Trang chủ / Tin tức / Tin nông nghiệp

Hiệu quả và chất lượng khi sản xuất phân bón NPK công nghệ tháp cao

Hiệu quả và chất lượng khi sản xuất phân bón NPK công nghệ tháp cao
Tác giả: Kim Sơ
Ngày đăng: 05/06/2020

Nhờ áp dụng công nghệ sản xuất phân NPK một hạt bằng kỹ thuật tạo hạt dạng tháp cao nên sản phẩm của Cty làm ra được nông dân đánh giá chất lượng.

Mô hình trình diễn sử dụng phân bón công nghệ tháp cao trên cây lúa. Ảnh: KS.

Về phía Công ty, công nghệ này đã giúp cho đơn vị tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm, góp phần thúc đẩy quá trình đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ sản xuất phân bón trong nước.   

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Hồng Phong, Giám đốc Cty TNHH SX-TM Hoàng Long Vina (Phú Yên), sau một thời gian đưa Nhà máy sản xuất phân bón NPK công nghệ tháp cao đi vào hoạt động.

Hiệu quả

Theo ông Nguyễn Hồng Phong, hiện tại Việt Nam các kỹ thuật tạo hạt phân NPK đang được sử dụng gồm tạo hạt bằng chảo tạo hạt, tạo hạt bằng phương pháp nén ép Rulo (khuôn), tạo hạt bằng thùng quay - hơi nước (hoặc nước) và tạo hạt bằng thùng quay hơi nước có bổ sung urê hóa lỏng.

Đối với kỹ thuật tạo hạt bằng chảo tạo hạt thuộc nhóm kỹ thuật cũ, lạc hậu, sản phẩm tạo ra giá trị thấp, sử dụng nhiều phụ gia silica làm chất mang, tiêu tốn nhiệt lượng sấy ở mức cao.

Còn kỹ thuật tạo hạt bằng phương pháp nén ép phải khống chế độ ẩm nguyên liệu đầu vào, cạnh mép của sản phẩm nén ép thường có xu hướng vỡ, tạo thành hạt mịn. Hạt phân bón tạo ra không đồng đều tạo cảm quan không lợi về sản phẩm, năng suất tạo hạt thấp và ít phù hợp với điều kiện độ ẩm cao của Việt Nam (dễ gây vón dính nguyên liệu và cả hạt phân bón).

Đối với kỹ thuật tạo hạt bằng thùng quay hơi nước thì bị giới hạn bởi chủng loại sản phẩm cũng như nguyên liệu sử dụng, hàm lượng một số chất dinh dưỡng, nhất là thành phần chứa đạm.

Về kỹ thuật tạo hạt bằng thùng quay hơi nước có bổ sung urê hóa lỏng thì khắc phục được hạn chế của kỹ thuật tạo hạt bằng thùng quay hơi nước.

Sản phẩm tạo ra có kích thước, hình dạng và độ cứng bề mặt phù hợp, có tổng hàm lượng NPK cao và độ ẩm dưới ≤ 15%. Nên  một số Công ty phân bón lớn ở Việt Nam áp dụng để sản xuất phân bón NPK một hạt chứa nhiều yếu tố dinh dưỡng.

Cũng theo ông Phong, mặc dù phân bón NPK dạng một hạt đã được sản xuất tại Việt Nam, nhưng số lượng còn hạn chế. Nhiều sản phẩm phải nhập khẩu từ nước ngoài. Do đó, việc ứng dụng công nghệ mới sản xuất phân NPK dạng một hạt là nhu cầu bức thiết trong sản xuất phân bón tại Việt Nam.

Chính vì vậy, từ năm 2015, Cty TNHH SX-TM Hoàng Long Vina thực hiện nhiệm vụ: “Nghiên cứu sản xuất phân NPK một hạt chất lượng cao sử dụng một số cây trồng chủ lực bằng kỹ thuật tạo hạt dạng tháp cao phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững vùng duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên” đã được Hội đồng KH-CN tư vấn xác định nhiệm vụ KH-CN trình UBND tỉnh Phú Yên gửi Bộ KH-CN xem xét, phê duyệt đưa vào danh mục nhiệm vụ KH-CN cấp quốc gia.

Sau đó, nhà máy sản xuất phân bón NPK một hạt bằng công nghệ tháp cao có công suất 60.000 tấn sản phẩm/năm được đầu tư từ nguồn vốn tự có của doanh nghiệp và nguồn kinh phí hỗ trợ của Bộ KH-CN. Nhà máy được khởi công và chính thức đi vào hoạt động sản xuất thử nghiệm trong năm 2017. Từ đó đã giúp Cty sản xuất phân bón NPK hiệu quả, chất lượng, tiết kiệm nhiên liệu sản xuất, bảo vệ môi trường so với các kỹ thuật tạo hạt khác.

