Dâu đầu mùa được giá

Tháng 5, du khách về Cần Thơ, có dịp đi dọc theo những con đường từ Mỹ Khánh về Phong Điền, từ Cái Tắc về Hậu Giang và dọc theo đường 91B, sẽ nhận thấy những sạp dâu bày bán hai bên đường.
Giá dâu đầu mùa năm nay cao hơn cùng kỳ năm ngoái từ 2.000 – 5.000đ/kg, nên cả người trồng và người bán đều phấn khởi...
Phong Điền – Cần Thơ là xứ sở của dâu. Dâu Phong Điền phong phú và đa dạng, gồm: Dâu hạ châu, dâu xanh, dâu vàng, dâu bòn bon, dâu gia bảo, dâu xiêm, dâu đường…, có loại chua, có loại chua ngọt và loại rất ngọt.
Từ nhiều năm nay, bà con nông dân trồng dâu đều thu về lợi nhuận khá cao, bình quân mỗi năm thu nhập trên 100 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, năm ngoái do dâu trúng đậm, lại thu hoạch đồng loạt, hàng bị dội chợ, rớt giá khiến cho nhiều hộ bị thất thu.
Ông Lý Văn Sàng (Chín Sàng) ở ấp Nhơn Hưng A, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền cho biết: Theo kinh nghiệm của bà con nông dân, đối với cây dâu nếu năm trước trúng mùa thì năm sau lại mất. Đúng vậy, hầu hết các vườn dâu ở miền Tây năm nay đều thưa trái, sản lượng chỉ bằng 60% năm ngoái, nhưng chất lượng chắc chắn sẽ tốt hơn. Nhờ trái thưa nên trái to, đều, nhiều múi.
Ông Sàng có tất cả 6 công đất trồng dâu, đa phần là dâu xanh nên dễ tiêu thụ, giá lại cao hơn dâu bòn bon. Vào những ngày đầu vụ này, ông đã tuyển dần dâu chín bán cho thương lái với giá 15.000đ/kg dâu xanh, (giá bán lẻ 20.000đ/kg), cao hơn chính vụ 5.000 - 7.000đ/kg.
Ông phấn khởi cho biết: Mặc dù năm ngoái đa số các vườn dâu đều thất thu do rớt giá, nhưng vườn nhà ông nhờ biết cách xử lý trái ra chậm và treo trái nên vẫn thu được 120 triệu đồng. Năm nay mặc dù sản lượng ít hơn nhưng hy vọng thu nhập sẽ cao hơn.
Trước kia, đa số giống dâu cũ đều chua, chất lượng không ngon nên giá trị kinh tế không đáng kể. Gần đây, nhằm đa dạng hóa các loài cây ăn trái, đồng thời hưởng ứng phong trào chuyển đổi vật nuôi cây trồng, nhiều bà con nông dân miền Tây đã tìm tòi, chọn lọc, nhân giống và áp dụng những qui trình kỹ thuật để phát triển, phổ biến nhất là dâu hạ châu, dâu bòn bon và dâu xanh.
Chỉ riêng dâu hạ châu ở Phong Điền đã có gần 200 ha, chất lượng thơm ngon đã được đăng ký độc quyền thương hiệu và giá luôn ở mức cao (từ 25.000 – 30.000đ/kg).
Dâu bòn bon khi chín có màu vàng óng ả, vỏ mỏng, trái tròn, chua nhẹ. Loại dâu này năm ngoái bị rớt giá mạnh (chỉ 2.000 – 5.000đ/kg) vì cung nhiều hơn cầu.
Còn dâu xanh khi chín vỏ vẫn xanh và chia làm hai loại, một loại trái tròn, không núm, màu xanh đậm, múi dầy màu sữa, vị chua - ngọt, thanh, đó là dâu gia bảo; một loại có núm, ngọt nhiều hơn chua, thơm dịu, gọi là dâu đường. Hai loại dâu này giá rất ổn định, đầu vụ có khi lên đến 25.000đ/kg.
Tại Phong Điền còn có nhiều hộ nông dân khá lên nhờ trồng dâu, cụ thể như vườn dâu của ông Trần Văn Tư, một cựu chiến binh chỉ có 4 công mà mỗi năm thu hoạch trên 10 tấn, sau khi trừ hết các chi phí còn lời trên 90 triệu đồng, hoặc như vườn dâu của ông Nguyễn Văn Như, tổng cộng có 70 gốc dâu xanh và dâu bòn bon, mỗi năm thu trên 5 tấn, thu nhập 40 triệu đồng...
Thời điểm chính vụ của dâu xanh và dâu bòn bon thường bắt đầu từ nửa tháng ba đến giữa tháng tư âm lịch. Đây cũng là lúc giá cả dao động mạnh, người trồng phải biết tính toán rải vụ, đồng thời phải theo dõi giá cả thị trường để thu hoạch sao cho không dội chợ.
Có thể bạn quan tâm

Chia sẻ về kinh nghiệm “bắt” nhãn ra hoa theo ý muốn, ông Nguyễn Đức Thụ - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hưng Yên cho rằng: Có 3 cách để nhãn ra hoa, đậu quả theo ý muốn, gồm khoanh cành, tỉa bớt rễ nhãn và dùng hóa chất.

Hàu là loài động vật nhuyễn thể thuộc nhóm thân mềm hai mảnh vỏ, sống ở bờ biển, các ghềnh đá ven bờ biển hay các cửa sông, độ mặn từ 5 - 35‰. Thịt hàu ngon và ngọt, rất giàu chất dinh dưỡng...

Sáng ngày 17-9, tại Trung tâm Giống nông nghiệp Hậu Giang (xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang), hơn 50 cán bộ, người dân trong tỉnh được Chi cục Thủy sản Hậu Giang phổ biến về kỹ thuật nuôi thương phẩm lươn đồng.

Nhằm thay thế giống cá truyền thống cho hiệu quả kinh tế thấp, Phòng NN-PTNT huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) đã xây dựng mô hình nuôi cá lăng chấm thương phẩm.

Do những hoạt động khai thác hải sản theo kiểu “tận diệt” như nạn đánh bắt bằng giã cào gần bờ, sử dụng “rọ lồng” bát quái, thuốc nổ, điện và tận diệt hải sản non, nguồn lợi hải sản vùng biển địa bàn tỉnh Nghệ An đang bị suy giảm nghiêm trọng, mất dần khả năng tự phục hồi.