Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Đa Mi Vùng Đất Của Những Nông Dân Khát Vọng Làm Giàu

Đa Mi Vùng Đất Của Những Nông Dân Khát Vọng Làm Giàu
Ngày đăng: 04/09/2014

Chưa có xã nào ở Bình Thuận lại có số người đến nhập cư đông như Đa Mi, toàn xã hiện có 1.134 hộ là người của 57 tỉnh, thành đến lập nghiệp. Điều đặc biệt là những hộ từ xa đến Đa Mi đều có khát vọng làm giàu và họ thực sự đang giàu lên từng ngày…

Đa Mi “đất lành”

Đa Mi thuộc huyện Hàm Thuận Bắc, cách Phan Thiết chừng 70 đến 80 km, nhưng do đường đang sửa chữa, nâng cấp nên phải mất gần hai tiếng rưỡi đi ô tô chúng tôi mới tới được. Đường lên Đa Mi quanh co những dãy núi uốn lượn, hai bên đường có những con thác nhỏ nước chảy róc rách tạo nên những bức tranh sinh động  làm dịu mắt lữ khách.

Đa Mi có 4 thôn gồm Đa guri, La Dày, Đa Kim, Đa Tro, từ trụ sở xã đến thôn xa nhất là Đa Kim hơn 20 km. Xã có diện tích tự nhiên 14.538 ha, trong đó diện tích rừng 9.715 ha. Chính diện tích rừng khá lớn nên nhiều hộ dân sống lọt thỏm giữa rừng.

Khí hậu ở Đa Mi khá mát mẻ, hơn nữa đa phần người dân lên Đa Mi chủ yếu trồng cà phê và cây ăn trái nên hầu như ít thấy những khoảng đất trống.

Đồi nối đồi, những đồi cà phê bạt ngàn tít tắp nặng trĩu quả khiến tôi cứ tò mò. Trên đường đi, chị Nguyễn Thị Bảy – Giám đốc Agribank Hàm Thuận Bắc ngồi trong xe nhìn ra xa thấy những hàng cây được trồng trên đồi thẳng tắp, ngạc nhiên hỏi: Họ trồng cà phê hay cây gì mà đẹp thế mấy em? Anh tài xế cười bảo cà phê trồng xen với sầu riêng và măng cụt đó chị.

Chị Bảy trầm trồ: Chà, mình cũng nghe nói ở Đa Mi cà phê, măng cụt và sầu riêng nhiều và ngon nhưng không nghĩ dân họ trồng nhiều đến thế. Quả thật, ở Đa Mi diện tích trồng cà phê và các loại cây ăn trái khác đã suýt soát trên dưới 2.000 ha…

Khát vọng làm giàu

Xe đến trụ sở xã khoảng 10 giờ, tôi chỉ kịp chào xã giao Bí thư xã Đa Mi, anh Ngô Xuân Vân, rồi vội vã theo chân chị Bùi Thị Thành - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã đi vào nhà dân để xem các mô hình làm kinh tế. Ông Trần Huy Hàm, ở thôn Đa Tro tự hào giới thiệu mình là người đầu tiên đến Đa Mi lập nghiệp theo kiểu làm trang trại. Tôi chưa có điều kiện xác minh nhưng quả thật nhìn cơ ngơi của ông thì hơi bị… choáng.

Ông kể: Gia đình tôi ở Đà Lạt, năm 1996, tôi có nhận san ủi cho công trình thủy điện Hàm Thuận – Đa Mi, thấy đất tốt, khí hậu ôn hòa nên vợ chồng tôi quyết định lập nghiệp tại đây. Ban đầu ít vốn nên tôi chỉ làm vài ha, sau đó mở rộng thêm. Hiện nay, trang trại tôi có trên 7 ha trồng cà phê xen sầu riêng và măng cụt, mỗi năm thu lãi từ cà phê, măng cụt và sầu riêng từ 300 đến 400 triệu đồng…

Đang ngồi trò chuyện thì chị Bảy hỏi ông Hàm: Tôi nghe nói sầu riêng với măng cụt ở đây ngon hơn các vùng khác có đúng không anh? Chị ăn thử để chứng thực…vừa trả lời chị Bảy ông Hàm vừa gọi vợ mang dĩa măng cụt ra tiếp khách.

Những trái măng cụt được xẻ đôi căng mọng nước thơm phức, ông Hàm mời khách và giới thiệu: Giá cà phê, măng cụt và sầu riêng ở đây luôn cao bởi chất lượng hơn hẳn nhiều vùng khác. Trái cây ở đây ngon là nhờ có vùng đất đỏ ba – zan cộng thêm khí hậu phù hợp nên có thể nói chất lượng thuộc dạng… “đỉnh”.

