Trang chủ / Tin tức / Tin nông nghiệp

ĐBSCL mất 80 triệu tấn phù sa dân thất mùa, đe dọa cả vùng

ĐBSCL mất 80 triệu tấn phù sa dân thất mùa, đe dọa cả vùng
Tác giả: Huỳnh Xây
Ngày đăng: 03/05/2016

Dân thất mùa, bờ biển sạt lở

Phù sa làm đất màu mỡ, cây trái và lúa phát triển tốt hơn, người dân sử dụng phân bón ít hơn. Tuy nhiên, theo Sở NNPTNT tỉnh An Giang, những năm gần đây lượng phù sa rất ít, đã làm cho cỏ dại, sâu bệnh xuất hiện nhiều, chi phí sản xuất của người dân tăng cao rõ rệt. “Tuy không có số liệu chứng minh chính xác nhưng có thể khẳng định lượng phù sa ở vùng đất An Giang nói riêng và vùng ĐBSCL vài năm trở lại đây ngày càng ít dần và gây nhiều khó khăn cho người dân trong sản xuất nông nghiệp” – ông Lũ Cẩm Khường – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh An Giang nói.

Phóng viên đã tìm hiểu tại một số huyện trên địa bàn tỉnh An Giang như: Tân Châu, Châu Thành, Châu Đốc, Tri Tôn… và ghi nhận việc sản xuất lúa ngày càng trở nên tốn kém, công sức của người dân bỏ ra nhiều hơn nhưng năng suất đạt không như ý muốn.

Ông Lê Văn Năm ngụ ở xã Vĩnh Phước, huyện Tri Tôn, nói: “Trước đây, canh tác lúa ít bị sâu bệnh, nhưng hiện nay sâu bệnh tấn công quá dữ dội, tôi phải thường xuyên thăm đồng, phun thuốc, rải phân liên tục mới mong cây lúa cầm cự được. Vụ lúa đông xuân vừa qua, năng suất của 5.000m2 lúa chỉ đạt khoảng 3,5 tấn, trong khi vụ đông xuân năm 2014-2015 đạt trên 4 tấn”. Không riêng gì việc trồng lúa, lượng phù sa giảm đã làm cho nhiều địa phương ĐBSCL gần biển, đặc biệt là Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau bị sạt lở nghiêm trọng. Nhiều hộ dân ở huyện Duyên Hải (Trà Vinh) cho biết, vài năm trở lại đây họ “mất ăn mất ngủ” vì bờ biển xã Hiệp Thạnh liên tục bị sạt lở, lấn sâu vào đất liền.

Anh Trần Công Lập ngụ ở ấp Bào, xã Hiệp Thạnh nói: “Nước biển đang mỗi ngày lấn sâu vào đất liền. Gia đình tôi có hơn 5.000m2 đất nhưng bị sạt lở chỉ còn lại 1.000m2. Những cây phi lao trồng chắn sóng nhiều năm trước đây đã bị trốc gốc, ngã trôi ra biển gần hết”.

Theo ngành nông nghiệp và các nhà khoa học các địa phương ĐBSCL, những năm gần đây, nước từ thượng nguồn đổ về ít, hiện tượng El – Nino diễn ra khắc nghiệt dẫn đến mặn xâm nhập ngày càng sâu, và người dân sử dụng mực nước ngầm nhiều đã khiến cho ĐBSCL dần bị sụt lún. Nếu không có lượng phù sa bù đắp vào lượng đất bị sụt lún trên, trong khi nước biển ngày càng dâng cao thì rất nguy hiểm.

“Nhiều năm trước đây ở trạm Tân Châu (An Giang) - nơi đầu nguồn vào ĐBSCL còn thấy những dấu hiệu của phù sa về, nhưng vài năm gầy đây thì không thấy nữa. Thiếu nước ngọt còn có cơ hội bổ sung từ mưa, còn thiếu phù sa bù đắp cho việc sụt lún đất thì rất nguy hiểm, ĐBSCL không có cơ may phục hồi…” - PGS Lê Anh Tuấn – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường ĐH Cần Thơ) thông tin.

