Để Cá Tra Về Giá Trị Thực
Từ đầu năm 2014 đến nay, dù SX cá tra còn nhiều khó khăn nhưng Đồng Tháp vẫn duy trì và phát triển nghề nuôi cá tra ổn định.
Nghề nuôi cá tra ở Đồng Tháp Đồng Tháp là tỉnh có diện tích nuôi cá tra lớn nhất khu vực ĐBSCL. Năm 2013 nuôi 1.994 ha, sản lượng đạt 365.437 tấn, XK đạt 182.714 tấn, giá trị kim ngạch hơn 473 triệu USD. Cá tra Đồng Tháp đã có mặt ở hơn 90 thị trường trên thế giới.
Ông Thái An Lai, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Đồng Tháp cho rằng, mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị định 36 về nuôi, chế biến và XK cá tra nhưng vẫn còn nhiều bất cập.
Khó khăn
Từ đầu năm 2014 đến nay, dù SX cá tra còn nhiều khó khăn nhưng Đồng Tháp vẫn duy trì và phát triển nghề nuôi cá tra ổn định. Tính đến hết tháng 5, tổng diện tích thả nuôi cá tra vụ mới là 1.333,68 ha, đạt 62,03% kế hoạch năm (bằng cùng kỳ năm 2013).
Tiêu thụ cá tra chỉ sôi động trong giai đoạn ngắn (đầu tháng 2 đến cuối tháng 3), đến đầu tháng 4 đã có dấu hiệu chững lại. Hiện nay các DN chỉ thu mua theo hợp đồng đã ký trước. Nguyên nhân do XK cá tra vẫn gặp khó khăn ở các nước EU, châu Á và Đông Âu; đặc biệt thị trường Nga vẫn chưa mở cửa đón nhận sản phẩm cá tra.
Điểm đáng lưu ý là diện tích nuôi cá tra ở Đồng Tháp của DN chiếm 66,17%, số còn lại liên kết nuôi gia công cho DN (11%), hộ nuôi riêng khoảng 22%. Các NM chế biến dần tổ chức hoàn thiện, hình thành dây chuyền khép kín từ khâu SX thức ăn, giống, nuôi thương phẩm đến chế biến XK nhằm đem lại lợi nhuận tối ưu cho DN.
Theo đó, diện tích vùng nuôi của hộ cá thể dần thu hẹp đồng nghĩa với việc vai trò của nông dân sẽ dần bị loại khỏi sân chơi này. Qua khảo sát của Hiệp hội Thủy sản Đồng Tháp, thời điểm hiện tại diện tích nuôi cá tra của hộ dân đã "treo ao" khoảng 120 ha, chủ yếu là các hộ nuôi quy mô nhỏ.
Vì sao tình hình nuôi cá tra ngày càng rơi vào khủng hoảng? Ông Thái An Lai nhận xét, nguyên nhân chính là cá tra phát triển quá nhanh nhưng thiếu vai trò "nhạc trưởng" trong quy hoạch vùng nuôi, xây dựng chuỗi liên kết và điều hành thu mua, chế biến, XK nên đã nảy sinh những vấn đề bất cập.
Đầu ra của sản phẩm luôn gặp phải các rào cản kỹ thuật - thương mại, chống phá giá, xuyên tạc, bôi xấu của các nước nhập khẩu. DN chế biến XK phát triển quá nóng, công suất chế biến vượt nhu cầu thị trường... đã nảy sinh cạnh tranh không lành mạnh về giá bán và chất lượng sản phẩm. Cụ thể, giảm giá cá tra XK ở thị trường ngoài nước, hạ giá cá nguyên liệu trong nước.
Trong chế biến, bên cạnh những nỗ lực đổi mới công nghệ, đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng sản phẩm, giữ gìn uy tín thì vẫn còn tồn tại dùng các thủ thuật mạ băng, tăng trọng, tẩy trắng hoặc dùng các loại kháng sinh, thuốc rẻ tiền để kiếm lợi, làm cho hình ảnh của cá tra VN trước con mắt các nước trên thế giới ngày càng xấu.
