Để Cây Cam Sành Phát Triển Một Cách Bền Vững
Cam sành là một trong những cây ăn trái chủ lực, thế mạnh của huyện Cầu Kè (Trà Vinh). Do lợi nhuận khá cao từ cây cam sành, các hộ nông dân đã ồ ạt trồng cây cam sành. Việc phát triển cây cam sành một cách tự phát, sử dụng những giống cây trôi nổi, không theo quy hoạch đã làm cho dịch bệnh tràn lan, có nguy cơ sẽ xóa sổ cây cam sành trong vài năm tới. Do đó các ngành nông nghiệp tỉnh cùng các nhà khoa học và nông dân đang tìm giải pháp để khôi phục và phát triển cây cam sành.
Cầu Kè (Trà Vinh) là một huyện nằm ven con sông Hậu được thiên nhiên ưu đãi, nước ngọt quanh năm nên kinh tế ở địa phương chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, trong đó có cây ăn trái. Đặc biệt là cây cam sành đã có thương hiệu nổi tiếng và đem lại hiệu quả kinh tế cho nhiều nông hộ. Cây cam sành ở địa phương được bà con chuyển đổi trồng trên đất lúa kém hiệu quả.
Lúc đầu chỉ có hơn 1.750 ha tập trung nhiều ở 3 xã là An Phú Tân, Tam Ngãi và Hòa Tân. Hộ ông Huỳnh Văn Sang (ấp Bưng Lớn B, xã Tam Ngãi) có 2 công đất toàn là vườn tạp, ông đã chuyển sang trồng cây cam sành, với mật độ trồng từ 250 - 300 nhánh/công. Do đây là loại nhánh ghép nên chỉ hơn 24 tháng là cây bắt đầu cho trái. Có thu nhập cao từ cây cam sành, năm 2006, ông đã quyết định mở rộng diện tích trên 1ha trồng cam sành, sau 3 năm trồng cho thu nhập hơn 600 triệu đồng/ha. Đến nay bình quân mỗi năm gia đình ông thu vào hơn 1 tỷ đồng/ha từ cây cam sành, sau khi đã trừ chi phí.
Ông cho biết lợi ích của mô hình chuyển đổi trồng cam của gia đình như sau: “Có được thành quả trên đó là nhờ tôi rút kinh nghiệm sau khi trồng được nhiều năm và nhờ học hỏi từ các nhà khoa học, nắm vững kiến thức cho trái mùa nghịch. Tôi cho trái khi cây đạt 2 năm tuổi và làm mùa nghịch giá bán cao gấp 3 - 4 lần so với mùa thuận nhưng phải đánh giá được tổng thể số lượng cam sành trong vụ đó để tránh tình trạng ai cũng làm mùa nghịch thì cung nhiều hơn cầu dẫn đến giá cả thấp mà chi phí làm trái lại cao.”
Thấy hiệu quả cao từ cây cam sành mang lại, nhiều hộ nông dân đã chuyển sang trồng, thậm chí có hộ còn đi mướn đất để trồng, nên diện tích cây cam sành ở huyện đã tăng lên rõ rệt. Nếu trong năm 2009 là 5.914 ha thì cuối năm 2011 là 6.616 ha. Do việc phát triển quá nhanh, ồ ạt vì lợi nhuận của cây cam sành, nên nguồn cây giống sạch bệnh không đủ để cung cấp cho bà con, trong khi kiến thức về kỹ thuật canh tác, về bảo vệ thực vật chưa có cũng như bệnh vàng lá Greening mà bà con thường gọi là bệnh vàng lá gân xanh vẫn còn đe dọa và hiện chưa có loại cây có múi nào kháng được loại bệnh này.
Triệu chứng của bệnh này không thể hiện vào giai đoạn cây con chỉ khi cây trồng sắp cho trái mới thể hiện triệu chứng và đây là loại bệnh lây lan rất nhanh nên thiệt hại rất lớn. Theo số liệu thống kê, hiện nay toàn huyện đã có trên 346 ha diện tích cây cam sành bị nhiễm bệnh, trong đó tỷ lệ nhiễm từ 20 - 50% là 98 ha, tỷ lệ nhiễm từ 50 - 70% là 19 ha, tỷ lệ nhiễm trên 70% là 236 ha và có nguy cơ thành dịch trên diện rộng. Khi đó, những vườn cam có nguy cơ bị xóa sổ trong vài năm tới.
Do đó các ngành nông nghiệp tỉnh cùng các nhà khoa học và nông dân đang tìm giải pháp để khôi phục và phát triển cây cam sành. Theo đó, sẽ tổ chức tập huấn kết hợp với khám bệnh cây có múi trên địa bàn, xây dựng mô hình phòng trị và tổ chức lấy chỉ tiêu đánh giá kết quả, hướng dẫn nông dân thực hiện mô hình trồng xen cây ổi trong vườn cam, vì đây là mô hình mà Viện Cây ăn quả Miền Nam đã thực hiện thành công ở một số nơi và hạn chế được bệnh vàng lá.
Có thể nói việc phát triển cây cam sành có định hướng, sử dụng những giống cây sạch bệnh, sản xuất theo hướng hợp tác và sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP cần có sự hỗ trợ đắc lực của ngành nông nghiệp trong tìm đầu ra cho sản phẩm cũng như áp dụng các quy trình canh tác, bảo vệ thực vật theo phương pháp mới để hạn chế dịch bệnh và giúp cho cây cam sành phát triển một cách bền vững hơn.
Có thể bạn quan tâm
Hàng trăm hộ nông dân ở huyện U Minh Thượng (Kiên Giang) đã tự nguyện liên kết với nhau mở rộng diện tích trồng chuối để hình thành vùng SX tập trung.
Những ngày này, nông dân ở ấp Thạnh An và Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh đang thu hoạch cuối vụ mùa khóm nghịch. Điều làm người dân phấn khởi là giá khóm đang ở mức cao nhất từ trước đến nay.
Tại Hội nghị quy hoạch và xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản bền vững vùng ĐBSCL tổ chức tại tỉnh Kiên Giang, ông Nguyễn Huy Điền- Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản -cho biết, đến thời điểm này, 8 tỉnh, thành phố ven biển vùng ĐBSCL đã đề xuất 61 dự án thủy lợi với tổng nguồn vốn đầu tư lên tới trên 9.288 tỉ đồng.
Theo kết quả phân tích mẫu tôm biển kiểm tra bệnh định kỳ của Chi cục Nuôi trồng Thủy sản từ cuối tháng 02 đến ngày 17 tháng 3 năm 2014, xét nghiệm 13 mẫu tôm chân trắng nuôi và 06 mẫu tôm giống, đã phát hiện 07 mẫu tôm chân trắng nuôi và 04 mẫu tôm giống nhập tỉnh nhiễm bệnh hoại tử cơ quan tạo máu và biểu mô (IHHNV).
Huyện Quảng Xương: Vụ mùa năm 2014, huyện Quảng Xương gieo cấy hơn 8.500 ha, trong đó cơ cấu trên 60% diện tích lúa mùa muộn. Hiện nay, ở các xã: Quảng Cát, Quảng Phong, Quảng Châu... hơn 90% diện tích lúa mùa đang bị các đối tượng sâu bệnh tấn công, đặc biệt là sâu cuốn lá nhỏ; mật độ trung bình là trên 100 con/m2, cá biệt, có nơi lên tới trên 300 con/m2.