Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Đề xuất sửa đổi quy định về chế biến, xuất khẩu cá tra

Đề xuất sửa đổi quy định về chế biến, xuất khẩu cá tra
Ngày đăng: 21/11/2015

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, sau hơn một năm triển khai thực hiện, Nghị định 36/2014/NĐ-CP đã có những tác động tích cực củng cố và thúc đẩy phát triển ngành hàng cá Tra.

Quy hoạch tổng thể nuôi các Tra vùng Đồng bằng sông Cửu Long được rà soát, phù hợp với nhu cầu thị trường; nhiều vùng nuôi đã ứng dụng và được chứng nhận GAP hướng đến nuôi bền vững về chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường; liên kết trong nuôi, chế biến cá Tra được hình thành và thúc đẩy rõ rệt hơn;

Thông tin nuôi, chế biến và xuất khẩu cá Tra được cập nhật, chính xác và chi tiết hơn, là cơ sở để quản lý và chỉ đạo sản xuất, tiêu thụ cá Tra.

Đến nay có khoảng 2.500 ha nuôi cá Tra thương phẩm ứng dụng và được chứng nhận thực hành nuôi trồng thủy sản tốt.

Theo báo cáo của Hiệp hội cá Tra Việt Nam, tính đến ngày 30/9/2015, đã có 203 doanh nghiệp thực hiện đăng ký hợp đồng xuất khẩu, tổng số hồ sơ được xác nhận là 16.560 bộ, gồm 20.980 lô hàng với tổng khối lượng sản phẩm cá Tra các loại đăng ký xuất khẩu là 739.653 tấn.

Bên cạnh đó, việc triển khai Nghị định 36/2014/NĐ-CP cũng có những khó khăn nảy sinh.

Cụ thể, các quy định tại điểm b, điểm c Khoản 3 Điều 6 của Nghị định 36/2014/NĐ-CP về sản phẩm cá Tra phi lê đông lạnh xuất khẩu có hàm lượng nước không được vượt quá 83%, tỷ lệ mạ băng không được vượt quá 10% nhằm định hướng phát triển ngành hàng tới sản xuất sản phẩm cá Tra phi lê đông lạnh xuất khẩu chất lượng, nâng cao hình ảnh, uy tín của cá Tra Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Từ tháng 9/2014 – 6/2015, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học nhằm đánh giá và xác định tỷ lệ nước tự nhiên có trong cá Tra nguyên liệu; kết quả cho thấy hàm lượng ẩm từ 83% – 86% là giới hạn cho phép bảo đảm chất lượng và cảm quan của sản phẩm cá Tra phi lê, nếu vượt quá 86% chất lượng bị giảm và coi như lạm dụng và gian lận thương mại.

Mặt khác, sản phẩm cá Tra phi lê đông lạnh có hàm lượng nước từ 83% trở xuống chỉ chiếm 3,03%, trong khi sản phẩm có hàm lượng nước lớn hơn 86% chiếm tới 75,32%.

Sản phẩm phi lê cá Tra có tỷ lệ mạ băng nhỏ hơn hoặc bằng 10% chiếm 49,35% sản phẩm có tỷ lệ mạ băng trên 20% chiếm 16,02%.

Trong các tháng 4 – 5/2015, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn điều tra hiện trạng xuất khẩu sản phẩm cá Tra phi lê đông lạnh tại 26 doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá Tra, kết quả cho thấy các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá Tra hiện đang sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm cá Tra phi lê đông lạnh có hàm lượng nước từ 83% - 89%, mạ băng từ 10% – 30%.

Trong bối cảnh nhu cầu của thị trường yếu, các nhà nhập khẩu chưa chấp nhận tăng giá do tăng chất lượng, để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm cá Tra và cần có lộ trình thích hợp để nâng cao chất lượng sản phẩm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất quy định: Tỷ lệ mạ băng (tỷ lệ nước mạ băng trên trọng lượng tổng) đối với sản phẩm cá Tra xuất khẩu phải phù hợp với quy định của nước nhập khẩu.

Các trường hợp khác tỷ lệ mạ băng không được vượt quá 30%.

Hàm lượng nước tối đa không được vượt quá 86% so với khối lượng tịnh (khối lượng cá tra phi lê sau khi loại bỏ lớp mạ băng) của sản phẩm.

