Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Để Chặn Đà Tụt Hậu Nghề Khai Thác Thủy Sản Hải Phòng

Để Chặn Đà Tụt Hậu Nghề Khai Thác Thủy Sản Hải Phòng
Ngày đăng: 13/06/2013

Ngư dân không bám biển thì không có cá, tôm không có sinh kế. Đặc trưng sinh kế này buộc ngư dân phải gắn bó rất chặt chẽ với biển. Muốn ra được biển trong bối cảnh phức tạp hiện nay họ cần được đầu tư hỗ trợ. Nhà nước và thành phố đã có nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân; tuy nhiên, vì nhiều lý do, các chính sách này chưa đến được ngư dân. Không được tiếp sức kịp thời, hiệu quả khi đang ở giai đoạn khó khăn nhất, ngư dân ngày càng đuối sức, khai thác thủy sản Hải Phòng vì thế ngày càng tụt hậu.

Tàu nằm bờ vì nguồn lợi cạn kiệt

Nhiều thời điểm chính vụ khai thác cá Nam hoặc cá Bắc nhưng ngư dân vẫn ngần ngại ra khơi vì… không có cá, lo thua lỗ. Nỗi lo ngày càng lớn khi nguồn thủy sản của Hải Phòng đang giảm dần. Trong khi đó lại có một nghịch lý là do không có chi phí đi biển dài ngày, nhiều tàu cá Hải Phòng chuyển từ khai thác xa bờ sang khai thác ven bờ, tận thu sản phẩm, khiến nguồn lợi thủy sản càng cạn kiệt.

Ra khơi nhưng không có cá

Ông Đinh Như Sửa, chủ tàu khai thác thủy sản ở thôn Láng Cáp, xã Lập Lễ (Thuỷ Nguyên) than thở: “Tôi có tàu 250 CV, riêng tiền dầu cho một chuyến đi biển khoảng 150 triệu đồng, trong khi đó, một số vụ cá Bắc tàu thường xuyên trong tình trạng ra khơi không khai thác được con mực nào. Có chuyến tàu phải đánh bắt cá nhỏ làm chượp mắm, nhưng hơn 20 tấn cá này đành để thối vì không tìm được người mua. Sau những chuyến đi biển về tay trắng, tôi quyết định cho tàu nằm bờ, chỉ khi nào có thông tin có luồng cá từ các tàu bạn thì mới nhổ neo ra khơi”.

Ông Vũ Văn Cự, Trưởng Liên tập đoàn đánh cá Lập Lễ cho biết: “2 vụ cá Bắc gần đây, tới hơn 60% số tàu cá của tập đoàn nằm bờ. Thê thảm là vụ cá Bắc năm 2011, tập đoàn có 80% số tàu đánh cá nằm bờ, 15% số tàu ra khơi, nhưng hoạt động cầm chừng; sản lượng khai thác thủy sản của Lập Lễ khoảng vài tấn, mất mùa nghiêm trọng”.

Theo ông Nguyễn Đình Soành, chủ tàu HP 90075 và là Cụm trưởng cụm tàu an toàn số 4 của Tập đoàn đánh cá Đại Hợp (Kiến Thụy), đang thời điểm chính vụ của vụ cá Nam nhưng chỉ có khoảng 50% số tàu vươn khơi của Đại Hợp đi khai thác. Nguyên do là các tàu đều chờ tìm được luồng cá thì mới ra khơi, vì chi phí tăng gấp đôi, nếu vươn khơi mà không có sản phẩm như thời gian vừa qua cầm chắc lỗ vốn. Một số tàu ở xã chuyển sang đánh ven bờ và sử dụng mắt lưới nhỏ, tận thu cả các loại cá tạp.

Theo tiến sĩ Nguyễn Long, Viện Nghiên cứu Hải sản, hiện nay, khai thác thuỷ sản ở vùng biển Hải Phòng, vịnh Bắc Bộ đang ở tình trạng “gặm” vào chính nguồn lợi tự nhiên của mình, khai thác quá mức cho phép. Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu Hải sản Hải Phòng, vùng vịnh Bắc Bộ có trữ lượng khoảng hơn 680 nghìn tấn, đều là những loại cá có giá trị kinh tế không cao. Khả năng khai thác tối đa của vịnh Bắc Bộ khoảng 270.000 tấn, trong đó lượng cá nổi nhỏ có thể khai thác tối đa khoảng 150.000 tấn.

Tuy nhiên, hiện các tỉnh từ Quảng Ninh đến Quảng Trị đã khai thác ở ngư trường này khoảng 170.000 tấn/năm và hàng năm hàng nghìn tàu di chuyển ngư trường của các tỉnh Nam Trung Bộ ra khai thác ở vịnh Bắc Bộ. Việc dịch chuyển ngư trường này khiến năng suất khai thác của các tàu cá Hải Phòng sụt giảm nhiều sau mỗi năm. Năm 1999, theo tính toán của Viện Nghiên cứu Hải sản cứ 1CV công suất, tàu cá Hải Phòng khai thác 1 năm được 1 tấn cá, thì hiện nay, 1 CV công suất chỉ khai thác được 0,3 tấn, giảm gấp 4 lần.

Liên kết tìm kiếm ngư trường

Ông Nguyễn Văn Tân, Trưởng tập đoàn đánh cá Đại Hợp (Kiến Thụy) cho biết: “để tiếp tục bám biển, bám nghề trong điều kiện nguồn lợi thủy sản cạn kiệt, chủ tàu cá ở Đại Hợp đã hợp tác sản xuất theo tổ, nhóm; tổ chức trung chuyển nhiên liệu, sản phẩm... nhằm giảm chi phí”.

Một số chủ tàu ở Lập Lễ (Thủy Nguyên) thì chọn cách cho tàu... nằm biển thay vì nằm bờ để giữ chân lao động. Tức tàu cũng ra khơi nhưng chỉ hoạt động cầm chừng, khi nào phát hiện được luồng cá thì tàu mới hoạt động. Trong tình thế này, việc hợp tác đi biển sẽ hỗ trợ nhau tìm ra ngư trường khai thác mới, giúp tiết kiệm nhiên liệu tiêu hao và chi phí cho chuyến đi biển dài ngày. Nếu làm ăn cá thể, các chủ tàu phải tự đánh bắt, tự vận chuyển, ra vào như vậy rất tốn nhiên liệu, chưa nói nếu không có cá sẽ tổn thất nhiều hơn bởi giá xăng dầu tăng cao.

Theo ông Đỗ Quý Thạc, Chi cục Phó chi cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Hải Phòng, ngành nông nghiệp - PTNT đang tích cực phối hợp với các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu hải sản và các đơn vị khoa học thuộc Bộ Nông nghiệp - PTNT nâng cao năng lực dự báo ngư trường và đưa được thông tin ngư trường, luồng cá đến ngư dân. Trong tương lai, thành phố sẽ xây dựng đề án tổng thể về khai thác hải sản, trong đó các khâu như hoạt động khai thác, dịch vụ hậu cần, thông tin liên lạc…đều được chi tiết hóa, có chương trình thực hiện cụ thể, sẽ xây dựng một bản đồ ngư trường chi tiết.

Cùng với đó, Chi cục phối hợp với các địa phương tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của ngư dân đối với những tàu công suất nào thì phân định đánh bắt ở vùng biển đó, tránh vi phạm Pháp lệnh bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Về lâu dài, ngành nông nghiệp đã tính đến phương án thay đổi ngành nghề cho những lao động đang sở hữu những phương tiện nhỏ hành nghề khai thác ven bờ. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là tìm kiếm mô hình cộng đồng quản lý nguồn lợi thủy sản bền vững, hướng chuyển đổi, giảm tàu thuyền công suất nhỏ mà không ảnh hưởng đến sinh kế của người dân.

Việc thực hiện giảm lượng tàu khai thác ven bờ phải làm đồng bộ trong cả nước, bởi sẽ khó thực hiện riêng lẻ ở từng địa phương. Điều quan trọng hơn nữa là nhà nước cần xây dựng hoàn chỉnh hệ thống pháp luật liên quan để hạn chế số lượng tàu thuyền tham gia vào khai thác và quản lý chặt chẽ số lượng tàu cá, đưa ra những quy định đánh bắt cụ thể ở mỗi vùng biển liên quan đến hạn mức, phương pháp khai thác cũng như mùa, vùng đánh bắt... đặc biệt là phát triển mạnh hoạt động quản lý nghề cá ven bờ dựa vào cộng đồng.


Có thể bạn quan tâm

Phát Triển Mạnh Các Cây Trồng Chủ Lực Ở Vĩnh Cửu (Đồng Nai) Phát Triển Mạnh Các Cây Trồng Chủ Lực Ở Vĩnh Cửu (Đồng Nai)

Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai), hai cây trồng chủ lực của huyện là bưởi và xoài đang phát triển nhanh về diện tích.

03/03/2014
Bệnh Đốm Trắng Xảy Ra Nhiều Trên Thanh Long Ở Tiền Giang Bệnh Đốm Trắng Xảy Ra Nhiều Trên Thanh Long Ở Tiền Giang

Trong thời gian qua, bệnh đốm trắng xảy ra nhiều trên cây thanh long, làm cho nhà vườn đang gặp không ít khó khăn; còn các nhà chuyên môn thì loay hoay tìm hướng xử lý.

03/03/2014
Trồng Cây Ăn Trái Cho Thu Nhập Hơn 100 Triệu Đồng/ha Ở Châu Thành (Hậu Giang) Trồng Cây Ăn Trái Cho Thu Nhập Hơn 100 Triệu Đồng/ha Ở Châu Thành (Hậu Giang)

Ước tính trung bình mỗi năm, người trồng cây ăn trái của huyện có thu nhập trên 100 triệu đồng/ha. Nhờ vậy, giúp cho nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên khá giàu.

03/03/2014
Công Khai Địa Chỉ Cơ Sở Chăn Nuôi An Toàn Công Khai Địa Chỉ Cơ Sở Chăn Nuôi An Toàn

Ngày 28.2, Bộ NNPTNT đã có công điện gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm.

03/03/2014
Hỗ Trợ Nông Dân Nuôi Bò Sữa Ở Bến Tre Hỗ Trợ Nông Dân Nuôi Bò Sữa Ở Bến Tre

Về hiệu quả kinh tế, hiện bê con 5 - 6 tháng tuổi giá 20 triệu đồng; 9 tháng tuổi cho sữa (mỗi ngày từ 10-12kg), từ năm thứ hai trở đi lượng sữa ổn định và tăng lên. Sau 1 năm nuôi (từ thời điểm bò bắt đầu cho sữa), lợi nhuận gấp đôi so với nuôi bò sữa và bò sinh sản, trong khi đầu tư tương đương.

03/03/2014