Đậu Phộng Dại Phủ Vườn Thanh Long
Nông dân Bình Thuận đang phát triển mô hình trồng đậu phộng dại thay thế rơm rạ phủ vườn thanh long. Đây là loài cây có thời gian sinh trưởng khá dài, từ 1 - 5 năm và có khả năng chống xói mòn, khống chế sự phát triển cỏ dại để lại nguồn hữu cơ cho đất và cây trồng.
Lâu nay người trồng thường lấy rơm phủ vào gốc thanh long để giúp cho đất không bị rửa trôi, tăng độ ẩm, giảm cỏ dại. Thông thường 1 gốc thanh long phải dùng từ 20 - 30 kg rơm khô để phủ trên bờ mặt, 1 năm phủ 2 lần, chưa kể chi phí công lao động.
Nếu tính toàn tỉnh có khoảng 18.000 ha thanh long, mỗi ha 1.000 gốc sẽ tiêu tốn khoảng gần 320.000 - 360.000 tấn rơm khô. Chi phí cho việc mua rơm bình quân mỗi héc ta tốn từ 18 - 20 triệu đồng. Trong khi đó lượng rơm không còn nhiều và phải dự trữ cho gia súc vào mùa khô. Vì thế, rơm không thể đáp ứng nhu cầu phủ thanh long.
Tháng 3/2011, Dự án Cạnh tranh Nông nghiệp tỉnh Bình Thuận (ACP) đã phối hợp với Cty TNHH Tư vấn dịch vụ kỹ thuật phát triển nông nghiệp Đà Lạt (ATDC) thực hiện dự án “Ứng dụng trồng đậu phộng dại phủ vườn thanh long thay rơm rạ” ở 2 huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc.
Mục tiêu xây dựng 5 mô hình trên diện tích 10 ha nhằm ổn định năng suất trong năm đầu và tăng 5% cho những năm tiếp theo; giảm chi phí rơm rạ. Đến nay, ngoài những hộ dân tham gia thấy được hiệu quả nên vẫn duy trì, còn có sự tham gia của nhiều hộ muốn được nhân rộng.
Ông Phạm Hữu Thủ, Trưởng phòng Nông nghiệp, Sở NN-PTNT Bình Thuận cho biết, cây lạc dại (đậu phụng dại) - LD99 (Arachis pintoi) là loài cây có hàm lượng dinh dưỡng cao, phù hợp với nhiều vùng sinh thái. Có khả năng giữ ẩm, bổ sung dinh dưỡng cho đất và cây trồng, giảm thoái hoá đất, khống chế sự phát triển cỏ dại...
Đậu phụng dại dễ trồng, 1 trụ thanh long chỉ cần trồng 4 - 5 khóm xung quanh. Sau thời gian trồng 1 - 2 tháng có thể cắt ra để nhân giống tiếp cho những trụ khác giống như việc nhân giống khoai lang và rau muống.
Khi cây phát triển được 4 - 5 tháng, sẽ tạo thành một thảm thực vật che phủ toàn bộ vườn thanh long. Đặc biệt trong mùa khô, chủ vườn có thể cắt thân để ủ vào gốc thanh long, vừa chống bốc thoát hơi nước, vừa bổ sung chất dinh dưỡng cho cây. Ngoài ra, đậu phụng dại có khả năng cố định nitơ trong đất cao nên hàm lượng đạm ở trong đất cung ứng cho cây trồng sẽ tăng lên đáng kể.
“Trước khi trồng đậu phụng dại nông dân phải tốn một khoản chi phí khá lớn, trên 20 triệu đồng/ha/năm để mua rơm rạ. Thế nhưng khi áp dụng mô hình, bà con giảm được 60 - 70 % chi phí, tương đương tiết kiệm được từ 15 - 17 triệu đồng/ha/năm. Dự kiến từ 8 - 12 tháng sẽ không phải tốn chi phí cho việc phủ rơm rạ nữa”, ông Thủ nói.
Tại hội thảo tổng kết mới đây, nhiều nông dân đánh giá hiệu quả cao từ mô hình này mang lại. Một số người còn đóng góp thêm ý kiến trao đổi về thời vụ trồng đậu phụng lạc phù hợp từ tháng 5 - 6 để tránh nắng rất hữu ích.
Theo đánh giá của nông dân, khả năng chống xói mòn của thảm phủ đậu phụng dại lên đến 90 - 100% ở khu vực thường xuyên bị ngập úng như các xã Hàm Minh, Hàm Kiệm, Hàm Hiệp (huyện Hàm Thuận Nam).
Ông Phạm Ngọc Nam, xã Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam là một trong những hộ áp dụng mô hình cho biết, trồng lạc dại đã tiết kiệm chi phí hàng chục triệu đồng/năm vì không phải dùng rơm rạ; không phải làm cỏ cho thanh long...
Ông Phạm Hữu Thủ cho biết thêm, trồng đậu phụng dại cũng góp phần giảm sâu bệnh trên cây thanh long. Bởi khi đậu phụng dại ra hoa sẽ thu hút côn trùng đến hút mật và thụ phấn cho hoa, trong đó đa số là côn trùng có ích…
Có thể bạn quan tâm
Theo báo cáo của UBND TP Móng Cái (Quảng Ninh), tính đến thời điểm ngày 3-6, diện tích tôm nuôi bị nhiễm bệnh trên địa bàn thành phố là 280,42 ha/1020 ha; số hộ bị ảnh hưởng là 383 hộ.
Sau những cơn mưa đầu mùa, người dân ở các huyện phía đông của tỉnh Tiền Giang soi ếch đồng bán được giá cao kỷ lục so với những mùa mưa trước đây. Hiện một kg ếch ở các chợ xã, huyện trong tỉnh được thương lái thu mua với giá 100.000 - 110.000 đồng/kg, sau đó bán lại với giá từ 130.000 - 150.000 đồng/kg.
Thu nhập 6 triệu đồng/lần xuất chuồng bán là lợi nhuận có được từ mô hình nuôi thỏ New Zealand của anh Hồ Hoàng Tân, khu vực 2, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ (ảnh).
Nghệ An là một trong số ít địa phương có số lượng gấu nuôi nhốt nhiều nhất cả nước vì có lợi nhuận cao. Tuy nhiên, gần đây do nhu cầu dùng mật gấu không còn nhiều, cộng thêm các quy định về quản lý và bảo vệ loài động vật này nên số lượng gấu nuôi giảm nhanh chóng. Điều đáng buồn là số gấu nuôi giảm không phải do được trả về lại môi trường tự nhiên, mà giảm vì bị giết thịt nấu cao…
Là người đầu tiên thực hiện thành công mô hình nuôi chim trĩ đỏ - một loài chim quý, có giá trị kinh tế cao, hiện trang trại của anh Võ Lợi (Tổ 17, phường Phú Bài, Hương Thủy, TP Huế) cho thu nhập trên 200 triệu/năm.