ĐỂ NUÔI CÁ TRA THỊT TRẮNG
Có một cản ngại là cá tra (Pangasius hypophthalmus) trong quá trình nuôi, da, thịt cá có thể có màu vàng.
Vấn đề liên quan đến thịt vàng trên cá tra rất được các nhà khoa học, các người nuôi cá quan tâm bởi vì cá tra thịt vàng không được các nhà máy chế biến ưa chuộng, do đó khó tiêu thụ. Giá giảm từ 10 - 20% so với cá tra thịt trắng. Về nguyên nhân làm cho cá tra nuôi có thịt vàng, có rất nhiều yếu tố chủ quan và khách quan tác động trong suốt quá trình nuôi. Nhìn chung chúng tôi thấy có các nguyên nhân sau:
1. Về di truyền và giống:
Có một loại cá da trơn có da màu vàng mà người dân gọi là cá tra nghệ (tên khoa học là Pangasius kunyit). Đây là một loại cá có đặc trưng da thịt đều vàng như nghệ nhưng thịt có mùi vị thơm ngon rất đặc trưng. Sản lượng của cá không nhiều, chủ yếu khai thác từ tự nhiên. Thỉnh thoảng mới thấy xuất hiện ở chợ cá, giá bán từ 40.000 - 50.000đ/kg, người bán hàng thường gọi là Bông lau nghệ. Loại cá này Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất giống Thuỷ sản An Giang đã cho sinh sản nhân tạo trong năm 2001.
2. Do bệnh.
Về bệnh thì có liên quan đến gan và mật.
Tác nhân gây bệnh là do giun sán ký sinh trong túi mật. Cá bị bệnh này da sẽ bị vàng, cá bỏ ăn rồi chết. Khi cá đã vàng da việc điều trị rất khó khăn vì khi đã bị bệnh về gan và mật thì chức năng chuyển hoá thức ăn và hấp thu thuốc không còn hoạt động hữu hiệu, nên việc sử dụng thuốc ở thời điểm này không hiệu quả.
Giải pháp phòng trị bệnh tốt nhất là: Định kỳ tẩy giun sán cho cá nuôi. (Các loại thuốc có bán ở các cửa hàng thuốc Thú y - thủy sản). Tuy nhiên, có một thực tế khách quan là thuốc chuyên dùng tẩy giun sán cho cá chưa có nên thường phải sử dụng thuốc của gia súc, gia cầm... Vì vậy, khi sử dụng thuốc cần phải có sự cân nhắc cẩn thận.
Cùng với bệnh giun sán, cá tra nuôi với mật độ cao nếu các biện pháp kỹ thuật hay quản lý môi trường không tốt cá nuôi bị vi trùng, vi khuẩn tấn công.
Bệnh về đốm trắng trên gan cá tra cũng gây nên thịt vàng trên cá tra nuôi. Tác nhân gây bệnh là vi khuẩn Edward ictaluri. Các kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy chủng vi khuẩn này kháng với một số loại kháng sinh thông thường như Oxytetra...Vì vậy, phải dùng loại kháng sinh đặc trị và phải phát hiện bệnh sớm (giai đoạn đầu của bệnh thì kết quả mới khả quan).
Ngoài ra, trong quá trình nuôi nếu cá nuôi bị bệnh kéo dài hoặc lặp đi lặp lại thịt cá sẽ có màu vàng.
3. Do môi trường
- Trong ao nuôi có nhiều mùn bã hữu cơ, tảo... cũng là nguyên nhân làm cho cá nuôi có thịt màu vàng. Nên cải tạo nạo vét bùn, bón vôi trước khi thả cá nuôi. Trong quá trình nuôi có thể sử dụng Zeolite để xử lý mùn bã hữu cơ, thức ăn dư thừa. Zeolite hấp thu các độc tố NH3, H2S, NO2, kim loại nặng ở nền đáy…
- Thay nước ao nuôi từ 20% đến 30% lượng nước ao trong 01 ngày.
- Có thể sử dụng sục khí đáy ao.
- Một điểm cần lưu ý là: Vào mùa nước đổ tháng 6 - 7 có những thay đổi lớn về chất lượng nước trên sông. Cá nuôi bè, nuôi đăng quầng hoặc nuôi ao (sử dụng nước sông để thay) thì thịt bị vàng.
