ĐBSCL lại sốt lúa giống
Theo kế hoạch, vụ lúa hè thu (HT) 2018, các tỉnh vùng ĐBSCL gieo sạ với tổng diện tích 1,65 triệu ha. Với tập quán sạ dày (từ 150 - 180kg/ha) thì lượng lúa giống cần cho SX dao động từ 250.000 - 300.000 tấn.
Giá lúa giống thường tăng mạnh mỗi khi vào vụ
Tuy nhiên, năng lực SX chỉ đáp ứng được khoảng từ 50 - 70% nhu cầu của nông dân. Trong đó, lượng giống được kiểm nghiệm đạt tiêu chuẩn, có bao bì nhãn mác theo quy định chiếm tỷ lệ rất thấp. Số còn lại, nông dân tự SX, trao đổi, thậm chí dùng cả lúa hàng hóa (lúa thịt) để làm giống gieo sạ. Vì vậy, cứ vào đầu vụ là xảy ra hiện tượng “cháy hàng”.
Do xu thế nhu cầu thị trường đòi hỏi SX lúa chất lượng cao đáp ứng cho thị trường xuất khẩu nên đại đa số nông dân có ý thức tuyển chọn các loại giống có chất lượng cao, cuối vụ dễ tiêu thụ bán giá cao như: OM 6976, OM 4218, OM 5451, OM 4900, Jasmine 85 và nếp các loại. Các loại giống được nông dân tìm mua tại các doanh nghiệp, trung tâm SX giống, đại lý phân phối giống, HTX, tổ hợp tác...
Hiện mới chỉ là đầu vụ SX lúa HT, diện tại gieo sạ chưa nhiều nhưng các mặt hàng lúa giống đã tăng mạnh từ 700 - 1.000 đồng/kg (tùy loại giống) so với cách nay hơn 1 tháng. Cụ thể lúa giống IR 50404 cấp xác nhận có giá bán từ 10.500 - 12.500 đồng/kg, lúa giống IR 50404 cấp nguyên chủng giá 14.000 - 15.500 đồng/kg. Các giống lúa chất lượng cao như: OM 5451, OM 4900, OM7347, OM 4218, OM 2517, VD20… cấp xác nhận có giá phổ biến từ 11.000 - 14.000 đồng/kg; cấp nguyên chủng giá 14.500 - 17.000 đồng/kg…
Ông Nguyễn Tấn Được, ở xã Đông Bình, huyện Thới Lai, Cần Thơ cho biết, gia đình chuẩn bị xuống giống hơn 1ha vụ HT nên cần lượng giống khoảng 150kg. Tuy giá lúa giống có tăng so với năm trước khoảng 500 đồng/kg nhưng phải tìm các cửa hàng kinh doanh uy tín để mua.
“Nhiều năm trước đây gia đình tôi đều chọn mua giống nguyên chủng cao hơn giống xác nhận khoảng 2.000 - 3.000 đồng/kg, sau đó trồng và để làm giống cho vụ sau. Nhưng do qua 2 - 3 mùa nên cần phải thay đổi giống để đảm bảo năng suất và chất lượng gạo”, ông Được nói.
Ông Nguyễn Văn Hồng, GĐ Cty CP Giống cây trồng Đồng Tháp cho biết, đang là thời điểm bắt đầu vào vụ lúa HT, thị trường lúa giống đã “nóng lên” gần 1 tháng nay. So với cùng kỳ năm trước, giá lúa giống năm nay cao hơn. Nguyên nhân do ảnh hưởng giá lúa hàng hóa đang đứng ở mức khá cao.
Theo ngành nông nghiệp Đồng Tháp, vụ lúa HT năm nay lượng giống trong tỉnh có phần tăng giá, vì chủ trương của tỉnh đẩy mạnh đưa giống lúa tốt vào cánh đồng lớn (CĐL) nhằm tạo ra hàng hóa chất lượng, dễ tiêu thụ, đảm bảo đáp ứng yêu cầu XK.
