Dân Méo Mặt Vì Giá Lúa
Mùa vụ kết thúc cũng là lúc công việc mua - bán lúa hè thu vào mùa cao điểm. Trong khi nguồn cung lớn, giá thu mua các thương lái “áp” sàn ở thời điểm hiện tại lại khá “bèo”...
Mấy năm nay, nhờ thời tiết thuận lợi nên vụ hè thu nào gia đình ông Nguyễn Hữu Đức (thôn Tiến Bộ, Thạch Tân - Thạch Hà) cũng làm hết đất canh tác. Năm nay, 1 mẫu ruộng, gia đình ông thu hơn 2 tấn lúa, được xem là vụ hè thu bội thu nhất từ trước tới nay.
Ông Đức chia sẻ: “Nhà chỉ 4 người, làm vụ xuân là đủ lúa ăn, còn vụ hè thu thì bán hết. Thời điểm này nhu cầu thu mua khá cao nhưng giá rẻ lắm, lúa thuần chỉ dao động từ 5.500- 6.000 đồng/kg, một số giống chất lượng thì giá có nhích hơn nhưng không ăn thua”.
Theo ông nhẩm tính thì so với thời điểm cao nhất của năm ngoái, giá lúa năm nay “tụt” khoảng 5 giá, trong đó, các loại nếp là khó bán nhất.
Đồng tình với quan điểm này, chị Nguyễn Thị Thủy (cùng thôn) cho rằng: “Mùa này dễ bán nhất là lúa xuân mai và khang dân, giá rẻ hơn các giống khác nhưng lúc nào cũng có người mua và khách cũng khá “dễ tính”. Còn lúa nếp, mùa này chỉ những người làm hàng, nấu rượu mới tìm mua”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, giá lúa: xuân mai, khang dân 6.000 đồng/kg; HT1 6.500- 7.000 đồng/kg; nếp các loại 7.000 đồng/kg. Kênh tiêu thụ chính của bà con nông dân là qua thương lái, thường thì các chị hàng xáo vào tận nhà dân mua.
Cho nên, bị ép giá, gạ mua là “chuyện thường ngày ở huyện”! Chị Trần Thị Long (xã Khánh Lộc, Can Lộc) cho biết: “Năm nào chẳng thế, vào thời điểm thu mua cao nhất thì giá lúa rẻ. Bà con gặt về, chỗ cất trữ không có, biết hụt vài giá nhưng đành bán cả, lỡ mưa lụt lại chạy chẳng kịp. Đầu vụ, tôi bán lúa HT1 chỉ được 5.500 đồng/kg”.
Từ nhiều năm nay, lợi dụng tâm lý của người nông dân, thương lái luôn ép giá ở chính vụ thu mua. Bởi lúc này, số lượng nguồn cung rất lớn, trong khi người nông dân suốt vụ chỉ trông chờ vào tiền bán lúa để chi phí sản xuất. Hơn nữa, thời điểm thu hoạch lúa hè thu trùng với mùa tựu trường, bao nhiêu khoản đóng góp cho con em đều trông vào mấy sào ruộng, không bán tháo, bán vội sao được!
Thậm chí, thương lái còn “tung chiêu” mua lúa cũ (lúa vụ xuân) với giá cao hơn lúa mới (lúa hè thu) 2-5 giá, khiến bà con nông dân “méo mặt”! Mặt bằng giá cả này sẽ kéo dài thêm ít tháng nữa. Và khi nhu cầu nguồn cung lắng xuống thì giá lúa lại tăng từng ngày. Tất nhiên, con số này “ảo” nhiều hơn thật vì thóc trong bồ của bà con đã cạn, giá có cao bao nhiêu thì chẳng còn mà bán!
Quay trở lại, đứng ngoài áp lực thị trường, một số loại lúa vẫn giữ được thương hiệu và chỗ đứng. Đó là P6 - một trong những sản phẩm tạo nên “tên tuổi” cho huyện lúa Đức Thọ. Với khoảng 3.600 tấn/năm, giống lúa này được các HTX sản xuất, chế biến và tiêu thụ tại địa phương thu mua 100% với giá ổn định, cao hơn giá thị trường 10%. Hiện tại, giá của P6 là 10.000 đồng/kg.
Hướng sản xuất liên kết cũng được khai thác triệt để, không chỉ các doanh nghiệp lớn, HTX có quy mô, ngay cả thương lái cũng phải tự điều chỉnh bằng cách liên kết thu mua với nông dân ngay từ đầu vụ, nhằm phù hợp với môi trường hàng hóa chuyên nghiệp. Hay một số địa phương ở Cẩm Xuyên đã quy hoạch những vùng lúa chất lượng cao, liên kết với doanh nghiệp từ khâu giống đến thu mua, nhờ vậy, đầu ra của sản phẩm giữ được “phong độ” ổn định, tạo tâm lý yên tâm cho người sản xuất.
Câu chuyện “được mùa, mất giá”, “được giá lại… hết hàng” chẳng còn xa lạ trong nền sản xuất tiểu nông. Chẳng ai có thể khoanh bồ, giữ lúa để đợi… giá lên, trong khi nhà buôn cứ tự nhiên “làm giá” để gom hàng, đầu cơ. Điều đó cho thấy, liên kết vẫn là đường đi cần thiết cho các vùng sản xuất, ít ra khi đó, sự phân chia lợi nhuận giữa người sản xuất - nhà tiêu thụ không đến nỗi “lệch cân” như bây giờ.
Có thể bạn quan tâm
Niên vụ sản xuất muối năm 2010 - 2011 của diêm dân Bình Định sắp khép lại. Nhờ thời tiết diễn biến khá thuận lợi, số giờ nắng cao nên diêm dân được mùa muối. Tuy nhiên, giá muối xuống thấp khiến đời sống bà con hết sức khó khăn
ILDEX Vietnam 2012 tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp quảng bá sản phẩm thương hiệu của mình và đồng hành cùng các khách hàng, từ đó là cầu nối cho các doanh nghiệp phát triển các mối quan hệ hợp tác.
Nếu so với đưa màu xuống ruộng thì hiệu quả của việc tận dụng rơm, rạ trồng nấm mùa khô cũng không kém phần. Mô hình này không cần nhiều vốn, chỉ lấy công làm lời. Vì thế, người nông dân đâu tư một, nhưng có thể lấy lại 3 lần so với đồng vốn bỏ ra
Một trong những nông dân trồng bưởi da xanh đầu tiên ở xã Hội Xuân, huyện Cai Lậy, Tiền Giang là anh Lê Văn Xích. Thoạt đầu, anh chỉ mua được 10 nhánh chiết cành với giá 50 nghìn đồng/nhánh
Đi đến những vùng có KCN bị bỏ hoang gặp nông dân, họ than thở: Chúng tôi xin thêm mấy chục ngày để thu hoạch chẳng được, họ thu hồi rồi bỏ hoang năm này qua năm khác, phí đến thế là cùng.