“Hiện công nghệ sản xuất phân NPK một hạt bằng kỹ thuật tạo hạt dạng tháp cao đang được sử dụng rộng rãi tại các nước công nghiệp trên thế giới. Việc tạo hạt của công nghệ này từ hỗn hợp ure hoặc ammonium nitrate nung chảy và các nguyên liệu lân, kali, dinh dưỡng trung vi lượng khác trong bồn phản ứng trước khi được phun qua đầu phun từ đỉnh tháp cao và làm nguội bằng hệ thống quạt gió. Từ đó sản phẩm hạt NPK tạo ra có kích thước đồng đều, bóng đẹp, có lỗ, độ ẩm thấp, không kết dính, đặc biệt tổng hàm lượng NPK đạt cao trên 40%”, ông Phong chia sẻ.

Các sản phẩm đều giúp nông dân tiết kiệm phân bón

Theo Cty TNHH SX-TM Hoàng Long Vina, các kết quả trình diễn các sản phẩm phân NPK 20-10-10, NPK 30-10-10 sản xuất theo công nghệ tháp cao trên các cây trồng như lúa, tiêu, cà phê, mía, đậu phộng, sắn đều giúp nông dân tiết kiệm phân hơn 10 -12%, mà vẫn cho năng suất tương đương so với đối chứng.

Cụ thể, 4 vụ ĐX 2017-2018, HT 2018, ĐX 2018-2019 và HT 2019, Cty trình diễn sản phẩm NPK 20-10-10, NPK 30-10-10 trên cây lúa tại xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa (Phú Yên) và xã Phú Cường, huyện Cai Lậy (Tiền Giang). Kết quả, sản phẩm NPK 20-10-10 giúp tiết kiệm phân >11% và sản phẩm NPK 30-10-10 giúp tiết kiệm phân >12%, mà vẫn cho năng suất tương đương so với mô hình đối chứng.

Đối với cây sắn, Cty trình diễn các sản phẩm phân bón ở 2 niên vụ (2018-2019, 2019-2020) tại xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân và xã Đức Bình Đông, huyện Sông Hinh (Phú Yên). Kết quả, các sản phẩm NPK 20-10-10, NPK 30-10-10 đều giúp tiết kiệm phân >10%, mà vẫn cho năng suất tương đương so với mô hình đối chứng.

Đối với cây hồ tiêu, Cty cũng trình diễn các sản phẩm phân bón ở 2 niên vụ (2018-2019, 2019-2020) tại Xã EaNam, huyện EaHleo (ĐăkLăk) và xã Đức Bình Đông, huyện Sông Hinh (Phú Yên). Kết quả, các sản phẩm NPK 20-10-10, NPK 30-10-10 đều giúp tiết kiệm phân >10% mà vẫn cho năng suất tương đương so với mô hình đối chứng.

Trên cây cà phê, Cty trình diễn các sản phẩm phân bón ở 2 niên vụ (2018-2019, 2019-2020 tại xã EaNam, huyện EaHleo (ĐăkLăk) và xã Đăk Hòa, huyện Đăk Song (Đăk Nông). Kết quả, sản phẩm NPK 20-10-10, NPK 30-10-10 đều giúp tiết kiệm phân >10%, mà vẫn cho năng suất tương đương so với đối chứng.

Trên cây mía, Cty trình diễn các sản phẩm phân bón ở 2 niên vụ (2018-2019, 2019-2020) tại xã Sơn Phước, huyện Sơn Hòa và thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh (Phú Yên). Kết quả, sản phẩm NPK 20-10-10, NPK 30-10-10 đều giúp tiết kiệm phân >10% mà vẫn cho năng suất tương đương so với mô hình đối chứng.

Còn trên cây đậu phộng, Cty trình diễn sản phẩm NPK 30-10-10 gồm 2 niên vụ (2018-2019, 2019-2020) và sản phẩm NPK 20-10-10 gồm 4 vụ (ĐX 2017-2018, HT 2018, ĐX 2018-2019, HT 2019). Kết quả, sản phẩm NPK 30-10-10, NPK 20-10-10 đều giúp tiết kiệm phân >10% mà vẫn cho năng suất tương đương so với mô hình đối chứng.


Có thể bạn quan tâm

Vượt lên bão dịch, chăn nuôi an toàn sinh học vẫn hiệu quả cao Vượt lên bão dịch, chăn nuôi an toàn sinh học vẫn hiệu quả cao

Trong bối cảnh người người kêu gọi giải cứu gia cầm vì giá bán quá thấp thì mô hình chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học vẫn tiêu thụ tốt với giá ổn định.

04/06/2020
Chuyển lúa sang mía trái vụ thu nhập cao Chuyển lúa sang mía trái vụ thu nhập cao

Giang Sơn Đông là xã miền núi của huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Cây lúa đối với bà con nông dân ở xã này rất cần cho mục tiêu an ninh lương thực.

04/06/2020
Người đàn ông nuôi giun chăn gà ở Quảng Ninh Người đàn ông nuôi giun chăn gà ở Quảng Ninh

Từng bỏ vài chục triệu đồng mua phân gia súc để nuôi giun quế, anh Tuyến ở TP Hạ Long nhanh chóng “làm giàu” nhờ sử dụng giun làm thức ăn chính trong chăn nuôi.

04/06/2020