Để Cá Ngừ Đại Dương Trở Thành Sản Phẩm Chiến Lược
Cá ngừ là mặt hàng xuất khẩu đứng thứ ba của Việt Nam sau tôm và cá tra, basa với 526 triệu đô-la Mỹ năm 2013 và tương lai sẽ trở thành mặt hàng chủ lực của ngành thủy sản nếu có cơ chế, chính sách ưu đãi để hỗ trợ ngư dân đầu tư, cải tạo trang thiết bị, công cụ đánh bắt nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Hiện trữ lượng cá ngừ khai thác vào khoảng 80.000 tấn. Con số này mới chỉ tính trên ngư trường khai thác của Việt Nam, chưa tính đến ngư trường quốc tế mà Việt Nam có thể khai thác.
Vì thế, tiềm năng khai thác cá ngừ đại dương là rất lớn nhưng con cá ngừ vẫn đang gặp nhiều khó khăn, rào cản trên con đường tiến đến mục tiêu trở thành "sản phẩm chiến lược”. Một trong những yếu tố rào cản phải kể đến là khả năng khai thác, đánh bắt của ngư dân còn rất hạn chế.
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thủy sản Nguyễn Việt Nghĩa cho biết, cá ngừ đại dương là loài di cư xa, tốc độ di chuển nhanh, nằm ở độ sâu lớn nên để khai thác được cá ngừ đại dương cần phải có trình độ khoa học công nghệ nhất định mới có thể khai thác hiệu quả.
Nhưng do lượng tàu công suất lớn hiện đại chưa nhiều, ngư lưới cụ còn hạn chế, khiến cho việc khai thác, thu mua, chế biến đến tiêu thụ chủ yếu theo hướng tự phát, nhỏ lẻ… đã dẫn đến chất lượng cá không đồng đều, ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu thiếu bền vững. Cùng với đó, công tác dự báo ngư trường để hỗ trợ cho ngư dân chưa mang lại nhiều hiệu quả.
Theo ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, việc đầu tư cho dự báo ngư trường chưa tương xứng. Trong đề án 47, cần 176 tỷ đồng để làm dự báo ngư trường nhưng trong 3 năm Nhà nước mới phân bổ được 51 tỷ đồng. "Muốn làm dự báo mà ngành thủy sản không có con tàu nghiên cứu nào hết. Như vậy là rất khó khăn”, ông Tuấn bày tỏ.
Đổi mới công nghệ
Theo Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam, chỉ có 10% trong tổng số sản lượng 15.000 tấn cá ngừ đại dương mà ngư dân khai thác đủ tiêu chuẩn xuất khẩu nguyên con sang thị trường Nhật Bản. Trong khi đó, nếu xuất khẩu nguyên con thì ngoài được giá bán cao, còn các dạng khác, giá chỉ bằng một nửa, một phần ba hoặc thấp hơn.
Nguyên nhân do quá trình khai thác, sơ chế, bảo quản sau đánh bắt không đảm bảo. Phương pháp câu tay kết hợp với ánh sáng khiến mạch máu cá bị vỡ, thịt cá phát sinh acit lactic, hàm lượng histamin cũng tăng nhiều nên bị chua. Các hầm bảo quản của tàu có kết cấu thô sơ, chủ yếu chỉ bằng xốp ép và lót bạt nên không giữ được độ lạnh.
Nguyên liệu bảo quản là đá xay, nhưng loại nước đá này phần lớn cũng bị nhiễm phèn, nhiễm bẩn, khả năng giữ lạnh kém, khiến cho tàu đi đánh bắt hàng tháng khó giữ được cá chất lượng xuất khẩu tươi nguyên con. Các đại lý mua cá ngừ từ ngư dân lại thường chọn thời điểm mua cá vào gần giữa trưa, lại để cá trên nền đất… khiến chất lượng cá giảm.
Điều này cũng lý giải được vì sao 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, nơi đang có đội tàu 1.800 chiếc câu cá ngừ đại dương nhưng vẫn phải nhập khẩu cá ngừ về chế biến, sau đó tái xuất. Đây là sự lãng phí tài nguyên và làm giảm sút năng lực cạnh tranh của nghề khai thác, chế biến cá ngừ.
Phát triển bền vững
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Ngọc Oai nhấn mạnh: "Những yếu kém của hoạt động khai thác, chế biến, bảo quản, tiêu thụ cá ngừ đại dương phải được khắc phục tích cực.
Bởi hạn chế đó không chỉ làm nguồn lợi cá ngừ khai thác bị thất thoát, hiệu quả sản xuất giảm thấp mà uy tín, thương hiệu cá ngừ Việt Nam cũng bị ảnh hưởng theo. Điều đó sẽ làm cá ngừ của ta giảm khả năng cạnh tranh trên các thị trường xuất khẩu, ngư dân trong nghề không thể vươn lên làm giàu và yên tâm bám biển...".
Thiết nghĩ để có một nền kinh tế biển ổn định, phát triển vững mạnh, sự cố gắng nỗ lực của bản thân các ngư dân, doanh nghiệp thôi chưa đủ, cần phải có sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc kết nối "các nhà”, cũng như có sự đầu tư hợp lý, xứng với tiềm năng kinh tế biển.
Từ việc xây dựng thương hiệu phải có phương thức quảng bá sản phẩm, giới thiệu thị trường và xem xét các cơ chế, chính sách ưu đãi để hỗ trợ ngư dân đầu tư, cải tạo nâng cấp tàu thuyền, ngư cụ cũng như áp dụng phương pháp đánh bắt mới hiệu quả hơn, đặc biệt là thời điểm thu câu.
Bên cạnh đó là đổi mới công việc thu mua bảo quản, đông lạnh sau khi khai thác. Cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa người khai thác và người thu hoạch sau đánh bắt, nhằm giảm thất thoát, lãng phí, bảo đảm chất lượng sản phẩm sau đánh bắt.
Có thể bạn quan tâm
Tính từ đầu năm đến hết tháng 5, tổng giá trị kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu qua địa bàn do Cục Hải quan Cao Bằng quản lý (Cao Bằng và Bắc Kạn) là gần 76 triệu USD, giảm 22,73% so với cùng kỳ.
Trong khi giá hành, tỏi ở nhiều địa phương rớt mạnh thì tại huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), mỗi kg tỏi cô đơn có giá đến 1,2 triệu đồng.
Lựa chọn rau sạch, rau an toàn cho mỗi bữa ăn khiến các bà nội trợ luôn lo lắng. Trong khi chờ đợi các cơ quan chức năng có biện pháp xử lý triệt để rau không rõ nguồn gốc, nhiều người bắt đầu tìm đến giải pháp tự trồng rau xanh tại nhà.
Ngay từ đầu năm, song song với việc thực hiện phát triển KT – XH, QP – AN, huyện Vị Xuyên đã tập trung đẩy mạnh triển khai thực hiện các chương trình, đề án, phương án trọng tâm trong lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp. Huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện quyết liệt, đảm bảo tiến độ của các chương trình, đề án, phương án và mang lại những kết quả đáng mừng.
Giải pháp nâng cao chuỗi giá trị cho lúa gạo ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thông qua mối liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và nhà nông ngày càng được các địa phương, trong đó có Hậu Giang quan tâm xúc tiến thực hiện mạnh mẽ hơn.