Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Để Thương Hiệu Măng Cụt Lái Thiêu Vang Xa...

Để Thương Hiệu Măng Cụt Lái Thiêu Vang Xa...
Ngày đăng: 01/08/2014

Lái Thiêu (TX.Thuận An) từng được biết đến là một địa danh nổi tiếng về cây trái, du lịch sinh thái. Có thể nói, hầu hết du khách đến đây đều muốn một lần được thưởng thức các loại trái cây chính gốc, với hương vị đặc trưng, trong một không gian du lịch sinh thái rất riêng của vùng đất này.

“Ăn theo” măng cụt Lái Thiêu

Từ đường ĐT745, chúng tôi vào thăm một số nhà vườn tại phường Hưng Định thì chỉ thấy cây không thấy trái. Trong khi đó, dọc tuyến đường này các thương lái vẫn bày bán rất nhiều trái cây mang “thương hiệu” Lái Thiêu khiến cho ai từng vào thăm vườn không khỏi nghi ngờ về “xuất xứ”. Hỏi người bán có chắc là trái cây Lái Thiêu không, họ tỏ ra khó chịu hỏi lại: “Vậy chứ ở đâu?”.

Ở phường Hưng Định hiện có 3 hộ nông dân đăng ký thương hiệu “măng cụt Lái Thiêu”, có dán nhãn và bán giá cao hơn do người mua tin tưởng hơn, khoảng 30.000 - 35.000 đồng/ kg.

Các hộ này cho biết măng cụt chính gốc Lái Thiêu có vị ngọt thanh, trái nhỏ, màu sậm, vỏ mỏng, cuống trái ngắn, thân trái tròn bầu chứ không thon dài như măng cụt Thái Lan. Cây phát triển nhanh, sớm ra trái, sản lượng khá cao, mùi vị thơm ngon đặc biệt mà măng cụt nơi khác không có được. Còn măng cụt nơi khác sẽ có màu tươi hơn, vỏ dày, vị chua và nhiều hạt.

Đem thắc mắc này đến trao đổi với một cán bộ phường Hưng Định, TX.Thuận An thì được biết, trái cây bày bán ngoài đường ĐT745 đoạn qua phường Hưng Định thời điểm này không phải là trái cây Lái Thiêu, hầu hết được nhập từ nơi khác về, trái cây Lái Thiêu giờ đã cuối mùa. Mặt khác, măng cụt có đăng ký thương hiệu bán tại vườn đã hết, không còn để bán ngoài đường.

Qua cầu Ngang, vào các nhà vườn, nạn “cò” chèo kéo, dẫn dắt du khách vào vườn cây vẫn còn. Trong căn lều tranh ẩm thấp, chủ quán chạy ra đon đả mời chào rồi dẫn vào một cái lều cũ kỹ có kê bộ bàn ghế bố đặt bên cạnh kênh đào, xung quanh đầy rác, lá cây và muỗi.

Lý giải cho vườn cây xơ xác, anh Hùng, người nhà của một chủ vườn ở đây, cho biết: Vì hay có khách du lịch vào vườn chơi nên đất ở đây bị giẫm nát, không màu mỡ như trước kia. Với lại dịp này đã cuối mùa nên trái cây cũng không còn nhiều.

Măng cụt Lái Thiêu đã vinh dự có mặt trong danh sách 50 loại trái cây nổi tiếng của Việt Nam do Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam bình chọn. Tuy thế, măng cụt Lái Thiêu hiện nay vẫn đang còn nhiều vấn đề đặt ra. Điều dễ thấy là măng cụt nói riêng và trái cây Lái Thiêu nói chung đã được khẳng định nhưng khi hết mùa trái cây ở nhiều nơi khác nhập về, tuy là đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng nhưng chất lượng có khi không bảo đảm gây thất vọng đối với người mua hàng.

Vực dậy thương hiệu

Ông Lê Quốc Hưng, Chủ tịch Hội Nông dân phường Hưng Định cho biết, TX.Thuận An có 6 xã, phường thì Vĩnh Phú, Lái Thiêu còn ít măng cụt; 4 phường, xã Hưng Định, Bình Nhâm, An Thạnh và An Sơn do thổ nhưỡng tốt, nằm bên phần đất bồi ven sông Sài Gòn nên còn giữ được nhiều vườn cây ăn trái.

Riêng phường Hưng Định vườn cây ăn trái còn khoảng 90 ha. Diện tích này đang được địa phương khuyến khích sử dụng để trồng cây ăn trái nhằm lấy lại thương hiệu trái cây Lái Thiêu. UBND TX.Thuận An cũng đã có quyết định giữ nguyên diện tích này, không cho chuyển đổi sang đất thổ cư để duy trì vườn cây; bên cạnh đó là ưu tiên hỗ trợ phân bón, giống cây mới hiệu quả hơn.

