệu, sản phẩm luôn nằm ở dạng dở dang và kéo dài trong nhiều năm (mỗi chu kỳ sản xuất kinh doanh ít nhất là 7 năm). Vì thế việc xoay vòng vốn kinh doanh luôn gặp khó khăn và thiếu chủ động.
Nhất là từ khi chuyển đổi (năm 2008) đến nay, Công ty không còn được vay vốn tín dụng dài hạn từ quỹ hỗ trợ đầu tư phát triển của Nhà nước mà phải vay thương mại với lãi suất cao.
Trong khi giá cả vật tư ngày càng leo thang làm cho giá thành đầu tư trồng rừng tăng vọt, nhưng giá bán gỗ nguyên liệu trên thị trường lại bấp bênh, lên xuống thất thường và luôn ở mức thấp so với các mặt hàng khác, đã làm cho Công ty gặp rất nhiều khó khăn trong việc khai thác và thu hồi vốn đầu tư để mở rộng sản xuất trong các chu kỳ tiếp theo.
Chẳng những thế, do việc trồng rừng là chu kỳ sản xuất kinh doanh dài hạn nên phải chịu nguy cơ dễ bị hỏa hoạn, thiên tai, bão lũ gây ra.
Như năm 2009, hai cơn bão số 9 và 11 đã gây thiệt hại cho Công ty hơn 20 tỷ đồng. Trong khi đó, nguồn lao động tại địa phương đa số trình độ vẫn còn thấp và lạc hậu. Tập quán canh tác của người dân bản địa đã ăn sâu vào tiềm thức của họ, nên việc phổ biến và truyền đạt những kỹ thuật sản xuất thâm canh rừng trồng chưa mang lại hiệu quả cao, làm ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, sản lượng gỗ khai thác hằng năm của Công ty.
Trước những khó khăn trên, ngay sau khi chuyển đổi, Công ty đã sắp xếp bộ máy hoạt động gọn nhẹ, từ Công ty đến các đội sản xuất, hộ nhận khoán, để từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Hiệu quả nhiều mặt
Mặc dù gặp không ít khó khăn trở ngại, nhưng kể từ khi chuyển đổi hình thức quản lý đến nay công ty đã sử dụng có hiệu quả diện tích đất rừng được giao.
Tại xã Ba Cung, Công ty đã sử dụng 2,15ha đất làm vườn ươm cây giống, hằng năm sản xuất giống cây lâm nghiệp đủ để phục vụ nhu cầu trồng rừng của Công ty và cung ứng cho nhân dân địa phương. Đối với diện tích rừng tự nhiên sản xuất (gồm 2.902ha), kể từ khi được thuê, Công ty luôn làm tốt nhiệm vụ quản lý bảo vệ nên rừng được giữ nguyên trạng, không bị chặt phá, lấn chiếm trái phép.
Trong khi đó, với diện tích đất có rừng sản xuất, Công ty đã tổ chức đầu tư trồng rừng nguyên liệu trên 2.620ha tại 8 xã và thị trấn bằng 2 hình thức khoán công đoạn (323,7ha) và khoán theo chu kỳ (gần 2.280ha). Cách làm này đã thu hút 1.935 lượt hộ tham gia, bình quân 1,18ha/lượt hộ. Đáng kể có hộ có diện tích nhận khoán lớn nhất gần 50ha (rừng trồng kế hoạch năm 2007).
Nhờ duy trì các hình thức khoán công đoạn và khoán theo chu kỳ mà hằng năm Công ty đã trồng mới được từ 300-350ha rừng. Chăm sóc rừng năm 2 và năm 3 từ 600-700ha. Đồng thời khai thác rừng trồng nguyên liệu từ 250-300ha. Qua đó thu hút được lực lượng lao động là người dân địa phương và các vùng lân cận tham gia, mỗi năm từ 80-90 ngàn ngày công.
Hằng năm, khai thác rừng đến đâu, Công ty tổ chức trồng lại rừng đến đó. Vì vậy, đất có rừng luôn đảm bảo đạt từ 90-95% so với tổng diện tích đất được giao, góp phần vào việc phủ xanh đất trống, đồi trọc, nâng tỷ lệ độ che phủ đất có rừng trên địa bàn của từng địa phương ngày càng cao.
Qua 8 năm thực hiện khai thác gỗ rừng trồng nguyên liệu, thu hồi sản phẩm và ăn chia sản phẩm gỗ theo hợp đồng với hộ nhận khoán, Công ty đã khai thác trên 2.100ha rừng, với tổng sản lượng gỗ vượt khoán dôi dư để hộ được hưởng là 94.104m3, bình quân mỗi hecta vượt khoán 45m3.
Thu nhập vượt khoán để các hộ được hưởng trên 35 tỷ đồng. Tổng giá trị thu nhập từ việc nhận khoán rừng trồng đến kỳ khai thác của các hộ dân và công nhân của Công ty qua 8 năm thực hiện khai thác đạt gần 44 tỷ đồng, bình quân thu nhập mỗi hecta đạt gần 21 triệu đồng/chu kỳ.
Đối với Công ty, việc thực hiện dự án trồng rừng nguyên liệu cũng đã mang lại mức lợi nhuận bình quân mỗi năm từ 2,5-3 tỷ đồng (sau khi hoàn trả đầy đủ vốn vay và lãi ngân hàng). Đời sống của cán bộ công nhân viên và người lao động từng bước được nâng lên rõ rệt.
Related news
Những ngày qua, giá lúa khô trên địa bàn huyện Vị Thủy (Hậu Giang) có chiều hướng tăng cao sau thời gian sụt giảm. Cụ thể, giá lúa OM 4900 được mua với giá 6.000 đồng/kg, các giống còn lại từ 5.500 - 5.800 đồng/kg tùy loại.
Trong khi nhà vườn trồng nhãn da bò khu vực ĐBSCL đang đau đầu với dịch bệnh chổi rồng thì tại vườn của ông Tô Văn Bảy (Bảy Tô, 56 tuổi, ngụ ấp An Thạnh, xã An Bình - Long Hồ - Vĩnh Long) có 2 cây nhãn da bò không nhiễm bệnh và đang tươi tốt.
Từ đầu năm đến nay, UBND huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) đã chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với chính quyền địa phương tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh đốm nâu trên cây thanh long và hướng dẫn tiêu hủy cành, trái bị bệnh bằng chế phẩm sinh học BIO-ADB để làm phân bón.
Tổ hợp tác (THT) quýt đường Vĩnh Thới, huyện Lai Vung (Đồng Tháp) đã thành lập và đi vào hoạt động được 2 năm với những người cùng chung ý tưởng muốn nâng cao giá trị mặt hàng quýt đường bằng việc xây dựng quy trình sản xuất GlobalGAP.
Vào thời điểm này, nông dân trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đang bước vào mùa thu hoạch rộ khóm chính vụ. Điều phấn khởi của bà con trong lúc này là giá khóm đang tăng gần 1.000 đồng/trái so với thời điểm đầu tháng 3 và tăng khoảng 1.500 đồng/trái so với cùng kỳ năm rồi.