Với tập quán sạ dày, ĐBSCL tiêu thụ lượng lúa giống rất lớn
Ông Nguyễn Văn Công, GĐ Sở NN-PTNT Đồng Tháp cho biết: Đồng Tháp có khoảng 100 CĐL liên kết ở 8 huyện, thị với diện tích hơn 282.000ha. Vụ ĐX vừa rồi, việc sử dụng giống lúa chất lượng cao tại CĐL như Jasmine 85, OM 4218, OM 6976 và OM 4900, OM 6162, giúp giá thành giảm 236 đồng/kg và lợi nhuận tăng thêm 2,1 triệu đồng/ha. Các giống lúa gieo sạ cho CĐL liên kết được ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo gieo sạ từ 80 -100kg/ha, bằng biện pháp sạ hàng, sạ thưa, xuống giống tập trung đồng loạt theo lịch né rầy trong từng vùng, từng khu vực, đã hạn chế được dịch bệnh.
Hiện nay việc SX giống chất lượng cao của tỉnh tương đối đảm bảo, với trên 138 cơ sở, hộ SX kinh doanh giống lúa, đảm bảo đủ giống cho SX lúa hằng năm. Các trại giống và nông dân tự nhân giống lúa xác nhận, riêng vụ lúa ĐX 2017, khoảng 30.000 tấn giống lúa chất lượng cao đủ phục vụ các CĐL liên kết ở các vụ tiếp theo. Cơ cấu giống lúa đảm bảo chất lượng cao, phục vụ XK.
Tại Kiên Giang, nông dân đã bắt tay vào gieo sạ vụ lúa HT 2018 với tổng diện tích 280.000 ha, lớn nhất khu vực ĐBSCL. Nhiều nông dân đang tìm đến các cơ sở SX kinh doanh để mua lúa giống về gieo sạ, giá cũng đang tăng lên.
Ông Nguyễn Trung Tiền, Giám đốc Trung tâm Giống nông lâm ngư nghiệp Kiên Giang cho biết, đơn vị đã chuẩn bị lượng lúa giống phong phú, với khoảng 2.700 tấn (kể cả mạng lưới nhân giống) để phục vụ nhu cầu SX của nông dân. Lượng giống này không chỉ phục vụ cho vụ HT mà cho cả vụ thu đông sắp tới, do khung mùa vụ rất gần nhau.
Theo ông Tiền, nhu cầu của nông dân hiện khá cao, trung bình mỗi ngày tiêu thụ hơn 10 tấn giống các loại, giá có tăng hơn so với vụ đông xuân, cấp xác nhận thấp nhất cũng từ 12.000 đồng/kg. Một số giống lúa chất lượng cao, xuất khẩu tốt như: OM 5451, OM 2517... thị trường đang có nhu cầu lớn.
Tùy vùng sinh thái và cơ cấu mùa vụ, nông dân nên chọn giống sản xuất cho phù hợp. Như vùng sản xuất lúa 3 vụ/năm, vùng ven biển nên chọn các giống cực ngắn ngày (từ 90 - 100 ngày) như: GKG1, OM 5451, OM 4900, OM 4347... để canh tác, né mặm vào thời điểm cuối vụ, tránh bị thiệt hại.
Theo ông Hồng, bình quân một năm Cty tiêu thụ khoảng 4.000 tấn lúa giống các loại. Riêng vụ HT 2018 tiêu thụ khoảng 2.000 tấn giống cho thị trường trong và ngoài tỉnh, chủ yếu các giống như OM 5451, OM 4900, Jasmine 85, Nàng Hoa 9...
Đa phần các giống đều tăng từ 700 - 1.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước. Theo xu hướng thị trường hiện nay, phần lớn nông dân chọn giống lúa chất lượng tốt phục vụ XK, nơi bán có uy tín, đã bỏ dần các giống lúa kém chất lượng.
Có thể bạn quan tâm
Giá thành chăn nuôi gia cầm của Việt Nam đã tiệm cận với các nước và sắp tới C.P Việt Nam sẽ xuất khẩu thịt gà sang Nhật Bản sau khi hoàn tất thủ tục
Cánh cửa xuất khẩu khó nhất vào Hoa Kỳ đã mở, người trồng vú sữa ở Tiền Giang, nhất là giống vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim như “bừng sống” trở lại
Ba Tri (tỉnh Bến Tre) là một trong những huyện có đàn bò lớn nhất tỉnh với hơn 150.000 con, gồm bò thịt và bò sinh sản.