Đa Dạng Nguồn Vốn Để Xóa Đói, Giảm Nghèo
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo giảm nghèo tỉnh, năm 2014, toàn tỉnh giảm 3,7% hộ nghèo so với năm 2013. Mục tiêu giảm nghèo bền vững được thực hiện tích cực, đồng bộ, trên cơ sở lồng ghép các chương trình, dự án đang triển khai tại địa phương, như: Nghị quyết 30a, Chương trình 135, dự án Giảm nghèo của Ngân hàng Thế giới (WB)...
Chính sách hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, đào tạo nghề, xuất khẩu lao động theo Nghị quyết 30a tại 5 huyện (Nậm Pồ, Mường Nhé, Mường Ảng, Tủa Chùa và Điện Biên Đông), đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng gắn với tạo sinh kế cho người nghèo được coi là điểm nhấn trong quá trình thực hiện chỉ tiêu giảm nghèo của tỉnh.
Trong năm, ngành Nông nghiệp & PTNT tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai thí điểm hàng trăm mô hình chuyển giao khoa học kỹ thuật, sản xuất giống cây trồng vật nuôi năng suất, chất lượng, mang lại thu nhập cao phù hợp điều kiện thực tế từng vùng. Như mô hình sản xuất lúa gieo thẳng, trồng ngô lai, trồng đậu tương xen cây đào pháp chín sớm, gà lai chọi...
Qua đó giúp người dân có điều kiện tiếp cận phương thức sản xuất mới, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích.
Góp phần quan trọng trong thực hiện các mục tiêu giảm nghèo tại một số huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh là Dự án Giảm nghèo tỉnh Điện Biên giai đoạn 2010 – 2015.
Với mục tiêu tăng cường cơ hội sinh kế cho người nghèo khu vực nông thôn và nhóm dân tộc thiểu số, đến nay người dân 441 thôn bản thuộc 38 xã trên địa bàn 4 huyện: Mường Chà, Mường Ảng, Tủa Chùa và Điện Biên Đông đã được cải thiện điều kiện sống từ những hợp phần hỗ trợ của dự án.
Không chỉ cải thiện điều kiện cơ sở hạ tầng thôn, bản, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống của nhân dân, dự án còn tăng cường đa dạng hóa cơ hội liên kết thị trường và hỗ trợ sáng kiến kinh doanh thông qua việc triển khai các giống cây trồng phù hợp với điều kiện địa phương và giúp người dân tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm ổn định.
Như tiểu dự án hỗ trợ xây dựng đối tác trồng và tiêu thụ ớt tại xã Mường Mươn, huyện Mường Chà; liên kết trồng và tiêu thụ quả sa nhân tím giữa Công ty Cổ phần Thương mại dược liệu Mường Thanh với người dân xã Ngối Cáy, huyện Mường Ảng...
Với sự quan tâm của Nhà nước và ý thức vượt khó vươn lên nên ngày càng có nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, nhiều nông dân đã vươn lên thoát nghèo ngay trên chính đồng ruộng của mình.
Thông qua các chương trình đào tạo nghề cho người nghèo và lao động nông thôn, xuất khẩu lao động đã giúp hàng nghìn lao động phổ thông trên địa bàn có công ăn việc làm, tạo nguồn thu nhập cho gia đình. Năm 2014 toàn tỉnh có 8.500 lao động được giải quyết việc làm mới. Các cơ sở đào tạo nghề cũng tiếp nhận, đào tạo nghề cho 7.565 lao động, đáng kể trong đó có tới 81,5% là lao động nông thôn.
Mặc dù vậy, đánh giá tổng quát của các huyện, thị trong toàn tỉnh cho thấy, quá trình triển khai một số cơ chế, chính sách và biện pháp trợ giúp XĐGN chưa thật phù hợp, còn mang tính bao cấp. Chính vì vậy đã làm nảy sinh tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Đặc biệt, hiện nay xu hướng tách hộ sớm để được công nhận là hộ nghèo diễn ra ở không ít nơi. Năm 2015, tỉnh ta phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 28,01%, giảm 3,48% so với năm 2014.
Để hoàn thành mục tiêu đó, việc tăng cường lồng ghép các chương trình, dự án và chính sách đối với hộ nghèo, người nghèo để tập trung huy động các nguồn lực cho công tác XĐGN kết hợp với ưu tiên hỗ trợ phát triển sản xuất và đầu tư cho các xã đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới cơ sở hạ tầng KT – XH còn yếu kém được xác định là nhóm giải pháp quan trọng hàng đầu.
Xây dựng chương trình hành động thực hiện mục tiêu XĐGN từ cấp tỉnh đến cơ sở gắn trách nhiệm của người đứng đầu mỗi nơi với kết quả tổ chức triển khai các chương trình XĐGN. Tăng cường tuyên truyền vận động để nâng cao ý chí, quyết tâm thoát nghèo của người dân; kết quả giảm nghèo phải được đánh giá một cách thực chất, công khai và công bằng.
Có như vậy người nghèo mới thực sự muốn thoát nghèo và biết vươn lên thoát nghèo bền vững và mỗi chính sách hỗ trợ đến với người dân mới thực sự đạt hiệu quả.
Nguồn bài viết: http://www.baodienbienphu.com.vn/kinh-t%E1%BA%BF/%C4%91-d%E1%BA%A1ng-ngu%E1%BB%93n-v%E1%BB%91n-%C4%91%E1%BB%83-x%C3%B3a-%C4%91%C3%B3i-gi%E1%BA%A3m-ngh%C3%A8o
Có thể bạn quan tâm
Chiều 28/11, đoàn công tác của Ban chỉ đạo thực hiện đề án Thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi do ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó cục trưởng Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Bộ NN-PTNT) làm trưởng đoàn có buổi làm việc tại Phú Yên.
Sau một thời gian ở mức thấp, giá cá tra nguyên liệu xuất khẩu tại An Giang đã tăng khoảng 2.000 - 2.500 đồng/kg so với cách nay hơn 1 tháng, do gần đây nhiều doanh nghiệp tăng cường thu mua cá tra nguyên liệu chuẩn bị hàng phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu được dự đoán sẽ tăng vào dịp lễ Tết cuối năm.
Đây là loại tàu cá vỏ thép lưới vây, chạy bằng động cơ diesel, dài 25m, rộng gần 8m và được trang bị nhiều thiết bị hàng hải hiện đại gồm hệ thống radar, máy định vị GPS, la bàn từ, phao vô tuyến chỉ báo sự cố, phao cứu sinh, thiết bị cứu hỏa...
Ban đầu, chỉ có vài chục hộ ở xã Đại An (huyện Trà Cú) tận dụng nguồn cá tạp khai thác biển để nuôi. Từ đầu năm đến nay, tỉnh Trà Vinh có thêm 1.200 hộ thả nuôi khoảng 200 triệu con cá lóc giống trên diện tích gần 200ha; tổng sản lượng đã thu hoạch được gần 20.000 tấn cá lóc thương phẩm.
Tính đến nay, diện tích nuôi tôm công nghiệp trong toàn tỉnh Cà Mau đạt 7.844,26 ha, tăng 1.844,26 ha so với cuối năm 2013 (trong đó diện tích đang thả nuôi hơn 4.000 ha), vượt kế hoạch năm 2014 trên 844 ha.