Đặt cược với chanh không hạt
Vượt lên suy nghĩ làm ăn manh mún, anh Trần Thiện Thanh Vân (thôn Lâm Nghĩa, xã Phi Tô, Lâm Hà) đã mạnh dạn đầu tư trồng 3,5 ha chanh không hạt, bước đầu thực hiện ý tưởng hình thành vùng chanh nguyên liệu xuất khẩu.
Vườn chanh bắt đầu cho thu hoạch chính. Ảnh: H.Thắm
Giữa vùng đồi bạt ngàn cà phê xanh tốt, diện tích vườn hơn 8 ha của gia đình anh Trần Thiện Thanh Vân tô điểm thêm những gam màu xanh khác biệt. Đó là 3.000 trụ tiêu thẳng tắp và hơn 2.000 gốc chanh bắt đầu đơm hoa kết quả. Gặp lại anh nông dân 39 tuổi nhưng có máu làm giàu từ nông nghiệp bộc bạch: “Cũng mạo hiểm chứ, nhưng trước khi làm, mình có quá trình chuẩn bị hơn 10 năm ròng, nên rất tự tin sẽ nắm phần thắng”.
Hiện tại, vườn chanh đang cho thu hoạch những trái đầu tiên với năng suất 2 tấn/tháng (dự kiến mức bình quân là 4 tấn/tháng/ha). “Nếu như rau, hoa mình phải chở ra vựa ở ngoài Đức Trọng, Lâm Hà thì dù việc đi lại còn rất nhiều khó khăn nhưng thương lái vẫn thu mua tận vườn mỗi lần thu hoạch. Điều này chứng tỏ hiện chanh đang rất có sức hút trên thị trường”, anh Vân nhận định.
Theo anh Vân, đất đai và khí hậu ở đây hoàn toàn phù hợp với cây chanh cũng như các loại cây công nghiệp lâu năm khác. Đồng thời trong quá trình chuyển đổi có thể trồng xen canh với cà phê từ lúc nhỏ. Thời gian thu hoạch cũng có thể chủ động trong vòng 15 ngày mà không làm ảnh hưởng đến chất lượng như một số loại cây khác.
Bên cạnh việc tự tìm hiểu kiến thức, kỹ thuật, anh cũng xuống tận Long An để tham quan xưởng chế xuất chanh xuất khẩu của “nữ hoàng” chanh không hạt miền Tây - Bùi Thị Ba để tìm đầu ra cho loại quả này.
Nhằm chủ động nguồn nước tưới tiêu, thay vì sử dụng nước trực tiếp từ các hồ tự nhiên, anh Vân đã mạnh dạn tự đào hồ trên đỉnh đồi với sức chứa 20.000 m3, và đào thêm 3 giếng khoan để hằng ngày bơm nước lên hồ. Anh cho biết, với hệ thống tưới tự động đây là cách làm mà anh đã tham khảo ở nhiều nơi, vừa đơn giản lại vừa tiết kiệm được điện năng.
Để quản lý chất lượng nguồn nước, anh cũng tiến hành nuôi cá trong hồ, nhận thấy cá sinh trưởng tốt nên ý tưởng tự chế biến thành phân cá cũng ra đời. Và hiện được sử dụng để bón cho chanh và cà phê.
Anh cho biết thêm, theo tính toán, sản lượng chanh có thể đạt 50 tấn/ha/năm. Với giá bán dao động từ 10.000 - 15.000 đồng/kg, hàng năm mỗi ha chanh có thể đem lại doanh thu ít nhất khoảng 500 triệu đồng, trong khi đó chi phí đầu tư lại thấp hơn, hoặc bằng so với cây cà phê truyền thống.
Đi sâu vào nghiên cứu tìm hiểu, anh Vân nhận thấy đầu ra của cây chanh rất rộng mở: Ở Long An và các tỉnh miền Tây đã có hàng ngàn ha trồng chanh không hạt. Đối với người dân địa phương, cây chanh theo hướng nguyên liệu còn khá lạ lẫm. Mọi người thường nghĩ nó là loại gia vị sử dụng trong bữa ăn hàng ngày nhưng thực tế còn rất nhiều công dụng khác mà thế giới đã khai thác. Nhu cầu của thế giới rất lớn, chanh được sử dụng để chiết tinh dầu, không cần lượng nước nhiều nên thu hoạch dựa vào kích thước, màu sắc. Nguồn xuất khẩu cũng khá rộng, đặc biệt là khu vực Trung Đông hoặc các nước châu Á như Thái Lan, Trung Quốc…
Khi được đề cập đến nỗi băn khoăn là người đầu tiên ở Phi Tô và cả Lâm Hà đưa chanh vào trồng trên diện tích lớn và vấn đề tiêu thụ sản phẩm khi chanh vào thời kỳ thu hoạch chính, anh Vân chỉ cười: “Cũng có người nói tôi điên vì trồng nhiều như vậy biết bán ở đâu?”.
Anh cho biết, mục tiêu hướng đến của mình là trồng chanh xuất khẩu, thành lập thương hiệu chanh không hạt như những địa phương khác đã làm. Quá trình tìm hiểu ở Long An, Tiền Giang… đã cho anh nhiều kinh nghiệm và những đầu mối xuất khẩu. Hiện cũng có nhiều người đến tham quan mô hình này của anh và bắt đầu đưa vào trồng thử nghiệm với diện tích nhỏ lẻ. Anh Vân cũng đang tìm hiểu và muốn có thêm nhiều hộ tham gia cùng anh trong việc thành lập hợp tác xã vào thời gian tới. Toàn bộ kỹ thuật cũng như việc tiêu thụ, liên hết sẽ do anh chịu trách nhiệm chính.
Riêng anh, trong năm tới sẽ chuyển đổi hết gần 8 ha đất trồng cà phê sang trồng chanh và tiêu. “Cả chanh và tiêu đều là cây công nghiệp lâu năm nên đó là hướng đi của mình. So với tiêu thì trồng chanh có chi phí đầu tư thấp hơn, nhưng đòi hỏi công chăm sóc và thời gian thu hoạch rải rác trong suốt cả năm. Bắt đầu chuyển đổi từ năm 2015 và hiện giờ đang là giai đoạn chuyển mình với nhiều khó khăn, nhất là về vốn. Bài toán chuyển đổi này sẽ hoàn thiện trong vòng khoảng 3 năm nữa. Khi đó, nguồn thu từ chanh và tiêu có được sẽ cao gấp nhiều lần so với cà phê hiện tại”, anh tâm sự.
Có thể bạn quan tâm
Mô hình do Trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Khánh Hòa triển khai xây dựng vườn lan nhiệt đới từ tháng 11/2014.
Từ khi “bén duyên” với nghề trồng chuối chất lượng cao, nhiều nông dân ở một số huyện của Hà Nội có thu nhập lên đến hàng trăm triệu đồng
Chanh leo sai quả đến mức anh Nguyễn Minh Thái mới đưa vào trồng thử 50ha, mà mỗi năm thu hơn 1.500 tấn quả.