Tình trạng này diễn ra nhiều năm qua nhưng Nhà nước chưa có cơ chế quản lý cá tra XK nên một số DN vẫn tiếp tục chào bán phá giá khiến giá XK giảm, dẫn đến giá cá nguyên liệu trong nước sụt giảm, gây thiệt hại kinh tế cho người nuôi.
Cùng đó là sự liên kết lỏng lẻo, mối quan hệ lợi ích giữa DN và người nuôi chưa tương xứng. Trong chuỗi SX, DN luôn ở thế “thượng phong”, quyết định mọi hình thức hợp đồng mua bán, thanh toán, còn nông dân ở thế “kèo dưới” không có quyền mặc cả hay đàm phán thương lượng.
Khi XK tốt thì DN chia cho nông dân một ít, khi thị trường xấu thì đẩy hết các rủi ro về cho nông dân, như mua cá chậm trả, chiếm dụng vốn của họ dài ngày; thậm chí bẻ kèo, xù nợ do hợp đồng không mang tính pháp lý rõ ràng.
Một số trường hợp bị DN “quỵt nợ”, phá sản, mất cơ hội đầu tư tái SX. Mặt khác, do thiếu thông tin, “điệp khúc” khi thấy giá cá nguyên liệu lên cao thì người nuôi đồng loạt thả giống để rồi 6 - 7 tháng sau rơi vào tình trạng dư thừa, sản phẩm rớt giá, thua lỗ buộc phải "treo ao".
Giải pháp nào?
Ngành cá tra vẫn đang khủng hoảng. Giải pháp đồng bộ nào để khôi phục lại giá trị đích thực của cá tra, đảm bảo phát triển bền vững?
Theo ông Thái An Lai, trước hết Chính phủ, Bộ ngành TƯ cần có chính sách hợp lý tạo sân chơi bình đẳng, giảm cạnh tranh nội bộ. Nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý Nhà nước thông qua xây dựng và ban hành kịp thời các quy chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật, quy định quản lý chuyên ngành.
Trong đó áp dụng các biện pháp hành chính đủ mạnh để ổn định chất lượng, giá cả, thị trường... để bảo đảm giá nguyên liệu và XK có lợi nhất cho các bên tham gia chuỗi SX.
Cuối cùng là mạnh tay sắp xếp lại các DN ngành hàng cá tra, giảm bớt đầu mối XK. Cơ cấu lại DN yếu, tài chính không lành mạnh, hoạt động không rõ ràng. Xem việc cho các DN làm thương mại (không có NM chế biến) tham gia XK cá tra. Đây chính là tác nhân làm rối loạn thị trường XK.
Ngân hàng cũng cần xem xét tiếp tục hỗ trợ cho DN làm ăn tốt, có đầu tư chiều sâu hoặc hỗ trợ chuỗi liên kết 4 nhà.
Tổ chức lại SX gắn với năng lực chế biến và nhu cầu thị trường để ổn định cung cầu, tập trung nâng cao chất lượng, giá thành cạnh tranh để nâng giá trị SX. Tổ chức lại XK, tạo uy tín với các nhà nhập khẩu bằng chất lượng sản phẩm để nâng cao uy tín của cá tra VN.
Chấn chỉnh lại phương thức thu mua nguyên liệu, quy định giá sàn XK, có biện pháp chế tài và xử lý nghiêm minh các DN cạnh tranh không lành mạnh, bán phá giá thị trường ngoài nước, ép giá người nuôi, XK sản phẩm không đạt chất lượng ảnh hưởng đến giá tiêu thụ và uy tín cá tra VN.
Trong đó cần có quy định hợp đồng mẫu, phải có giá trị pháp lý và có ràng buộc DN trong phương thức thanh toán, nếu có trả chậm phải tránh gây thiệt hại cho người nuôi.