- Trong ao nuôi thiếu Oxy thường xuyên cá cũng bị thịt vàng.
4. Do thức ăn không phù hợp
Thức ăn nên nghiên cứu cân đối về đạm (nên cho ăn trên 18o đạm). Các nghiên cứu về dinh dưỡng cá tra gần đây cho thấy việc cân đối về đạm trong thức ăn của cá tra, ngoài cải thiện (giảm) tích luỹ mỡ trong cơ thể cá còn giúp cá tăng trọng nhanh, rút ngắn thời gian nuôi.
Trong khẩu phần thức ăn nên bổ sung khoáng vi lượng, Vitamin C định kỳ. Không nên cho cá ăn những thức ăn có sắc tố gây vàng thịt.
Việc sử dụng cá biển làm thức ăn cho cá cũng phải chú ý về chất lượng (tươi, ươn, các hoá chất tẩm ướp trên cá biển ngoài ảnh hưởng đến màu trắng của thịt cá nuôi còn có tác động thành phần đạm trong thức ăn và sự tiêu hoá của cá).
Cá suy dinh dưỡng thịt cá thường bị vàng.
Trong thời gian gần đây một số cơ sở bán thuốc thú y - thủy sản có giới thiệu một số thuốc, hoá chất sử dụng trong quá trình nuôi để cá tra thịt trắng. Chúng tôi xin có những lưu ý sau:
* Việc sử dụng các chế phẩm sinh học trong quá trình nuôi cá tra nhằm cải tạo môi trường nuôi là một biện pháp kỹ thuật cần khuyến khích. Tuy nhiên, nếu những vi sinh này có nguồn gốc nước mặn mà cho vào nước ngọt thì hiệu quả không cao, hoặc khi ao nuôi thay nước thường xuyên hay nuôi đăng quầng thì không hiệu quả (nếu không nói là lãng phí).
* Một số thuốc có chứa các chất hỗ trợ chức năng của gan (Sorbitol...) về nguyên lý thì không có trở ngại, tuy nhiên, vì chưa có những nghiên cứu khoa học chứng minh nên khi dùng cần cân nhắc.
* Một loại hóa chất có tên là Pond Oxygen dạng hạt khi rải vào ao nhằm cung cấp oxy cho tầng nước ở đáy ao, là giải pháp tốt cho các ao nuôi có trở ngại trong biện pháp thay nước và giúp cho quá trình Nitrat hoá các chất hữu cơ dư thừa dưới đáy ao.
Để đạt kết quả khả quan ngoài các vấn đề đã giới thiệu phần trên. Các hộ nuôi cá cần lưu ý: nên sử dụng nguồn giống sạch bệnh và tuân thủ các quy trình kỹ thuật.
Có thể bạn quan tâm
Theo như ý kiến của nhiều chuyên gia thủy sản, khi cá tra ăn mồi với lượng không ổn định, thường ăn rất trễ trong ngày và có biểu hiện hơi nhát có thể là do tầng đáy ao nuôi bị nhiễm phèn, do trời chuyển lạnh nên nhiệt độ ở tầng nước mặt bị giảm thấp và do chất vẩn hữu cơ lơ lửng trong nước quá nhiều.
Cá tra đã trở thành đối tượng cá nước ngọt được nuôi chủ yếu ở ĐBSCL. Sản lượng cá tra tăng nhanh từ khi nghề nuôi đã chủ động được nguồn giống và phát triển tốt thị trường xuất khẩu.
Ao ương cá nên chọn ở những nơi gần kênh, rạch để tiện cho việc cấp thoát nước và chăm sóc quản lý. Không trồng cây lớn quanh bờ ao vì cây lớn sẽ che ánh sáng mặt trời và lá cây rụng xuống làm thối nước gây ô nhiễm môi trường.
Để có thêm nguồn cá tra tại chỗ cung cấp cho Đà Nẵng và các tỉnh lân cận mà không cần phải vận chuyển từ miền Nam ra, lần đầu tiên mô hình nuôi cá tra trong ao đất được thử nghiệm thành công ở nhà ông Lê Cổ (thôn An Châu, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng).
Có trách nhiệm trong việc sử dụng hoá chất và thuốc thú y thuỷ sản, dùng thuốc đúng liều lượng để phòng trị bệnh cho cá sau khi đã được chẩn đoán kỹ lưỡng.