Đàn gia súc cho thịt thơm ngon từ chăn nuôi hữu cơ
Mô hình chăn nuôi gia súc theo hướng hữu cơ đang được mở rộng tại tỉnh Tuyên Quang, hình thành nên đàn gia súc an toàn dịch bệnh, cho chất lượng thịt thơm ngon.
Nuôi lợn hướng hữu cơ, lợi nhuận cao gấp đôi
Trang trại của gia đình ông Bùi Huy Cường, thôn Chanh 2, xã Thái Bình, huyện Yên Sơn rộng hơn 2ha. Ngoài trồng cây, ao cá, ông đầu tư các khu chuồng trại chăn nuôi lợn và bò theo hướng hữu cơ.
Để làm theo hướng hữu cơ, ông Cường xây dựng các chuồng chỉ để phần nền láng xi măng rất ít, chủ yếu là nền đất, còn lại là đệm lót sinh học đảm bảo phân, nước tiểu của đàn vật nuôi có chỗ thấm thuận lợi.
Giống lợn nái mà ông Cường lựa chọn là lợn đen bản địa cho lai tạo với lợn bố là giống lợn rừng. Lợn bản địa có sức đề kháng tốt và thích nghi với điều kiện của địa phương. Chăn nuôi theo hướng hữu cơ điểm nổi bật nhất là không sợ dịch bệnh, hệ thống đệm lót sinh học được bảo vệ bằng vi sinh bản địa đảm bảo tiêu diệt vi khuẩn bất lợi và không có mùi hôi. Ngoài nuôi lợn, ông Cường còn chăn nuôi 10 con bò sinh sản cũng theo hướng hữu cơ.
Để có nguồn thức ăn hữu cơ phục vụ đàn vật nuôi, ông Cường hợp tác với ông Trần Quang Võ là cán bộ kỹ thuật chuyên về vi sinh hữu cơ hướng dẫn hướng dẫn làm chuồng đảm bảo đủ tiêu chuẩn quy cách từ hệ thống nền chuồng, máng ăn, dẫn nguồn nước... đảm bảo điều kiện sống tốt nhất cho đàn gia súc phát triển; hướng dẫn cách lên men, ủ chua tạo ra loại cám phù hợp cho đàn lợn, đàn bò. Nguyên liệu làm thức ăn là gạo, đỗ tương, tỏi, gừng, các loại trái cây... Đạm bổ sung cho đàn vật nuôi được làm từ đạm cá, do vậy nguồn thức ăn luôn thơm và sạch sẽ đảm bảo không bị nấm mốc.
Cuối năm 2021 vừa rồi, ông Cường đã xuất bán 2 lứa lợn thương phẩm chăn nuôi theo hướng hữu cơ với tổng trọng lượng hơn 4 tấn, giá trung bình từ 80.000 đến 120.000/kg lợn hơi, cao gần gấp đôi so với giá lợn nuôi thông thường trên thị trường. Hiện nay ông Cường đang tiếp tục duy trì trong ô chuồng còn 10 con nái
Hiện nay, mô hình chăn nuôi hướng hữu cơ đang được nhân rộng tại tỉnh Tuyên Quang. Ngoài mô hình trang trại của gia đình ông Cường, cán bộ khuyến nông Tuyên Quang cũng đã giúp nhiều mô hình chăn nuôi chuyển giao quy trình kỹ thuật từ khâu làm chuồng trại đến quy trình ủ, chế biến thức ăn, chăm sóc đàn vật nuôi, bước đầu thành công tại tỉnh Tuyên Quang. Điển hình như mô hình nuôi trâu, bò tại xã Hùng Đức, huyện Hàm Yên; mô hình chăn nuôi bò ở phường An Tường (Thành phố Tuyên Quang)...
Nhiều chính sách cho nông nghiệp hữu cơ
Nông nghiệp Tuyên Quang đang đẩy mạnh phát triển theo hướng tốt gắn liền với việc chứng nhận tiêu chuẩn và quy chuẩn các sản phẩm. Năm 2020, HĐND tỉnh Tuyên Quang đã ban hành chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo Nghị quyết 06/2020/NQ-HĐND.
Ngành nông nghiệp tỉnh Tuyên Quang cũng đã tham mưu với UBND tỉnh Tuyên Quang, phối hợp với Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp (Bộ NN-PTNT) và các đơn vị liên quan xây dựng và thực hiện Dự án “Điều tra thực trạng sản xuất trồng trọt hữu cơ và nghiên cứu, đề xuất xác định các vùng canh tác hữu cơ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Năm 2021, UBND tỉnh Tuyên Quang cũng đã có quyết định về việc phê duyệt Danh mục Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang với 83 Dự án được phê duyệt, tổng kinh phí 170,48 tỷ đồng, trong đó có 19 dự án chăn nuôi, 64 dự án trồng trọt.
Theo bà Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, ngành chăn nuôi, trồng trọt theo hướng hữu cơ đang là xu hướng tất yêu hiện nay. Việc phát triển chăn nuôi theo hướng hữu cơ sẽ giúp nâng cao giá trị của sản phẩm nông nghiệp; giảm chi phí đầu vào, giảm tồn dư về thuốc kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật trong đất và môi trường chăn nuôi.
Với mô hình chăn nuôi lợn, bò theo hướng hữu cơ của xã Thái Bình, sẽ khá dễ áp dụng cho người chăn nuôi. Việc đầu tư chi phí không quá lớn nhưng vẫn đảm bảo các tiêu chí thiết yếu trong an toàn sinh học. Việc sử dụng các chế phẩm vi sinh trong phối trộn thức ăn, phối trộn đệm lót nền chuồng giúp con vật tăng sức đề kháng để kháng bệnh.
Các chế phẩm sử dụng đệm lót nền chuồng cũng giúp giảm chi phí công lao động vì không cần mất quá nhiều công làm vệ sinh chuồng trại; chuồng không có mùi hôi. Sau mỗi chu kỳ chăn nuôi, người chăn nuôi có thể tận dụng toàn bộ phần lót nền chuồng để làm phân bón, đây là mô hình tuần hoàn chăn nuôi được tận dụng phân bón phục vụ trồng trọt và trồng trọt làm cây thức ăn phục vụ chăn nuôi.
Tuyên Quang đã có nhiều cây trồng, vật nuôi phát triển theo hướng nông nghiệp hữu cơ, tỉnh đã xây dựng được kế hoạch phát triển nông nghiệp hữu cơ theo lộ trình đến năm 2025 và dài hơn. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia mong muốn ngành NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang khi đã xây dựng được mô hình chăn nuôi, trồng trọt hữu cơ, cần đạt được chứng nhận hữu cơ để tiêu chuẩn hóa các sản phẩm. Bởi đây sẽ là nền tảng quan trọng giúp sản phẩm nông nghiệp của Tuyên Quang lên sàn thương mại điện tử, đứng được trên thị trường và có giá trị kinh tế cao.
Có thể bạn quan tâm
Những công nghệ mới có thể cải thiện sản lượng dâu tây bằng cách giảm chi phí đầu vào và tăng hiệu quả một loạt các bước trong chuỗi sản xuất, cung ứng.
Malling Ace, một loại siêu dâu tây do Viện nghiên cứu East Malling lai tạo, đang khiến giới làm vườn ở Vương quốc Anh phát sốt.
Các chuyên gia, nhà khoa học của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã thống nhất các biện pháp quan trọng nhằm quản lý dịch hại trên cây ăn quả có múi.