Đi thực tế ra vườn, từng hàng cà phê thẳng tắp trải dài theo triền đồi, vườn lại nối vườn tạo nên màu xanh ngút ngàn tầm mắt chẳng biết ranh giới vườn cây của nhà nào. Mùi sầu riêng chín thơm lừng  phảng phất khiến tôi như bị ảo giác mơ màng nghĩ về chuyến du lịch dã ngoại ở vùng đất xa xôi nào đó mà không phải ở Bình Thuận…

Mà đúng rồi, tôi nhớ ra hôm trước có nhóm thanh niên ở thành phố Hồ Chí Minh đi du lịch ra Phan Thiết hỏi tôi đường lên Đa Mi. Lúc đó tôi chỉ đường nhưng cũng tò mò hỏi thăm nhóm lên đó làm gì, thì được trả lời đi tham quan thác 9 tầng, hồ Đa Mi, ăn cá tầm và hơn nữa đang là mùa trái cây mà nghe trên đó có nhiều loại trái ngon nên nhóm em đi dã ngoại…

Thì ra là vậy, tôi tự trách mình đã gần 40 năm ở Bình Thuận, lại làm nghề thông tin mà đôi lúc vẫn chưa biết nhiều, lại còn biết chậm hơn nhóm trẻ ở Sài Gòn! Đang suy nghĩ miên man thì ông Hàm chỉ cho tôi hồ nước nằm trên đỉnh đồi trang trại nhà ông.

Ở đây dù trên đồi cao nhưng không thiếu nước tưới cho cây mùa khô đâu, tôi làm hồ vừa nuôi cá vừa trữ nước tưới cây nên lợi cả đôi bề. Tôi buột miệng khen: Sao chú giỏi thế. Ông Hàm giới thiệu đã từng làm Chủ tịch Hội Nông dân xã Đa Mi từ năm 2002 đến năm 2007, được đi tập huấn nhiều lần về trồng các loại cây nên có kinh nghiệm làm vườn.

Nhờ làm Chủ tịch Hội Nông dân mà  ông đã giúp cho nhiều gia đình đến đây lập nghiệp không chỉ trong thời gian tại vị mà cả đến tận bây giờ. Đó là những hộ mới trồng cà phê, sầu riêng hay măng cụt chưa có kinh nghiệm đều tìm tới ông nhờ chỉ dẫn cách trồng và chăm sóc.

Có một chuyện mà trước khi rời Đa Mi tôi mới biết qua chị Hoa ở thôn La Dày kể, là khi còn làm ở Hội Nông dân xã, ông đã giúp cho nhiều hộ làm thủ tục vay vốn tín chấp ở Agribank Hàm Thuận Bắc: Ở Đa Mi, dân lên lập nghiệp rất nghèo, ai cũng thiếu vốn sản xuất nhưng đa phần các hộ có nhà cửa lẫn vườn tược chưa được cấp sổ đỏ nên không thể thế chấp để vay vốn ngân hàng. Khi có chương trình vay tín chấp theo tổ, nhóm ở các hội, đoàn thể thì ông Hàm đã giúp bà con khá nhiều…

Rời nhà ông Hàm ở thôn Đa Tro, chị Thành dẫn chúng tôi  đi thêm mười mấy km nữa mới đến nhà vợ chồng anh Nguyễn Văn Tiếng và chị Nguyễn Thị Hoa ở thôn La Dày. Trên đường đi chị Thành cho biết ở Đa Mi hầu hết các hộ đều vay vốn tín chấp của Agribank Hàm Thuận Bắc, ước hơn cả ngàn hộ vay vài chục tỷ đồng để đầu tư làm vườn.

Đó là chưa kể những hộ chính sách, hộ nghèo và cận nghèo cũng được vay vốn Ngân hàng Chính sách – xã hội để tìm cơ hội thoát nghèo. Riêng Hội Phụ nữ Đa Mi có 645 hộ vay vốn Agribank Hàm Thuận Bắc với số tiền 16 tỷ đồng.

Dù vay tín chấp nhưng đa phần người dân đến Đa Mi lập nghiệp với ước vọng làm giàu để đổi đời nên vốn vay phát huy tối đa hiệu quả và ai cũng trả lãi, trả nợ gốc đúng hạn. Anh Tiếng và chị Hoa chỉ trên dưới 40 tuổi, hai vợ chồng quê Thái Bình và Nam Định, đã đi nhiều nơi ở các tỉnh, thành tìm kế sinh nhai nhưng cuối cùng Đa Mi đã giữ chân họ lập nghiệp và giờ đang có trong tay 4 ha cà phê đã cho thu hoạch, mỗi năm lãi trên 300 triệu đồng. Chị Hoa kể: Ban đầu lên đây khó khăn lắm, thiếu vốn nên hai vợ chồng vừa làm vừa tích cóp mua đất.

