Hôm qua (21.6), Nghị quyết giám sát chuyên đề về thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã được Quốc hội thông qua, với mục tiêu tăng đầu tư cho tam nông “5 năm sau cao gấp 2 lần 5 năm trước”.
Tăng vốn, hoàn thiện hệ thống pháp luật
Nhìn nhận sự thiếu ổn định, chưa đồng bộ, chồng chéo trong các quy định và sự thiếu thực tế của hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến tam nông, nghị quyết lần này xác định cần sớm ban hành một hệ thống pháp luật nhằm tiếp tục hoàn thiện chính sách. Đó là Luật Đầu tư công, mua sắm công, Luật Quy hoạch, Luật Thủy lợi, Luật Thú y, Luật Việc làm. Sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai, Luật Hợp tác xã, Luật Dạy nghề, Luật Thủy sản.
Thời gian tới, đầu tư cho lĩnh vực tam nông sẽ tiếp tục tăng mạnh.
Ngoài ra, những quy định pháp luật về ngân sách nhà nước, đấu thầu, đầu tư, doanh nghiệp, xây dựng, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, bảo hiểm nông nghiệp, dạy nghề, nhà ở, vệ sinh môi trường, hoạt động giám sát cũng sẽ được rà soát, sửa đổi, bổ sung.
Thực hiện tinh thần Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành T.Ư Đảng lần thứ 7 (khóa X), nghị quyết nêu rõ: Tăng đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đảm bảo vốn 5 năm sau cao gấp 2 lần 5 năm trước.
Tăng vốn đầu tư công phát triển nông nghiệp, nông thôn cho các vùng trọng điểm, các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp có lợi thế cạnh tranh cao, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, các tỉnh nghèo, tỉnh miền núi, những địa phương khó có điều kiện thu hút đầu tư từ các nguồn vốn khác, các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a và Chương trình 135 của Chính phủ.
Ưu tiên cho khoa học và tín dụng
Trong số các lĩnh vực thuộc diện ưu tiên đầu tư, nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ trong nông nghiệp, nhất là công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ chế biến sau thu hoạch, sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản... được đặt lên hàng đầu. Việc xác định và ưu tiên khoa học- công nghệ cho thấy mục tiêu của Nhà nước đối với một nền công nghiệp chất lượng cao, tăng năng suất lao động và những sản phẩm giàu sức cạnh tranh.
Hôm qua Quốc hội cũng đã thông qua Luật Quảng cáo; Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Biển Việt Nam; Nghị quyết về một số cải tiến, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội; Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn; Nghị quyết ban hành một số chính sách thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho tổ chức và cá nhân...
Đối với vấn đề đất đai, Nghị quyết đặt ra vấn đề rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách thu hút đầu tư, nhất là về thu tiền sử dụng đất, thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp, các hợp tác xã nông nghiệp có dự án, công trình đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là các dự án đầu tư vào vùng sâu, vùng xa, vùng núi, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn...
Cũng theo nghị quyết, mạng lưới tín dụng nông thôn sẽ được chú trọng đầu tư với việc tăng thêm các điểm giao dịch của ngân hàng thương mại trên địa bàn nông thôn. Khuyến khích các ngân hàng, tổ chức tín dụng cho vay vốn với cơ chế ưu đãi đối với lĩnh vực nông nghiệp, nhất là tăng mức và kỳ hạn cho vay phù hợp với chu kỳ sản xuất của từng đối tượng, từng loại cây, con. Tiếp tục cải tiến thủ tục để các đối tượng vay tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn.
Ngoài ra, nghị quyết cũng đặt vấn đề cần nghiên cứu, đổi mới chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo nhằm giảm nghèo bền vững. Bảo đảm vốn ngân sách nhà nước để thực hiện các chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi...