Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Dịch chuyển mùa trái chín

Dịch chuyển mùa trái chín
Ngày đăng: 16/09/2015

Ở nhiều nơi thuộc Bắc bộ như Hà Nội, Phú Thọ, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Giang… đã có nhiều nông dân biết sáng tạo và ứng dụng kỹ thuật “điều khiển” cho trái chín muộn để bán được giá cao hơn, không phải thu hoạch cấp tập, không để tư thương chèn ép.

Thu tiền tỷ nhờ trái chín muộn

Ở miền Bắc, vào đầu mùa hè từ nhiều đời nay mùa vải chín và nhãn chín gần như song hành hoặc chỉ chêch lệch nhau độ 1 tháng. Bởi thế, năm nào cũng cứ đến mùa vải thiều chín là hàng ngàn hộ nông dân ở các huyện Lục Nam, Lục Ngạn (Bắc Giang), Thanh Hà (Hải Dương) lại nháo nhào lo đi tìm thị trường tiêu thụ.

Rồi vùng nhãn lồng Khoái Châu, Kim Động, Văn Lâm, Mỹ Lâm (Hưng Yên) và cả vựa nhãn Hòa Bình, Sơn La… cũng rơi vào cảnh tương tự. Do vải và nhãn chín rộ vào một thời điểm nên bà con cũng phải cấp tập thu hoạch trong vòng 1 - 2 tuần. Vì thế đầu vụ thì có giá cao, ai cũng vui mừng nhưng đến giữa vụ là bị tư thương đua nhau ép giá xuống còn 30% - 50%, sản lượng nhiều mà thu nhập chẳng bao nhiêu…

Trong khi đó, ở ngoại thành Hà Nội, từ khoảng hơn 10 năm nay có một vựa nhãn trải dài hàng trăm hécta dọc theo sông Đáy thuộc các huyện Quốc Oai và Hoài Đức, hàng trăm nông dân lại phất lên nhờ trồng nhãn chín muộn.

Bằng kỹ thuật lai ghép, nông dân ở đây có thể “điều khiển” cho cây nhãn, vải ra hoa, đậu trái và chín sau khoảng 1 tháng so với mùa vụ chung. Nhờ vậy, mùa nhãn vải ở miền Bắc có thể kéo dài từ tháng 6 - 7 đến tận tháng 8 - 9.

Nhớ lại cách đây 2 tháng, khi ở nhiều nơi nông dân đang rầm rộ thu hoạch nhãn, vải dọc con đê sông Đáy, cả một vựa nhãn xanh mướt của huyện Hoài Đức quả vẫn đang xanh. Tôi dừng xe hỏi một chủ trại tại sao còn chưa trẩy hái, lão nông vui vẻ: “Đây là giống nhãn chín muộn, khi nào nhãn miền Bắc trẩy bán hết thì trái của chúng tôi mới chín, lúc đó bán mới có giá cao, lại không lo bị cạnh tranh, dìm giá”.

Khoảng 1 - 2 tuần nay, trở lại huyện Hoài Đức và Quốc Oai, quả nhiên nơi đây mới bắt đầu vào mùa nhãn chín. Dọc những con đường vào các làng nhãn, xe tải lớn nhỏ tấp nập vào ra. Tư thương ở khắp nơi cũng đổ về từ sáng sớm để săn mua hàng chở ngược ra Hà Nội, đưa lên xe vào miền Nam. Từ đê sông Đáy, tôi hỏi đường tới nhà ông Triệu Tiến Ích, một trong những người có công nghiên cứu và lai tạo giống nhãn chín muộn, ở thôn Lai Dụ xã An Thượng (Hoài Đức-Hà Nội) để tìm hiểu thêm về giống nhãn chín muộn. Ông Ích hiện đang là một chủ trang trại nhãn hơn 10ha ở An Thượng.

Ngồi dưới vườn nhãn sum sê trái, ông Ích kể lại, cách đây khoảng 20 năm, cứ sau khi vãn vụ nhãn vải miền Bắc là có rất nhiều nhãn vải ở miền Nam và Thái Lan được tư thương đưa ra Bắc bán với giá cao nhưng lại không ngon bằng nhãn Bắc.

Do đó, ông Ích nảy ra ý tưởng tìm cách lai tạo, ghép mắt để cho ra một loại nhãn có thể chín muộn hơn nhãn bình thường. Thế là ông cùng nhiều nông dân trong vùng lặn lội đi khắp miền Bắc sưu tầm các giống nhãn khác nhau, mày mò nghiên cứu lai tạo với loại nhãn lồng bản địa. Sau hàng trăm lần lai ghép, đến nay đã cho ra đời giống nhãn lồng chín muộn chất lượng, năng suất vượt trội hơn mọi loại nhãn khác (trái to hơn, cùi dày, vỏ đẹp).

