Đặc điểm phát triển tuyến sinh dục cá chim đen
Tìm hiểu đặc điểm sinh học của cá chim đen, tạo điều kiện cho việc nghiên cứu quy trình sản xuất giống nhân tạo để phát triển đối tượng nuôi.
Cá chim đen có giá trị dinh dưỡng cao, khá phổ biến ở Việt Nam.
Cá chim đen có tên khoa học là Parastromateus niger, đây là loài thuộc họ cá khế (Carangidae), bộ cá vược (Perciformes). Trên thế giới cá chim đen phân bố ở các vùng: Nam Phi, Mozambique, Kenya, biển Ả Rập, vịnh Bengal, Indonesia, Philippines, Trung Quốc, miền Nam Nhật Bản và Úc. Nhưng phong phú nhất trên bờ biển phía Tây của Ấn Độ và Indonesia. Ở Việt Nam chúng phân bố nhiều ở vịnh Bắc Bộ, vùng biển Trung Bộ và Đông, Tây Nam Bộ (Froese and Pauly, 2014).
Cá chim đen là loài ăn động vật, thức ăn chủ yếu là động vật không xương sống cỡ nhỏ, cá con và giáp xác (Pati, 1983; Dadzie, 2007). Đây là loài cá có giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao, là đối tượng khai thác phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới và ở Việt Nam.
Mùa vụ sinh sản cá chim đen
Kết quả phân tích cho thấy hệ số điều kiện của cá trong thời gian nghiên cứu dao động thấp từ tháng 05 đến tháng 09 (0,0272 ± 0,0006). Hệ số điều kiện cao nhất vào tháng 10 (0,0282 ± 0,0001). Hệ số thành thục (GSI) cao nhất vào tháng 08 (cá cái 4,68%; cá đực 1,29%), GSI thấp nhất vào tháng 04 (cá cái: 1,52%, cá đực: 0,59%). Tỷ lệ thành thục tuyến sinh dục của cá cái và cá đực tăng từ tháng 06 đến tháng 10, cao nhất vào tháng 08 (cá cái: 64%; cá đực: 82%).
Điều đó cho thấy mùa vụ sinh sản tự nhiên của cá chim đen phân bố vùng biển Sóc Trăng-Cà Mau từ tháng 06 đến tháng 10, sinh sản tập trung vào tháng 08 trong năm. Sức sinh sản tuyệt đối của cá chim đen dao động từ 21.756 đến 1.784.151 trứng/cá thể. Sức sinh sản tương đối của cá 629 trứng/g cá cái với khối lượng thân dao động từ 237,52 đến 1.491,00 g/cá thể. Mối tương quan thấp đã được tìm thấygiữa sức sinh sản tuyệt đối và khối lượng thân cá (r=0,51).
Kết quả nghiên cứu này cho thấy: cá chim đen phân bố vùng biển Sóc Trăng-Cà Mau bước vào mùa sinh sản muộn hơn khoảng 02 tháng so với cá chim đen phân bố ở vùng biển Ả-Rập (Dadzie et al., 2009).
Theo Dadzie et al. (2009) thì nhiệt độ vùng biển Ả-Rập biến động từ 28-36oC từ tháng 06 đến tháng 10 trong khi thời gian này ở vùng biển Sóc Trăng-Cà Mau có gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh, gây mưa nhiều, nhiệt độ nước biến động từ 28-30oC (Mai Viết Văn, 2014 và Đỗ Ngọc Quỳnh,2010). Do phân bố ở môi trường có nhiệt độ thấp hơn nên cá có thời gian tích lũy tổng nhiệt thành thục chậm hơn, do đó cá có mùa sinh sản muộn hơn.
Các giai đoạn phát triển noãn sào
Giai đoạn I : Noãn sào phân thành 2 thùy dạng sợi nhỏ, có màu hồng phấn hơi trong.
Giai đoạn II: Noãn sào tăng kích thước và có màu vàng tươi.
Giai đoạn III: Noãn sào tăng nhanh kích thước, noãn sào phồng dầy lên, trên bề mặt có xuất hiện các mạch máu nhỏ. Màu sắc noãn sào chuyển từ màu vàng tươi sang màu vàng nhạt. Bằng mắt thường có thể quan sát thấy các hạt trứng nằm bên trong màng võ trứng.
Giai đoạn IV: Noãn sào phát triển lớn và phân thùy không rõ ràng. Có rất nhiều mạch máu phân bố trên bề mặt của noãn sào. Noãn sào có màu vàng nhạt. Mắt thường rất dễ quan sát thấy các noãn bào nằm bên trong màng trứng.
Các giai đoạn phát triển tinh sào
Giai đoạn I : Tinh sào có dạng hình sợi, có phân thùy nhỏ, màu trắng trong, nằm ôm sát phía cột sống của thân cá. Quan sát bằng mắt thường không thể xác định giới tính của cá. Phân tích mô học có sự hiện diện của tinh nguyên bào, số lượng tinh nguyên bào lớn nằm trong các bào nang. Trên lát cắt chỉ thấy các tế bào bắt màu hồng nhạt của thuốc nhuộm Eosin.
Giai đoạn II: Tinh sào gia tăng kích thước và có màu trắng sữa nhạt. Có sự xuất hiện của tinh trùng trong các tinh nang (bắt màu tím xanh của hematoxylin). Có sự xuất hiện các túi sinh tinh chứa cáctinh bào. Giai đoạn này chưa thấy có sự xuất hiện của tinh trùng.
Giai đoạn IV: Tinh sào tăng thêm kích thước so với giai đoạn II, có màu trắng đục Tinh sào mở rộng, bề mặt tinh sào phồng lên và căng tròn, quan sát bằng mắt thường thấy bên trong có chứa nhiều tinh trùng có màu trắng đục như bông sữa.
Phân tích mô học giai đoạn này đã thấy tinh trùng đã thoát ra khỏi tinh nang và được chứa đầy trong các tuyến và ống dẫn tinh. Trên lát cắt cho thấy các tuyến chứa tinh trùng bắt màu tím xanh rất rõ với heamatoxylin.
Kết quả từ nghiên cứu cung cấp thêm thông tin mới về đặc điểm sinh học của đối tượng này tạo điều kiện cho việc nghiên cứu quy trình sản xuất giống nhân tạo loài cá này để phát triển đối tượng nuôi. Sức sinh sản của cá chim đen cao nên thuận lợi cho việc khai thác loài cá này quanh năm. Tuy nhiên, cần tránh các hoạt động khai thác cá vào mùa sinh sản, nhằm tạo điều kiện giúp cá tái tạo quần đàn tự nhiên.
Theo Mai Viết Văn - Trường Đại học Cần Thơ
Có thể bạn quan tâm
Thành phố Bắc Giang là một trong các địa phương tuy tiềm năng mặt nước nuôi trồng thủy sản không lớn
Cá chim trắng nước ngọt là loại cá nhiệt đới, có nguồn gốc ở lưu vực sông Amzon thuộc Nam Mỹ. Cá có hình dạng gần giống cá chim biển.