Hoàn thiện chuỗi liên kết ngang, liên kết dọc, tạo mối liên kết giữa người SX với nhà chế biến, theo nguyên tắc “nhà chế biến có vùng nguyên liệu, người nuôi có hợp đồng tiêu thụ”. Tổ chức thí điểm mô hình liên kết chuỗi nông dân nuôi, DN làm trung tâm tiêu thụ, Nhà nước hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân và thủ tục cho DN. Ngân hàng cho vay theo chuỗi.
Để đảm bảo có sự tham gia của vai trò người nông dân, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ các hộ nuôi nhỏ lẻ liên kết chung nhóm SX nhằm giúp họ được mua vật tư đầu vào giá rẻ, thực hiện các tiêu chuẩn SX an toàn, thuận lợi hơn; có nguồn nguyên liệu lớn dễ đàm phán giá cá với DN và dễ tiếp xúc với nguồn vốn ngân hàng.
Mô hình này có thể giúp người nuôi cá tra độc lập còn tiếp tục trụ lại được với nghề.
Ông Thái An Lai, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Đồng Tháp:
Nghị định 36 xem cá tra là ngành SXKD có điều kiện, có ý nghĩa rất quan trọng nhằm thiết lập lại một trật tự mới cho ngành hàng cá tra. Đây không chỉ là kỳ vọng của người người nuôi mà cả cộng đồng DN và người tham gia chuỗi SX.
Đồng thời là cơ sở pháp lý cần thiết để các nhà quản lý, các địa phương quản lý điều hành SX, XK tập trung, gắn kết SX với nuôi trồng, chế biến và XK theo hướng nâng cao chất lượng, nâng cao chuỗi giá trị để phát triển bền vững.
Với các quy định về tỷ lệ mạ băng, hàm lượng nước trong sản phẩm chế biến, hợp đồng XK phải có chứng nhận tiêu chuẩn VN mới được ngành hải quan thông quan, các ngành chức năng sẽ quản lý kiểm soát được các hoạt động XK, hạn chế tình trạng bán phá giá và gian lận thương mại, nâng được giá bán sẽ nâng được giá thu mua cá nguyên liệu đảm bảo cho nông dân có lời.
Nghị định 36 góp phần thúc đẩy phát triển liên kết ngang, liên kết dọc. Trước đây hơn 30% sản lượng cá nguyên liệu còn thiếu hụt thì các DN thả nổi để nông dân SX tự phát. Nay quy định cá tra nguyên liệu chế biến XK phải đáp ứng điều kiện ATVSTP, DN sẽ chủ động liên kết với người nuôi để SX, cung ứng nguồn nguyên liệu đảm bảo chất lượng theo quy định.
Có thể bạn quan tâm
Theo thông tin từ Bộ NNPTNT, trong 11 tháng năm nay, nhập khẩu ngô đã đạt mức kỷ lục là 6,56 triệu tấn, giá trị nhập khẩu đạt 1,43 tỷ USD, tăng 58,5% về khối lượng và tăng 34,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014.
Những người trồng chuối Hưng Yên hiện đang vui mừng vì chuối liên tục được giá. Thời điểm này, dù chuối vẫn còn non nhưng nhiều thương lái đã đến vườn đặt cọc.
Sau hơn 3 năm thực hiện Quyết định 315 của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm bảo hiểm nông nghiệp, cả người dân và các đơn vị tham gia bảo hiểm đều không hào hứng với chính sách này.
Ông Nguyễn Văn Nhựt ở ấp Trung Đoàn, xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng có 6 công (1 công = 1.000m2) trồng chuối xiêm, mỗi năm lời trên 100 triệu đồng.
Đi đón “heo kiều”... là câu ví von mà ông Nguyễn Kim Đoán - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, đồng thời là hộ chăn nuôi tại xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai nói khi ông đánh xe lên sân bay Tân Sơn Nhất đón đàn heo giống siêu năng suất nhập về từ Hongkong.