Thiếu phù sa, đe dọa cả đồng bằng

Theo các nhà khoa học, ĐBSCL được hình thành từ 6.000 năm qua do phù sa (bùn, cát, sỏi…) sông Mekong bồi đắp không ngừng. Lượng phù sa bồi đắp này trội hơn năng lượng của biển (sóng, triều). Vì vậy, khi cán cân phù sa bị thiếu hụt, biển sẽ xâm nhập sâu vào đất liền, làm sạt lở bờ biển. “Bờ biển ĐBSCL có một lớp nước đục do phù sa tạo nên.

Một mặt lớp nước đục này bồi lắng đồng bằng, mặt khác nó làm tấm “áo giáp mềm” bảo vệ cho bờ biển. Khi phù sa bị ít đi, lớp “áo giáp” này sẽ mỏng hơn và không còn bảo vệ được bờ biển nữa” - thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện - chuyên gia độc lập nghiên cứu về sinh thái vùng ĐBSCL cho biết.


Đê biển ĐBSCL bị đe dọa vì thiếu phù sa. Ảnh: HUỲNH XÂY

Cũng theo thạc sĩ Thiện, khi các đập thủy điện được xây dựng trên thượng nguồn, lượng phù sa sẽ bị chắn không qua được đập, không xuống được hạ lưu. Vì vậy, ĐBSCL sẽ diễn ra quá trình tan rã.

“Lượng phù sa sông Mekong hàng năm xuống ĐBSCL khoảng 160 triệu tấn nhưng các đập của Trung Quốc đã làm giảm tải lượng xuống còn 50% và đã gây sạt lở bờ sông bờ biển ĐBSCL. Sau này khi 11 đập dòng chính ở hạ lưu vực xây dựng xong, lượng phù sa sẽ giảm tiếp còn lại 25%. Như vậy, quá trình kiến tạo đồng bằng sẽ hoàn toàn bị cắt đứt và quá trình ngược sẽ diễn ra, tức là quá trình sạt lở, tan rã của đồng bằng.

Lúc này chúng ta hình dung ĐBSCL như là… “tấm giẻ rách” – ông Thiện cảnh báo. Cũng như thạc sĩ Thiện, nhiều ý kiến cho rằng, việc sạt lở bờ biển ĐBSCL do thiếu phù sa sẽ không có cách nào khắc phục và sẽ không có giải pháp công trình nào có thể chặn vì quá trình sạt lở sẽ diễn ra nhanh hơn và dài hơn.


Có thể bạn quan tâm

Trồng rau sạch, nông dân Mộc Châu thu 500 triệu đồng/ha/năm Trồng rau sạch, nông dân Mộc Châu thu 500 triệu đồng/ha/năm

Với việc tích cực áp dụng quy trình kỹ thuật và kiến thức thị trường, nên hiệu quả kinh tế từ trồng rau sạch của Mộc Châu đạt 400-500 triệu đồng/ha/năm.

03/05/2016
Vì sao Quảng Trị cầu cứu 134 tỷ đồng và 800 tấn gạo? Vì sao Quảng Trị cầu cứu 134 tỷ đồng và 800 tấn gạo?

Những ngày này, thương lái đã bắt đầu thu mua hải sản trở lại cho ngư dân Quảng Trị. Tuy nhiên, hiện tượng cá chết bất thường thời gian dài vừa qua khiến giá hải sản giảm từ 20-50 nghìn đồng/kg, người dân gặp vô vàn khó khăn.

03/05/2016
Làm VAC mỗi ngày bỏ túi cả triệu đồng Làm VAC mỗi ngày bỏ túi cả triệu đồng

Tốt nghiệp trung cấp thú y, tìm được công việc ở thành phố nhưng anh Phùng Văn Sơn, thôn Muồng Voi, xã Vân Hòa (Ba Vì, Hà Nội) lại về quê làm trang trại vườn-ao-chuồng (VAC).

03/05/2016