Đăng ký hợp đồng xuất khẩu sản phẩm cá Tra

Theo Nghị định 36/2014/NĐ-CP, thương nhân xuất khẩu sản phẩm cá Tra phải đăng ký hợp đồng xuất khẩu sản phẩm cá Tra với Hiệp hội cá Tra Việt Nam.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mục đích của việc đăng ký hợp đồng xuất khẩu sản phẩm cá Tra với Hiệp hội cá Tra Việt Nam là khâu kiểm soát cuối cùng trong chuỗi giá trị sản xuất của sản phẩm cá Tra, cân đối cung cầu giữa nhu cầu thị trường và sản xuất nguyên liệu, tạo động lực để các bên tham gia liên kết, hạn chế cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp.

Đảm bảo truy xuất nguồn gốc, quản lý chất lượng sản phẩm và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện đã phát sinh thêm thủ tục hành chính.

Để tạo điều kiện cho các thương nhân xuất khẩu mà vẫn kiểm soát được chất lượng toàn chuỗi sản xuất, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất sửa đổi theo hướng bãi bỏ thủ tục hồ sơ đăng ký với Hiệp hội cá Tra Việt Nam thay bằng Bản đăng ký của thương nhân với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Cụ thể, theo dự thảo, trước ngày 25 hàng tháng, thương nhân nộp bản đăng ký hợp đồng xuất khẩu sản phẩm cá Tra theo mẫu quy định cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Thương nhân có trách nhiệm lưu Tờ khai hàng hóa xuất khẩu đã được cơ quan hải quan xác nhận (Tờ khai Hải quan), bản gốc Hợp đồng mua cá Tra nguyên liệu, Hợp đồng gia công chế biến (trường hợp sản phẩm được chế biến theo hình thức gia công với một cơ sở chế biến khác) và bản sao Giấy đăng ký nuôi cá Tra thương phẩm.

Thời gian lưu 24 tháng kể từ ngày xuất khẩu sản phẩm được chế biến từ nguồn cá Tra nguyên liệu trên…

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ.


Có thể bạn quan tâm

Hải Lăng Diện Tích Nuôi Trồng Thủy Sản Đạt 555 Ha Hải Lăng Diện Tích Nuôi Trồng Thủy Sản Đạt 555 Ha

Đến cuối năm 2013, diện tích nuôi cá nước ngọt toàn huyện Hải Lăng có 435ha, chủ yếu tập trung trên các con sông Ô Lâu, Thác Ma, Ô Giang thuộc các xã Hải Tân, Hải Sơn, Hải Chánh. Trong đó có 120 mô hình nuôi cá lồng, bè; hiệu quả nhất vẫn là mô hình cá chình lồng (28 lồng).

11/12/2013
Bò Sữa Giúp Nông Dân Thoát Nghèo Bền Vững Bò Sữa Giúp Nông Dân Thoát Nghèo Bền Vững

Bình quân nuôi 1 con bò cho sữa, mỗi tháng cho thu nhập từ 1,8 đến 2,2 triệu đồng. Đây là mức thu nhập rất đáng kể đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, do vậy mà các địa phương được đầu tư nuôi bò sữa đã xác định đây là vật nuôi giúp nông dân thoát nghèo bền vững.

11/12/2013
Nông Sản Khánh Vinh Rớt Giá Nông Sản Khánh Vinh Rớt Giá

Bắp rớt giá, mì vẫn ở mức giá thấp… trong khi chi phí vật tư, tiền công thu hoạch tăng khiến nông dân huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) lao đao. Nhiều người đang thiếu vốn sản xuất, có nguy cơ thiếu đói…

11/12/2013
VietGAP Thủy Sản Tăng Lợi, Giảm Hại VietGAP Thủy Sản Tăng Lợi, Giảm Hại

VietGAP thủy sản là quy trình sản xuất đảm bảo theo hướng an toàn dịch bệnh, môi trường và xã hội; đồng thời truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. Với 4 tiêu chí này, VietGAP được xem là cách giúp nông dân “tăng lợi, giảm hại” bền vững. Thế nhưng, giải pháp hữu ích trên vẫn chưa được áp dụng rộng rãi…

13/12/2013
Khai Mạc Hội Nghị & Triển Lãm Nuôi Trồng Thủy Sản Châu Á – Thái Bình Dương (APA-2013) Khai Mạc Hội Nghị & Triển Lãm Nuôi Trồng Thủy Sản Châu Á – Thái Bình Dương (APA-2013)

“Định vị hướng tới Lợi nhuận” là chủ đề của Hội nghị NTTS Châu Á - Thái Bình Dương và Triển lãm Thương mại (APA-2013) được tổ chức từ ngày 10 - 13/12/2013 tại Trung tâm Hội chợ và triển lãm Sài Gòn (SECC).

13/12/2013