Để trồng bơ hiệu quả
Từ cây trồng phụ, che bóng cho vườn cà phê, hiện nay, cây bơ đang mang lại lợi nhuận cao cho nhà vườn, đặc biệt là trong thời điểm giá cà phê chạm đáy.
Cây bơ Booth là loại cây thụ phấn chéo. Để cây thụ phấn cho trái, nhà vườn nên trồng xen với các loại bơ khác theo tỉ lệ 9:1 (9 phần là cây bơ Booth, 1 phần là cây bơ nhóm khác). Đồng thời, cần áp dụng các biện pháp canh tác để cây cho hoa sớm, tránh ra hoa đúng vào các tháng nóng nhất trong năm, sẽ ảnh hưởng gây rụng hoa.
Vì là cây trồng dễ tính nên phần lớn bà con canh tác bơ ít quan tâm đến đặc điểm sinh lí của cây, chăm sóc chủ yếu theo thời giá, kinh nghiệm truyền miệng. Nhiều hộ còn kết hợp tưới nước, bón phân theo cà phê, với lượng rất ít, thậm chí là bỏ mặc để cây tự sinh trưởng tự nhiên.
Nhà vườn ít quan tâm cây bơ, vì vậy, kiến thức canh tác cây bơ thường rất hạn chế. Đa phần, bà con vẫn giữ thói quen đào hố sâu, với ý muốn là bón một lần nhiều phần, tưới nhiều nước, vừa đỡ công vừa tích lũy dinh dưỡng cho cây. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, cách làm này khiến cây rối loạn sinh lí.
Theo TS Phạm Công Trí, Viện KHKT Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên, cách bón phân quá nhiều, nhất là phân đạm, kết hợp tưới lượng nước lớn vượt nhu cầu của cây trong giai đoạn cây cần sinh thực, tức cần phân hóa mầm hoa, ra hoa, đậu quả sẽ khiến pha sinh dưỡng phát triển lấn át pha sinh thực.
Từ đó, ảnh hưởng năng suất cả vụ. Ngoài ra, việc chăm sóc không hợp lí và tưới nước tùy tiện cũng sẽ khiến cây bơ dễ bị ảnh hưởng vấn đề sốc nhiệt ẩm dẫn đến dễ bị rụng hoa, rụng trái.
Trong việc canh tác cây bơ, đặc biệt là bơ Booth, TS Tôn Nữ Tuấn Nam lưu ý: “Bơ Booth là loại cây thụ phấn chéo. Vì vậy, để đạt năng suất, nhà vườn nên trồng xen với tỉ lệ 9:1, tức 9 phần là cây bơ Booth thì 1 phần là cây bơ nhóm khác để cây thụ phấn cho trái. Và giống bơ khuyến khích trồng xen với bơ Booth là Pinkerton, một giống được nhập từ Mỹ, hiện đã có tại Tây Nguyên.
Song song đó, cũng nên tiến hành áp dụng các biện pháp kỹ thuật để cây bơ Booth cho ra hoa sớm hơn để tránh cây ra hoa vào các tháng nóng nhất trong năm sẽ ảnh hưởng gây rụng hoa. Cụ thể, có thể áp dụng, kỹ thuật cho cây chịu hạn, như cào rác trong gốc cây để phơi ra ánh sáng mặt trời. Không nên che tủ gốc kín quá. Áp dụng các biện pháp canh tác sau thu hoạch cắt cành, để cây chịu hạn sẽ giúp cây phân hóa mầm hoa sớm hơn".
Về việc bón phân, các nhà khoa học lưu ý, 1 cây bơ như bơ Booth, bơ Borbos đạt năng suất 200-300kg quả/vụ thì ngoài phân chuồng, cần bón NPK chuyên dùng 4-6kg/gốc. Riêng, những giống bơ địa phương, hay thường gọi là bơ nước thì lượng phân bón có thể giảm ít hơn. Vì vậy, bà con cần lưu ý cung cấp đủ lượng dinh dưỡng này để cây cho năng suất tối đa. Cụ thể:
- Đợt bón đầu sau thu hoạch, cần bón NPK có tỉ lệ đạm, lân cao, kali ít như NPK Đầu Trâu 16-16-8+TE. Việc bón kali liều cao cho cây bơ ở giai đoạn đầu sẽ làm cho trái bơ nhỏ đi, và không đạt kích cỡ như mong muốn. Liều lượng bón từ 1,5-2kg/gốc.
- Những đợt bón nuôi quả tiếp nên sử dụng phân NPK chuyên dùng cho cây ăn trái với liều lượng cân đối, có bổ sung trung vi lượng thích hợp giúp trái đạt chất lượng, trọng lượng cao như NPK Đầu Trâu AT2, AT3 bón trong thời kì nuôi quả. Bón từ 1.5-2kg/gốc.
- Khi trái lớn: bón NPK Đầu Trâu Nuôi Trái, lượng bón từ 0,5-1,5kg/gốc/lần. Đây là phân bón được sản xuất dạng 1 hạt, có thành phần NPK theo tỉ lệ 2:1:3. Kali trong sản phẩm được sử dụng dạng Kalisulfat nên phù hợp để nuôi trái, làm tăng mùi hương, mùi thơm cho nhiều loại cây ăn trái và cây có nhiều tinh dầu như cây bơ, từ đó, giúp gia tăng giá trị nông sản.
Đặc biệt, trong giai đoạn ra hoa, cây bơ rất nhạy cảm, cần độ ẩm vừa đủ, không nhiều, nếu nhiều sẽ gây ra hiện tượng rụng hoa, không đậu quả. Vì vậy, nhà vườn nên kết hợp tưới nước nhiều lần, có thể từ 10 – 15 ngày/lần.
Đối với cây bơ trong giai đoạn kinh doanh thì cần lượng nước từ 150 – 200 lít/gốc/lần, tưới 3- 4 lần/năm. Đồng thời, cũng cần theo dõi thường xuyên để phát hiện và xử lý kịp thời các nấm bệnh gây năng suất thấp như thối rễ, ghẻ ở vỏ. Riêng, cây bơ Booth, ở giai đoạn trái non rất dễ bị sâu bệnh tấn công. Nhà vườn cần treo bẫy dẫn dụ côn trùng, hoặc bao trái để giúp giữ phẩm chất trái ngon.
Có thể bạn quan tâm
Giang Sơn Đông là xã miền núi của huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Cây lúa đối với bà con nông dân ở xã này rất cần cho mục tiêu an ninh lương thực.
Từng bỏ vài chục triệu đồng mua phân gia súc để nuôi giun quế, anh Tuyến ở TP Hạ Long nhanh chóng “làm giàu” nhờ sử dụng giun làm thức ăn chính trong chăn nuôi.
Nhờ áp dụng công nghệ sản xuất phân NPK một hạt bằng kỹ thuật tạo hạt dạng tháp cao nên sản phẩm của Cty làm ra được nông dân đánh giá chất lượng.