Những nỗ lực tìm kiếm phương án vực dậy thương hiệu của chính quyền và người dân khu vực Lái Thiêu bước đầu đã có kết quả khi ngày 19-6-2014, măng cụt Lái Thiêu đã được đăng ký nhãn hiệu kinh doanh.

Ông Nguyễn Văn Dội, người vừa được tuyên dương là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh và là một trong 3 hộ kinh doanh vừa được cấp thương hiệu “măng cụt Lái Thiêu”, vui mừng nói: “Nhờ có thương hiệu nên trái cây của tôi được biết đến nhiều hơn, không còn phải lo lắng về đầu ra cho sản phẩm. Tôi sẽ nỗ lực nâng cao thu nhập, chất lượng của sản phẩm để phù hợp với thương hiệu đã được cấp”.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, để phát triển vườn cây ăn trái Lái Thiêu, ngoài các chính sách hỗ trợ đã và đang thực hiện, tới đây TX.Thuận An sẽ tập huấn để đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên du lịch tại địa phương. Những người này sẽ hưởng mức lợi nhuận từ các chủ vườn; đồng thời có sự phân công cụ thể để tránh tình trạng lôi kéo khách.

Với những nỗ lực từ phía chính quyền, ngành chức năng và người dân, hy vọng trái cây Lái Thiêu sẽ sớm lấy lại niềm tin đối với khách; các hộ kinh doanh nhà vườn cũng sẽ nỗ lực hơn trong việc tạo điều kiện cho du khách tham quan thưởng thức đặc sản quê hương.


Có thể bạn quan tâm

Chính Sách Hỗ Trợ Của Chính Phủ Giúp Ngư Dân Yên Tâm Bám Biển Chính Sách Hỗ Trợ Của Chính Phủ Giúp Ngư Dân Yên Tâm Bám Biển

Phú Yên hiện có khoảng 640 tàu cá đang khai thác ở các vùng biển xa, trong đó chủ yếu hành nghề câu cá ngừ đại dương. Mặc dù gặp nhiều khó khăn do chi phí sản xuất tăng cao, tình hình biển Đông diễn biến phức tạp, nhưng nhờ chính sách hỗ trợ của Chính phủ nên ngư dân vẫn yên tâm vươn khơi bám biển.

16/10/2014
Triển Vọng Từ Nuôi Cá Nước Ngọt Triển Vọng Từ Nuôi Cá Nước Ngọt

Những năm gần đây, cùng với việc tận dụng đất đai trồng màu phát triển kinh tế thì phong trào nuôi cá nước ngọt cũng góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện Ngọc Hiển (Cà Mau). Cách làm này được Nhân dân xã Tân Ân thực hiện phổ biến trong những năm qua.

16/10/2014
Hoài Nhơn (Bình Định) Nuôi Cá Đối Mục Trong Ao Nuôi Tôm Suy Thoái Cho Kết Quả Tốt Hoài Nhơn (Bình Định) Nuôi Cá Đối Mục Trong Ao Nuôi Tôm Suy Thoái Cho Kết Quả Tốt

Sáng 14.10, Trạm Khuyến nông huyện Hoài Nhơn (Bình Định) tổ chức hội thảo mô hình nuôi cá đối mục trong ao nuôi tôm suy thoái tại thị trấn Tam Quan. Mô hình triển khai từ tháng 3.2014, có 3 hộ dân tham gia thực hiện trên diện tích 12.000m2, thả nuôi 12.000 con giống nhập từ Trung tâm giống thủy sản Thừa Thiên - Huế.

16/10/2014
EU Từ Chối Nhập Khẩu Tôm Chân Trắng Ấn Độ EU Từ Chối Nhập Khẩu Tôm Chân Trắng Ấn Độ

Tôm chân trắng là một loài ngoại lai hiện được tiêu thụ lớn tại Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản nhờ chi phí và hương vị phù hợp cũng như được sử dụng trong chế biến dễ dàng. Andhra Pradesh là khu vực XK hàng đầu về tôm chân trắng. Loài tôm này cũng được nuôi rộng rãi tại Bheemavaram và các vùng lân cận.

16/10/2014
Người Góp Phần Tích Cực Trong Việc Lai Tạo Đàn Bò Ở Tây Sơn (Bình Định) Người Góp Phần Tích Cực Trong Việc Lai Tạo Đàn Bò Ở Tây Sơn (Bình Định)

Sau hơn 20 năm làm nghề dẫn tinh viên, ông Võ Kỳ Nam, ở thôn Hòa Sơn, xã Bình Tường, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định giúp lai tạo, cho ra đời được vô số bò lai. Tốt nghiệp đại học năm 1990, với tấm bằng kỹ sư chăn nuôi - thú y, ông Nam về làm cán bộ thú y cơ sở tại địa phương. Năm 1995, ông đi học thêm lớp dẫn tinh viên phối giống bò tại Ba Vì (Hà Tây) và gắn bó với nghề này cho đến nay.

16/10/2014