Đậu xanh hè thu được mùa, được giá
Đến hôm nay, gia đình ông Lê Long (xóm 7, xã Gia Phố, Hương Khê) mới thở phào nhẹ nhõm khi 2 sào đậu xanh cho kết quả khá. Còn nhớ, cách đây chưa đầy 3 tháng, cả cánh đồng này bạc trắng. Không có lấy giọt nước vì nắng hạn, đất bị nung thành đá, vất vả lắm, ông mới có thể cày lên thành luống để trỉa đậu.
Ông Long cho biết: “Cứ tưởng phải bỏ không, may có trận mưa vào giữa tháng 6 để làm đất. So với mọi năm thì tiến độ gieo trỉa chậm hơn khoảng nửa tháng. Vậy nhưng, trời chẳng phụ công người, 2 ngày thu hoạch, tôi thu về 3 yến, đậu đẹp, đều. Khoảng hơn 1 tuần nữa thì kết thúc thu hoạch lứa thứ nhất, phần nào cũng yên tâm bởi đã “chạy” trước lũ rồi”.
Tuyến QL 15A từ Hương Khê qua Vũ Quang được phủ xanh bởi những nương đậu chạy dài tít tắp. Bà con nông dân tập trung ra đồng thu hoạch lứa thứ nhất. Cảnh lao động rộn ràng, nhộn nhịp làm náo nhiệt cả một vùng. Những mẻ đậu ngày một chất đầy thêm.
Chị Nguyễn Thị Châu (xóm 1, xã Hương Thủy, Hương Khê) cho biết: “Sau trận hạn thì có mưa liên tục, nhờ vậy, cây đậu phát triển rất nhanh nên không ảnh hưởng đến năng suất. Đậu xanh chủ yếu nhờ vào lứa thứ nhất này. Nhà tôi làm 5 sào, thu hoạch gần 1 tuần nay rồi. So với các năm trước thì năng suất năm nay tương đương, nhưng mừng là được giá. Chúng tôi chỉ cần tách vỏ, phơi qua là thương lái đến thu mua ngay với giá 26.000 đồng/kg”.
Ông Ngô Xuân Ninh - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Hương Khê cho hay: “Hằng năm, huyện sản xuất 3.000 ha đậu xanh, chủ yếu cơ cấu trong vụ hè thu. Cơ bản những vùng sản xuất này được quy hoạch thành vùng sản xuất tập trung lớn. Diện tích đậu xanh còn có khả năng mở rộng thêm vài nghìn ha, đáp ứng nhu cầu sản xuất hàng hóa lớn. Hiện nay, huyện đang xây dựng đậu xanh trở thành cây chủ lực của địa phương. Theo đó, kêu gọi nhà khoa học, doanh nghiệp đầu tư nhằm đổi mới tái cơ cấu bộ giống, hình thức sản xuất, gia tăng hiệu quả kinh tế, tạo sản phẩm lớn cho thị trường”.
Mùa thu hoạch đậu xanh bội thu cũng đang đến với người dân huyện miền núi Hương Sơn. Đến thời điểm này, toàn huyện đã thu hoạch khoảng 50% diện tích, nhiều vùng đã kết thúc thu hái lứa 1, chuẩn bị thu hoạch lứa 2. Bà Phan Thị Loan (xóm 3, xã Sơn Hà) cho biết: “Một năm làm lúa không bằng một vụ làm đậu. Bà con vùng núi chúng tôi đều trông chờ vào cây đậu xanh này. Đầu vụ mặc dù nắng nóng nhưng bà con vẫn quyết tâm gieo trỉa hết diện tích. Vụ hè thu này, năng suất đạt bình quân 40 kg/sào.
Mừng nhất là giá năm nay lên cao mà rất dễ bán. Năm ngoái giá chỉ 20.000 đồng/kg, năm nay, tăng lên 26.000 đồng”. Tính trung bình, người nông dân có thể thu về 1 triệu đồng trên một sào đậu xanh. Chính hiệu quả kinh tế này đã khiến nhiều bà con chuyển hẳn sang trồng đậu xanh thay vì ngô hay lúa như trước. Nhất là sau đợt hạn hán lịch sử xảy ra hồi tháng 6 vừa qua thì có ít nhất vài trăm ha trồng ngô được chuyển sang trồng đậu xanh.
Ở miền xuôi Thạch Hà, Can Lộc, thời điểm thu hoạch mới chỉ bắt đầu. Tuy diện tích còn ít nhưng theo bà con thì năm nay đậu chín khá đều và tập trung, hứa hẹn bội thu. Thời gian thu hoạch đậu xanh sẽ kéo dài đến khoảng giữa tháng 9. Nếu thời tiết thuận lợi thì đây là năm thắng lợi toàn diện mùa đậu xanh hè thu.
Có thể bạn quan tâm
Ngày 13-12, Bộ NN&PTNT tổ chức hội thảo đánh giá kết quả thực hiện dự án quản lý nghề cá (QLNC) ở 8 tỉnh, giai đoạn 2006 - 2011 và xây dựng kế hoạch nhân rộng ra toàn quốc những năm tiếp theo. Thực tiễn cho thấy nghề cá ở nước ta còn nhiều khó khăn: quy mô nhỏ, phân tán, đời sống của ngư dân còn nghèo. Khai thác thủy sản còn nhiều bất cập, dẫn đến nguồn lợi cạn kiệt, môi trường nguồn nước bị suy thoái…
Hàng ngàn căn nhà bị ngập nước, nhiều nhà dân sập, bị cuốn trôi, hoa màu mất trắng…người dân nơi vùng “rốn lũ” vùng Đồng Tháp đang phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất
Toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có 20 tổ sản xuất rau an toàn đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn, trong đó nổi bật có Hợp tác xã rau an toàn Thắng Lợi ở xã Phước Hưng (huyện Long Điền). Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là sản phẩm rau an toàn (RAT) của các HTX hầu hết vẫn chưa tìm được thị trường ổn định, giá cả bấp bênh.
Trong khuôn khổ Dự án "Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học (QSEAP)", do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tài trợ, tỉnh Tiền Giang đầu tư hơn 3,7 tỉ đồng để hỗ trợ các hộ nông dân trên địa bàn tỉnh thay thế các giống cây ăn quả cũ, già cỗi bằng các giống cây ăn quả chất lượng, nhằm tạo sản phẩm nông sản an toàn phục vụ nhu xuất khẩu.
Cứ nhắc đến con tôm sú, nhiều người nuôi tôm ở xã Vĩnh Hảo, Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong) vẫn còn hãi hùng khi bao nhiêu vốn liếng cứ đội nón ra đi. Người vỡ nợ không phải là ít khi dịch bệnh trên tôm sú cứ xảy ra liên miên. Khi TTCT xuất hiện ở tỉnh Bình Thuận vào năm 2005, dân nuôi tôm như bắt được phao sau một thời gian dài "thoi thóp"