Trong số 7 giống nhãn chín muộn được lai tạo, giống nhãn HTM 1 của Hà Nội cùng với hai giống khác (PHM 99-1 và 2) của tỉnh Hưng Yên nghiên cứu đã được Hội đồng khoa học công nghệ của Bộ NN-PTNT công nhận là giống nhãn chín muộn. Hiện ông Triệu Tiến Ích đang thu tiền tỷ nhờ sở hữu một trang trại nhãn hơn 800 gốc nhãn chín muộn, sản lượng thu khoảng 30 - 40 tấn/năm.

Rời xã An Thượng, tôi tiếp tục tìm về thôn Đại Tảo, xã Đại Thành thuộc huyện Quốc Oai (Hà Nội) vì nghe nói ở đây có cây nhãn tổ đã 130 tuổi. Ông Nguyễn Văn Thành, ngoài 50 tuổi hiện là người được cả dòng họ giao trách nhiệm chăm sóc cây nhãn tổ Đại Thành cho biết, những người trồng nhãn Đại Thành đã chuyển sang trồng nhãn chín muộn từ gần 10 năm nay.

Nếu nhãn Sơn La, Hòa Bình, Lai Châu, Yên Bái… thường chín vào tháng 6 - 7, còn nhãn Hưng Yên chín vào tháng 8 thì tới tận tháng 9 nhãn Đại Thành mới chín; nhiều năm, nhãn Đại Thành bán ra thị trường tới tận quá rằm Trung thu.

Mời tôi vào ngôi nhà cổ nằm giữa vườn nhãn, ông Thành kể: “Lúc đầu, nhãn chín muộn của chúng tôi mang ra Hà Nội thường bị bà con cho là nhãn Trung Quốc. Không ai tin rằng tháng 8 và 9 mà lại còn nhãn để bán khắp chợ như thế”

. Để không bị mắc tiếng oan, ông Thành đã đứng lên thành lập hội những người trồng nhãn chín muộn để làm hồ sơ thủ tục gửi lên các cơ quan chức năng đề nghị về tham quan khảo sát và cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý cũng như cấp tên (thương hiệu) cho nhãn chín muộn.

Cũng từ đó, hàng ngàn nông dân trong vùng Quốc Oai, Hoài Đức tìm về mua giống hoặc thuê người dân Đại Thành tới các vườn trại của họ để đốn bỏ giống nhãn cũ, chuyển sang ghép mắt với giống nhãn chín muộn bởi không chỉ có giá cao, có thể kéo giãn mùa vụ mà trái còn to hơn và ngon hơn.

Chỉ tay ra phía bờ sông, ông Thành nói: “Chú em tôi hiện nay là chuyên gia về ghép mắt nhãn muộn, cả vạn cây nhãn của bà con trồng dọc sông Đáy đều do chú em tôi làm”.

Theo ông Thành, chỉ riêng ở xã Đại Thành hiện đang có hơn 600 hộ gia đình trồng nhãn chín muộn. Mùa nhãn miền Bắc hiện nay chín vào ba thời điểm, gồm nhãn chín sớm (tháng 6), chính vụ (tháng 7) và chín muộn (tháng 8 tại tỉnh Hưng Yên, tháng 9 tại Hà Nội).

Nếu trồng nhãn thường, chín vào chính vụ tháng 6 - 7 thì chỉ bán được 13.000 - 15.000 đồng nhưng nếu là nhãn chín muộn thì hiện có giá tới 35.000 - 40.000 đồng/kg. “Nhờ trồng nhãn chín muộn, nhiều gia đình đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng đến cả tỷ đồng mỗi năm. Doanh thu trung bình khoảng 700 - 800 triệu đồng/ha” - ông Thành nói. Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) đã cấp giấy chứng nhận thương hiệu “nhãn chín muộn Đại Thành”.

Ông Trần Xuân Việt, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, hiện Hà Nội đã trồng được hơn 500ha nhãn muộn và tổng sản lượng mỗi năm đạt khoảng hơn 2.000 tấn. Chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng gia tăng giá trị là một trong những cơ sở để giúp nông dân làm giàu, đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới của Hà Nội.

Trái cây Việt “đi Tây”

Theo ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), không chỉ Hà Nội mà tại Hưng Yên, Bắc Giang và nhiều địa phương khác hiện cũng đều đang đầu tư nghiên cứu và nhân rộng các mô hình trái cây chín muộn, nói đúng hơn là kéo dài thời vụ thu hoạch, nâng cao chất lượng để bán được giá cao hơn, tăng thu nhập cho người nông dân.

Tại tỉnh Bắc Giang, trong vụ thu hoạch vải thiều vừa qua, nông dân đã có một năm bội thu với tổng sản lượng 195.000 tấn, giá bán trung bình 15.000 đồng/kg.