Agribank Hàm Thuận Bắc cho vay 30 triệu đồng là một khoản không nhỏ để gia đình tôi và nhiều hộ ở đây “khởi nghiệp” làm giàu… Bên cạnh nhà chị Hoa, còn có nhà chị Hải, anh Thành, anh Bình cũng từ Thái Bình, Thanh Hóa hay tận đất mũi Cà Mau vào lập nghiệp ở Đa Mi. Nhà nào hiện cũng có vài ha cà phê, sầu riêng, mãng cầu, bơ, xoài, quýt, chôm chôm trồng xen nhau mỗi năm thu lãi vài trăm triệu đồng là chuyện thường ở…

Đa Mi. Vùng đất mới mà như Bí thư xã Đa Mi Ngô Xuân Vân, tâm sự: Là xã vùng cao, mới thành lập năm 2002 (tách từ xã La Dạ), ngoài dân 57 tỉnh, thành đến định cư còn có 8 dân tộc thiểu số khác đang sinh sống là K’ho, Mường, Hoa, Tày, Thái, Thổ, Khơme, Nùng nên còn rất nhiều khó khăn.

Tôi khá ấn tượng với con số hộ nghèo ở một xã vùng cao như Đa Mi mà ít có xã vùng cao, không chỉ trong tỉnh mà kể cả các tỉnh, thành khác cũng khó đạt được. Đó là toàn xã hiện chỉ có 36 hộ nghèo, chiếm 3,17% tỷ lệ dân số toàn xã. Chừng ấy hộ nghèo ở 1 xã vùng cao là minh chứng sức sống mãnh liệt với khát vọng làm giàu của người dân Đa Mi lớn đến thế nào!

Chiều đang xuống dần, nắng đã hắt qua những dãy đồi cà phê chập chùng. Chia tay Đa Mi, nhiều người dân nơi đây đã nói với tôi, dân Đa Mi rất biết ơn Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy về phát triển toàn diện dân sinh kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa.

Những khoản tiền vay hỗ trợ lãi suất từ Ngân hàng Chính sách – xã hội, các khoản vay tín chấp từ Agribank Hàm Thuận Bắc và nhiều chương trình “điện, đường, trường, trạm”… được đầu tư đã giúp bà con ổn định cuộc sống và tăng tốc phát triển kinh tế không thua kém so các xã miền xuôi.

Có điều, tôi vẫn trăn trở cùng với người dân nơi đây là mong Đa Mi sớm được cấp sổ đỏ cho đất thổ cư và cả đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm để người dân thêm cơ hội phát triển kinh tế…


Có thể bạn quan tâm

Nông Sản Việt Nam Vẫn Chủ Yếu Xuất Thô Nông Sản Việt Nam Vẫn Chủ Yếu Xuất Thô

Nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam do mải "chạy đua" về thứ hạng xuất khẩu nên đã không chú ý đến nâng cao giá trị sản phẩm. Ngoài ra, hạn chế của các mặt hàng nông sản xuất khẩu là chủ yếu xuất thô, chất lượng hàng hóa không đồng nhất khiến cho đối tác không tin tưởng và thường xuyên ép giá.

17/09/2014
Vụ Hè Thu 2014 Đạt Khả Quan Về Năng Suất, Chất Lượng Nông Sản Vụ Hè Thu 2014 Đạt Khả Quan Về Năng Suất, Chất Lượng Nông Sản

Theo Sở Nông nghiệp-PTNT thì tính đến nay, các địa phương đã thu hoạch được gần 41.000 ha cây trồng vụ hè thu, đạt gần 55% so với diện tích gieo trồng. Những địa phương có tiến độ thu hoạch nhanh như Chư Jút: 11.500 ha/15.970 ha, Krông Nô: 11.500 ha/16.778 ha…

17/09/2014
Trồng Cà Phê Tái Canh Được Hỗ Trợ 50% Giá Mua Cây Giống Trồng Cà Phê Tái Canh Được Hỗ Trợ 50% Giá Mua Cây Giống

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, để thực hiện tốt chương trình tái canh cà phê, Viện Khoa học kỹ thuật Nông-Lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) đã phối hợp với Công ty Nestle’ Việt Nam hỗ trợ 50% giá mua cà phê giống cho người dân tại các tỉnh: Đắk Nông, Lâm Đồng, Đắk Lắk và Gia Lai.

17/09/2014
Kiểm Dịch Thực Vật Trước Khi Nhập Khẩu Vào Việt Nam Kiểm Dịch Thực Vật Trước Khi Nhập Khẩu Vào Việt Nam

Bộ NN&PTNT vừa ban hành Thông tư quy định danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải phân tích nguy cơ dịch hại trước khi nhập khẩu vào Việt Nam. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2015, thay thế Thông tư số 39/2012/TT-BNNPTNT ngày 13/8/2012 của Bộ NN&PTNT ban hành.

17/09/2014
Nông Dân Đức Minh Tập Trung Chăm Sóc Cà Phê Nông Dân Đức Minh Tập Trung Chăm Sóc Cà Phê

Anh Dương Văn Trung, ở thôn Thanh Lâm có hơn 2,5 ha cà phê chia sẻ: “Áp dụng phương châm bón phân đúng loại, đúng liều lượng, đúng phương pháp và đúng thời điểm nên ngay từ đầu mùa mưa, gia đình tôi đã lựa chọn những hãng phân có chất lượng, uy tín cao trên thị trường để bón cho cây.

17/09/2014