Để khoai lang xứng danh nông sản chủ lực
Yếu nhiều khâu
Theo Sở Nông nghiệp - PTNT, từ năm 2000 đến nay, trung bình mỗi năm Vĩnh Long sản xuất ổn định khoảng 5.000ha khoai lang và đã mang lại thu nhập đáng kể cho người dân với cơ cấu canh tác 1 lúa - 1 khoai hoặc 2 lúa - 1 khoai.
Đặc biệt, từ khi giống khoai lang tím Nhật được đưa vào sản xuất và xuất khẩu tăng mạnh sang Trung Quốc thì diện tích tăng liên tục. Theo thống kê, từ 2005 - 2010, diện tích khoai lang tăng bình quân 2,35% và tăng nhiều kể từ năm 2010, lên đến 14%/năm, năm 2011 tăng 40%/năm. Năm 2012, diện tích khoai lang đạt gần 12.000ha, tăng gần 50%.
Do từ giữa năm 2012 khoai sụt giá nên năm 2013 giảm còn khoảng 10.000 ha, nhưng rồi đến năm 2014 tăng trở lại gần 12.000 ha.
Nếu theo quy hoạch đến cuối năm 2015 khoai lang đạt 9.100 ha, thì thật ra diện tích này đã vượt khoảng 30% kể từ năm 2012.
Để đầu ra thuận lợi, từ năm 2013, ngành nông nghiệp hỗ trợ địa phương xây dựng nhãn hiệu tập thể “Khoai lang Bình Tân”. Việc chuyển giao và áp dụng những kỹ thuật canh tác mới, an toàn cũng được chú trọng.
Tuy nhiên, đầu ra nông sản này vẫn còn phụ thuộc, hiện có hơn 85% được xuất khẩu, nhưng chủ yếu sang thị trường Trung Quốc. Một số doanh nghiệp cũng chào hàng sang Malaysia, Hong Kong, Thái Lan, Singapore,… nhưng do đòi hỏi khắt khe về tiêu chuẩn, quy trình sản xuất nên lượng hàng xuất còn khá khiêm tốn.
Ths. Nguyễn Văn Liêm - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT từng cho biết, nếu như trước đây, nông dân trồng khoai ở Bình Tân thường mua dây giống khoai lang từ huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) về giâm trồng, thì nay do việc trồng khoai lang gần như liên tục nên việc chọn dây giống thường được cắt từ những ruộng trồng trước đó. Điều này đã làm cho giống khoai này dễ bị thoái hóa dẫn đến tình trạng khoai sinh trưởng kém, sâu bệnh nhiều và năng suất bị sụt giảm.
Bên cạnh, việc bảo quản, đưa cơ giới vào sản xuất hiện cũng còn rất thiếu và yếu. Ngành nông nghiệp cũng đã đưa máy vào thử nghiệm lên giồng, nhưng theo một cán bộ địa phương thì, ở đây xưa giờ nông dân lên giồng ngang năng suất sẽ cao hơn, trong khi máy chỉ vun được giồng xuôi nên người dân không mặn mà áp dụng.
Đầu tư cần đồng bộ
Theo kế hoạch, sau khi chọn khoai lang làm nông sản chủ lực, tỉnh sẽ hướng tới thành lập thí điểm hợp tác xã gắn với chuỗi giá trị sản phẩm theo cụm liên kết ngành, quy mô diện tích trên 10.000 ha/năm.
Nhiều ý kiến cho rằng cần đầu tư một cách toàn diện như đưa cơ giới khâu làm đất, giống mới, khoa học kỹ thuật, đặc biệt là khuyến khích các doanh nghiệp chế biến, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Bà Đoàn Ngọc Thanh Xuân - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin nông nghiệp, nông thôn (Sở Nông nghiệp- PTNT) còn cho rằng, có thể làm du lịch từ khoai lang, cụ thể là cần nghiên cứu kết hợp tạo những điểm mua bán khoai lang, tổ chức lễ hội khoai lang, du lịch tham quan vùng trồng… nhằm quảng bá hình ảnh.
Trong khi đó, đại diện Hợp tác xã Khoai lang Thành Đông cho hay, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Rồng Đỏ từng có đề nghị ký kết với mua khoai đạt tiêu chuẩn GlobalGAP với mức giá ổn định 600.000 đ/tạ. Nếu giá trên thị trường cao hơn sẽ cộng thêm 10% và nếu giá thị trường thấp hơn 600.000 đ/tạ thì cộng thêm 15%. Tuy nhiên, sau khi thử mẫu khoai, không đạt yêu cầu nên công ty chưa hợp đồng.
Hiện, có 17ha khoai lang Bình Tân đã được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP và diện tích cánh đồng mẫu lớn 32ha sản xuất theo hướng an toàn. Tuy nhiên, số lượng diện tích được chứng nhận theo tiêu chuẩn GAP còn quá ít so với quy mô sản xuất mỗi năm.
Vừa qua, UBND tỉnh cũng đã làm việc với Công ty TNHH Xây dựng thương mại xuất nhập khẩu Trường Lâm và ĐH Nông lâm TP Hồ Chí Minh về hợp tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ đối với dự án đầu tư nhà máy chế biến, sản xuất bột khoai lang tại TX Bình Minh. Đây là tín hiệu vui để “nâng cấp” khoai lang thời gian tới.
Ths. Nguyễn Văn Liêm cho biết, sẽ kết hợp chính quyền địa phương khảo sát lại các vùng quy hoạch chuyên canh, bố trí diện tích xuống giống khoai lang xen kẽ với các loại màu phù hợp, tránh phát triển ồ ạt thời gian qua.
Giám đốc một hợp tác xã tiêu thụ khoai lang ở Bình Tân cho biết đã thử chế biến thủ công khoai lang chiên, bánh khoai lang “chào hàng” tại các kỳ hội chợ và được nhiều khách ưa chuộng. Đặc biệt là bột khoai lang được các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản đặt vấn đề thu mua nhưng do thiếu công nghệ chế biến nên hợp tác xã đành rút lui!
Có thể bạn quan tâm
Vào trung tuần tháng 9, nhiều hộ xã viên ở xã Gia Hưng (Gia Viễn) được trực tiếp tham quan mô hình trình diễn sử dụng phân NPK Ninh Bình trên cây ngô tại xứ đồng Mái Bằng. Kết quả bước đầu cho tín hiệu khả quan, ngoài việc mang lại niềm vui vì đã tìm được loại phân bón phù hợp với giống cây trồng trên đồng đất quê hương mà còn thể hiện được sự liên kết giữa “2 nhà”. Đó là sự liên kết giữa nhà sản xuất (Công ty cổ phần Phân lân Ninh Bình) và nhà nông (các hộ được chọn thực hiện mô hình).
Qua dự án khảo sát của Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch tại 92 cơ sở chế tạo máy trên 15 tỉnh, thành phố đại diện cho cả 7 vùng kinh tế cả nước cho thấy, các sản phẩm máy móc nông nghiệp nhập khẩu từ Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan... chiếm tới gần 70%. Trong khi đó sản phẩm sản xuất tại Việt Nam chỉ chiếm từ 15-20%.
Tình trạng phân bón giả, kém chất lượng tồn tại một thời gian dài ở Lâm Đồng, gây thiệt hại lớn cho nông dân và nhà sản xuất