Còn tại tỉnh Hưng Yên, hiện nay trong số hơn 3.000ha nhãn trồng tập trung thì có khoảng 40% là nhãn chín muộn. Sở NN-PTNT tỉnh Hưng Yên cho biết, việc cơ cấu lại mùa vụ trái cây đã giúp bà con nông dân không phải bán đổ bán tháo trái cây khi vào chính vụ như trước nữa.

Vải thiều Bắc Giang được sơ chế, chiếu xạ để xuất khẩu sang Australia

Ông Ma Quang Trung cũng cho biết thêm, trong khi cơ cấu mùa vụ đã được “giãn” ra thì thị trường tiêu thụ cho trái cây cũng đang mở nhiều tín hiệu và triển vọng mới. Việt Nam hiện có khoảng 90.000ha nhãn (trong đó 50% ở miền Bắc, còn lại là miền Trung và miền Nam) và khoảng hơn 40.000ha vải thiều (chỉ có ở miền Bắc) song nhiều năm qua, nhãn chủ yếu tiêu dùng nội địa, một phần vải thiều được xuất khẩu sang Trung Quốc.

Nhưng hiện nay, nhờ nỗ lực của các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây và các bộ có liên quan, nhãn và vải thiều của Việt Nam đã được phép xuất khẩu vào các thị trường lớn như Mỹ, Australia… Còn theo ông Hoàng Trung, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, sau khi vải thiều Bắc Giang được xuất vào thị trường Australia, hiện nay nhãn chín muộn Hà Nội và Hưng Yên cũng đang được hoàn tất các thủ tục để xuất vào thị trường Mỹ.

Công ty Ánh Dương Sao của TPHCM đã ra làm việc với các hộ nông dân tại Hoài Đức, Hà Nội và cho biết, trái nhãn chín muộn Hoài Đức đạt yêu cầu về chất lượng, mẫu mã để xuất khẩu. Năm nay, công ty sẽ đưa thử nghiệm 900 tấn nhãn muộn sang Hoa Kỳ. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cũng cho biết, Nhật Bản hiện cũng đang xem xét để nhập khẩu vải thiều Việt Nam vào thị trường nước này.


Có thể bạn quan tâm

Nghề Nuôi Cá Lồng Biển Ở Trường Sa Nghề Nuôi Cá Lồng Biển Ở Trường Sa

Ngoài nhiệm vụ chính là canh giữ biển trời thiêng liêng của Tổ quốc, các chiến sĩ ở đảo còn thuần hóa thành công một số giống cá nước lợ được mang ra từ đất liền để nuôi trong môi trường nước mặn theo công nghệ nuôi cá lồng biển của Na Uy.

30/06/2014
Khoai Lang Tím Nhật Tiếp Tục Giảm Còn 290.000 Đ/tạ Khoai Lang Tím Nhật Tiếp Tục Giảm Còn 290.000 Đ/tạ

Sau khi giảm xuống ở mức giá 350.000 đ/tạ vào tuần trước, đầu tuần này ở Vĩnh Long, giá khoai lang lang tím Nhật (củ từ 50g trở lên) tiếp tục giảm còn 290.000 đ/tạ đối với khoai đẹp, khoai “xấu hơn” 220.000 đ/tạ, khoai dạt giá 5.000 - 10.000 đ/tạ.

12/06/2014
Thiếu Thông Tin, Mất Cơ Hội Thiếu Thông Tin, Mất Cơ Hội

UBND tỉnh Đồng Nai vừa có đợt làm việc tại Hàn Quốc vào cuối tháng 5-2014, bàn về hợp tác trong sản xuất, cung ứng những mặt hàng nông sản, thực phẩm vào thị trường này. Trong đó, mặt hàng trái cây được Hàn Quốc đánh giá cao và đặt vấn đề hợp tác xuất khẩu.

12/06/2014
Mùa Con Ong Về Tràm Mùa Con Ong Về Tràm

Tháng 4, khi những cơn mưa rào xuất hiện, rừng tràm nhuốm một màu xanh sáng của lá non. Những nách lá non ấy, hàng ngày tiết ra bao nhiêu giọt mật ngọt sóng sánh. Thời điểm này, những người làm nghề nuôi ong dạo bắt đầu chở ong về những cánh rừng tràm, chắt lọc nguồn mật ong quý do thiên nhiên ban tặng…

30/06/2014
Đối Thoại Với Doanh Nghiệp Thu Mua Dừa Trái Đối Thoại Với Doanh Nghiệp Thu Mua Dừa Trái

Ngày 6-6-2014, Hiệp hội dừa Bến Tre phối hợp với Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Bến Tre, UBND xã Hương Mỹ (Mỏ Cày Nam, Bến Tre) tổ chức buổi đối thoại giữa nông dân và doanh nghiệp thu mua dừa trái. Có gần 50 nông hộ trồng dừa trên địa bàn xã Hương Mỹ tham dự.

12/06/2014